+Aa-
    Zalo

    Chuyện người sinh 12 con ở làng “siêu đẻ” trên đất Việt

    • DSPL
    ĐS&PL Ở làng Ea Luh nhà nào cũng đẻ nhiều, nhà nhiều nhất có đến 12 đứa trẻ. Cả làng có 112 hộ, nhưng có đến 700 nhân khẩu, trung bình mỗi cặp vợ chồng có đến 6 người con.

    Ở làng Ea Luh nhà nào cũng đẻ nhiều, nhà nhiều nhất có đến 12 đứa trẻ. Cả làng có 112 hộ, nhưng có đến 700 nhân khẩu, trung bình mỗi cặp vợ chồng có đến 6 người con. Ở ngôi làng được mệnh danh là làng “siêu đẻ” này, những cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ mà chỉ có 2, 3 mặt con được coi là chuyện hiếm gặp.

    Bố mẹ không nhớ hết tên con

    Từ nhiều năm nay, làng Ea Luh, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pãh, Gia Lai nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc là làng “siêu đẻ”. Nhà ít cũng có vài đứa, nhà nào nhiều thì có cả chục đứa, mà nhiều lúc bố mẹ không thể nào nhớ nổi mặt con. Sau khi vượt qua hàng trăm kilômét, chúng tôi đã có mặt tại làng Ea Luh để được tận mắt nhìn thấy những điều mình nghe kể bấy lâu nay.

    Hình ảnh đầu tiên chúng tôi ghi nhận được là hàng chục đứa trẻ, mới chập chững biết đi có, lớn ngang vai có đang chơi đùa xung quanh giếng nước của làng. Xung quanh giếng là những ngôi nhà gạch, tường đã ngả màu thời gian được xây dựng từ những năm 2005 – 2007 theo Chương trình 134 của Chính phủ. Bên cạnh những ngôi nhà xây hiếm hoi là hàng chục căn nhà gỗ xiêu vẹo được xây dựng tạm bợ. Thấy có người lạ đến làng, đám trẻ hồn nhiên chạy lại vây quanh chúng tôi, chứ không như đám trẻ con ở thành phố mỗi khi thấy người lạ thì chạy vào nhà.

    Nhiều gia đình đông con, bố mẹ lên rẫy, các đứa trẻ phải tự chăm sóc nhau.

    Nhờ sự nhiệt tình của lũ trẻ, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà của anh Anh Sa – Trưởng thôn Ea Luh (SN 1986). Khi được hỏi về chuyện đông con của làng mình, anh Sa thật thà: “Theo thống kê của cán bộ dân số xã vào cuối năm ngoái thì làng mình có 112 hộ, 700 nhân khẩu. Còn từ đó đến giờ mọi người trong thôn đẻ thêm bao nhiêu con nữa mình cũng chưa thống kê được. Ở đây vừa mới thấy đẻ xong đã lại mang bầu nên đến cả cán bộ dân số thôn cũng không nắm được hết chứ đừng nói là mình”. Bản thân vợ chồng anh Sa, dù vẫn còn trẻ tuổi nhưng đã có đến 4 mặt con.

    Sau một hồi trò chuyện, anh Sa dẫn chúng tôi về thăm gia đình chị A Viên ở cuối thôn Ea Luh. Theo anh Sa thì vợ chồng chị Viên đã phá kỷ lục sinh nhiều con nhất trong thôn mà vợ chồng anh Dóc đang nắm giữ.

    Chị Viên (SN 1976) mới ngoài 40 tuổi, nhưng do cuộc sống vất vả nên ngoại hình nhìn chẳng khác gì bà lão 60. Khi chúng tôi hỏi về đàn con của mình, sau hồi nhăn trán nhẩm tỉnh, chị cho biết, vợ chồng mình có cả thảy 12 mặt con. Lúc chúng tôi đến, đồng hồ đã điểm 11h nên đàn con của chị đang lóc cóc chạy từ tứ phía về nhà. Sáu đứa bé mặt mũi, chân tay còn lấm lem đất cát nhưng chẳng thèm rửa, mỗi đứa đã vội tranh phần những miếng cơm cháy, tản ra mỗi đứa một góc sân ăn ngon lành.

    Khi được hỏi về chuyện sinh nhiều con, chị Viên cười hồn nhiên vì cho rằng chuyện này không có gì lạ. Chị bảo: “Người Xê Đăng mình quan niệm đông con, đông của. Nhà nào càng đông con càng có người làm việc. Mình cũng giống như mẹ, các chị mình đẻ xong lại tiếp tục mang bầu đứa khác, chắc đẻ đến khi nào hết trứng thì thôi”. Khi nghe chúng tôi hỏi: “Liệu chị có nhớ hết tên các con không?”, chị gãi đầu rồi lén nhìn mặt các con đọc lại tên vì không thể nhớ hết tên các con mình do nhiều quá.

    Cả làng thuộc diện hộ nghèo

    Rời nhà chị Viên, tôi sang nhà anh Dóc, người từng nắm giữ kỷ lục gia đình đông con nhất thôn suốt nhiều năm giờ đã “về nhì”. Lúc mới gặp, nhìn thân hình gầy gò, ốm yếu của vợ chồng anh chúng tôi không tin anh chị có thể sinh được 11 mặt con.

    Khi được hỏi vì sao vợ chồng mình lại sinh nhiều con đến vậy, anh Dóc thật thà: “Ngày xưa, người Xê Đăng mình sống tít trên đỉnh núi cao nên cuộc sống khó khăn. Sinh con ra đã khó, còn nuôi lớn được lại càng khó hơn nên các cụ quan niệm bao giờ còn sinh được thì cứ sinh thôi, không kiêng cữ, kế hoạch gì hết”. Cũng giống như anh Dóc, chị Viên bảo: “Làng mình ai cũng đẻ nhiều hết, vì con cái là của trời cho mà”.

    Ngoài quan niệm “cổ hủ” về chuyện sinh con, một trong những nguyên nhân khiến các vợ chồng ở đây “vỡ kế hoạch” do không biết áp dụng các biện pháp dân số kế hoạch hóa gia đình”.

    “Khi sinh đến đứa thứ 7, mình đã có ý định dừng lại. Nhưng mà không làm cách nào để phòng tránh, nên mỗi lần ngủ chung với vợ mình thì cái bụng vợ lại cứ to ra. Những năm sau chúng nó lại cứ mỗi năm một đứa ra đời”, anh Dóc nói.

    Cũng giống như nhiều gia đình khác trong thôn, cả gia đình chỉ trông cậy vào hơn sào ruộng trơ sỏi đá cùng đồng tiền công ít ỏi từ việc đi làm thuê, hái chè của vợ chồng chị Viên cùng đứa con lớn. “Nhiều lúc phải dày mặt đi vay tiền đong gạo để nấu cơm khi trong nhà không có nổi hạt gạo để nấu nồi cháo cho các con. Nhưng thấy mình nợ mãi không chịu trả nên bây giờ người ta không cho mình mua chịu nữa”, chị Viên trải lòng.

    Khi nghe những lời “gan ruột” ấy, chúng tôi cảm nhận được cái nghèo đang bủa vây cuộc sống của gia đình chị khi trong căn nhà đáng giá nhất là chiếc nồi cơm điện. Nghèo đến mức phên nứa bao quanh còn thủng lỗ chỗ, các con chị phải nghỉ học khi chưa xong cấp 1. Ở nhà, cứ đứa lớn trông đứa bé, kèm lời dặn “đi đâu thì đi, tối phải có mặt ở nhà ăn cơm”.

    Thế nhưng, theo anh Sa thì những trường hợp như gia đình chị Viên không phải là hiếm khi trong tổng số 112 hộ của làng Ea Luh thì hộ nghèo chiếm 45 hộ và 32 hộ nghèo thuộc diện đặc biệt, còn lại 30 hộ cũng thuộc diện cận nghèo.

    “Trong thôn Ia Luh, nhà nào cũng khó khăn, chỉ là gia đình nào khốn khổ nhất thôi. Ở thôn này, trung bình mỗi hộ dân có khoảng 7 người con”. Cũng theo anh Sa thì nguyên nhân nghèo khó đều do đẻ nhiều dẫn đến không đất sản xuất, không tiền trang trải cuộc sống và lao động chính chỉ trông cậy vào người đàn ông trụ cột.

    Để giảm bớt tình trạng nghèo khó do đẻ nhiều, mỗi lần họp thôn anh Sa đều tuyên truyền bà con phải sinh đẻ theo kế hoạch. “Bản thân mình cùng cán bộ dân số thôn đã tìm đủ mọi cách để tuyên tuyền cho người dân, thậm chí đến tận nhà vận động từng cặp vợ chồng, hướng dẫn cụ thể các biện pháp như bao cao su, thuốc uống để tránh thai...

    Lúc mình nói, mọi người ai cũng gật gù nghe như thể đã hiểu ra chuyện, nhưng chỉ được lúc đó thôi. Thế nhưng chỉ vài bữa sau lại nghe tin chị nọ chị kia tiếp tục mang thai nên mình cũng đành bó tay”, anh Sa nói.

    Chỉ 2 phụ nữ chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai

    Chị H’Jiar, cán bộ dân số thôn Ea Luh ngao ngán cho biết: “Suốt mấy năm nay, các cán bộ dân số thường xuyên đi vận động, tuyên truyền đủ kiểu để bà con giảm tỷ lệ sinh đẻ, nhưng họ không bao giờ nghe. Khi cán bộ xã hướng dẫn và phát thuốc tránh thai cho phụ nữ, bao cao su cho đàn ông để tự kế hoạch, đa phần người dân đều hào hứng nhận, nhưng nhận về rồi để đầu giường...

    Gần đây, có 2 phụ nữ chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai, như đặt vòng, tiêm thuốc, nhưng với điều kiện là phải giữ bí mật, không được để bất cứ ai biết vì họ sẽ rất xấu hổ và sợ bị trách tội”.

    Hồ Nam


    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-nguoi-sinh-12-con-o-lang-sieu-de-tren-dat-viet-a194946.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan