+Aa-
    Zalo

    Chuyện ông Huyện Sỹ dạy con và ngôi biệt thự bí ẩn trấn yểm phong thủy?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nếu như chuyện công tử Bạc Liêu một tay phá tan gia sản khổng lồ thì những người con của ông Huyện Sỹ lại là những người thông minh.

    (ĐSPL) - Nếu như chuyện công tử Bạc Liêu một tay phá tan gia sản khổng lồ của người cha đại phú hộ Trần Trinh Trạch thì những người con của ông Huyện Sỹ lại là những người thông minh, hiểu biết và rất biết phát huy tiềm lực kinh tế của gia đình.

    Được cho ăn học đầy đủ nhưng điều quan trọng là ông Huyện Sỹ đã truyền vào trong đầu của các con mình một sự gìn giữ và tự lập cho chính bản thân mình. Tài sản ông Huyện Sỹ phân chia rất đều nhưng chỉ cho mỗi người một ít để làm bước đệm. Ai ngờ, những người con của ông Huyện Sỹ đều ăn nên làm ra để rồi tất cả đều trở thành “đại phú hộ” ở khắp một dải từ Sài Gòn cho đến tận Đồng Tháp Mười.

    Sự nghiêm khắc của người cha là “đại phú hộ”

    Ông Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt kết hôn với bà Huỳnh Thị Tài, một người phụ nữ nổi tiếng là xinh đẹp và nết na. Nhiều người đánh giá bà Tài có tướng “vượng phu” vì sau khi cưới vợ, ông Huyện Sỹ thăng quan tiến chức, tiền đồ vào như nước, chẳng mấy chốc từ anh cán bộ trung lưu trở thành “đại phú hộ” giàu nhất Nam Kỳ.

    Nhà thờ Huyện Sỹ.

    Bản thân bà Tài vốn cũng được sinh ra trong một gia đình gia giáo, được ăn học đầy đủ lại mang dáng dấp của những người phụ nữ kiểu phong kiến nên rất lễ nghĩa. Khi lấy chồng, bà Huyện Sỹ một tay lo liệu mọi việc trong gia đình để chồng thoải mái tính chuyện làm ăn.

    Ông bà Huyện Sỹ sinh được khá đông con gồm: Lê Phát An, Lê Thị Bính, Lê Phát Thanh, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Tân… Dù được sống trong điều kiện vật chất đầy đủ từ nhỏ nhưng tất cả các con của ông bà Huyện Sỹ đều được dạy bảo hết sức cẩn thận.

    Với những người con trai, ông Huyện Sỹ luôn định hướng rất rõ ràng về chí hướng cũng như ý thức trong việc học tập. Những cô con gái, ngoài chuyện học chữ, văn hóa tại trường lớp thì đều được bà Huyện Sỹ chỉ bảo cho những phép tắc, lễ nghi theo kiểu con gái thời phong kiến. Không bao giờ để các con có suy nghĩ lấy đồng tiền ra làm thú tiêu khiển, ông Huyện Sỹ có thể bỏ ra một đống tiền để làm từ thiện nhưng chẳng bao giờ cho phép các con đốt tiền vào những thứ ăn chơi vô bổ.

    Đến khi lớn lên, ông Huyện Sỹ đều cho các con đi tu nghiệp bên nước ngoài hoặc các trường danh giá do Pháp quản lý. Học hành đầy đủ, khi trở về, ông Huyện Sỹ đều chia cho các con của mình một phần cơ ngơi.

    Với khối tài sản khổng lồ của mình, thì dù chỉ là chia một phần nhỏ thì mỗi người con của ông Huyện Sỹ cũng đủ để trở thành phú hộ. Mỗi người con một mảnh đất khác nhau, người thì ở Sài Gòn, người thì về Long An, cũng có người về tận khu Đồng Tháp Mười để cai quản ruộng đất và cơ ngơi của gia đình.

    Trong số những người con của ông Huyện Sỹ, người con trai trưởng có lẽ là được nhiều người biết đến nhất. Được bố giao cho cai quản một khu rộng lớn nay thuộc quận Gò Vấp, vị trai trưởng này đã biết phát triển sự nghiệp lên một mức cực thịnh. Ngoài việc làm ăn kinh tế, người con trai cả là Lê Phát An còn là một người được người dân hết sức cổ súy, luôn đi đầu trong việc thực hiện các chính sách đổi mới và đặc biệt là có quan hệ cực kỳ thân thích với triều đình.

    Sau này, ông Lê Phát An còn được vua Bảo Đại phong cho chức An Định Vương, một vị trí mà chỉ những người trong hoàng thân quốc thích mới được phong chứ người ngoài chưa bao giờ có tiền lệ.

    Xây dựng cơ đồ hoành tráng cho riêng mình, trong khi ông Huyện Sỹ bỏ tiền ra xây 2 khu nhà thờ lớn nhất nhì Sài Gòn là nhà thờ Chợ Đũi và nhà thờ Chí Hòa thì người con Lê Phát Thanh cũng xây nhà thờ tại khu Gò Vấp nay được biết đến là nhà thờ Hạnh Thông Tây…

    Một điểm tương đồng giữa ông Huyện Sỹ và các người con là tuy đều là “đại phú hộ”, tiền của chất thành núi nhưng hiếm khi họ tiêu phá những khoản nào vô bổ. Tất cả đều có mục đích rõ ràng chứ không theo kiểu đốt tiền vô nghĩa tỏ mặt giàu có như vị Công tử Bạc Liêu.

    Ngôi biệt thự bí ẩn trấn yểm phong thủy?

    Một trong những câu chuyện được dân gian tương truyền rất nhiều về ngôi biệt thự nằm ở khu ngã ba sông Tân An và Bảo Định. Là một người bình thường cũng có thể nhìn ra sự đặc biệt của khu đất nằm ở vị trí có một không hai này. Nơi ông Huyện Sỹ cho xây khu biệt thự đồ sộ được ví như là điểm giao thoa giữa hai luồng sinh khí của hai con sông, thế tựa sơn chiếu thủy được nhìn rất rõ.

    Những người có đầu óc tưởng tượng phong phú thì ví mảnh đất xây biệt thự của ông Huyện Sỹ như là hàm rồng đang vươn ra ngoài sông nước. Với vị thế đẹp như thế này, người chủ sở hữu của mảnh đất sẽ ăn nên làm ra, phát tài, phát lộc và chiếu theo những gì ông Huyện Sỹ có được thì những đồn đoán về phong thủy càng khiến dư luận tin hơn.

    Thực ra, mảnh đất mà ông Huyện Sỹ xây biệt thự trước đây chỉ để cây cỏ mọc um tùm. Nhưng rồi trong một lần hiếm hoi đi xem ruộng đồng, ông Huyện Sỹ đã nhìn ra nó rồi mời thầy phong thủy về coi lại sau đó mới quyết định xây biệt thự.

    Ngôi nhà này được giao cho một người con thứ trông coi, cai quản cùng với cả một vùng rộng lớn đồng ruộng ở Tân An. Thi thoảng, ông bà Huyện Sỹ vẫn lui về để nghỉ ngơi trong những ngày nhàn rỗi. Ở một nơi thiên nhiên đất trời hòa quyện, lại được nâng giấc từ những thứ nhỏ nhất, có lẽ cuộc sống của ông bà Huyện Sỹ chẳng khác gì đế vương. Mà ở thời đó, dân gian còn rỷ tai nhau về việc, nếu so sánh về tài sản thì ông Huyện Sỹ còn giàu hơn vài phần so với vua Bảo Đại đủ để nói về sự giàu có và tiềm lực kinh tế của người này.

    Có một điều đặc biệt là những người con của ông Huyện Sỹ sau này đều được gọi là đại điền chủ nhưng tuyệt nhiên họ không mang tiếng xấu là bóc lột của người dân nghèo. Lẽ dĩ nhiên, chuyện điền chủ cho thuê ruộng đất để người dân cấy trồng là chuyện bình thường, nhưng có lẽ hiếm khi nào thấy chuyện người nhà của ông Huyện Sỹ đi siết nợ hay đẩy gia đình của những người nông dân vào bước đường cùng chỉ vì nộp thuế chậm.

    Ngoài việc lấy lòng người dân thì ông Huyện Sỹ còn truyền cho những người con của mình một sự khéo léo trong mối quan hệ. Nếu để ý kỹ sẽ thấy, các con của ông Huyện Sỹ đều tham gia vào các chính quyền ở nhiều nơi.

    Tại Nam Kỳ, ông Huyện Sỹ giữ sức trong Hội đồng quản hạt thì các con cũng làm việc ở một số cơ quan do chính quyền Pháp quản lí. Rồi về triều đình phong kiến khi còn tồn tại vẫn có người tham gia và rất được lòng vua nên có sự ưu ái… Tuy nhiên, những việc này, người dân chẳng mấy quan tâm bằng việc gia đình ông Huyện Sỹ giàu có cỡ nào. Cho đến giờ thì người dân vẫn chỉ còn truyền miệng nhau về những câu chuyện ông Huyện Sỹ giàu ra sao, tiền của như thế nào, chứ còn việc làm quan to đến đâu chẳng mấy ai nhắc tới…

    Những diễn biến về hậu thế đời thứ 3 của ông Huyện Sỹ càng khiến cho người dân cảm thấy khâm phục con người này khi mà đến một vị vua đứng đầu một nước như vua Bảo Đại khi gặp còn phải kiêng nể, lễ phép. Rồi cho đến khi ông Huyện Sỹ trở thành ông vợ ngoại của vua Bảo Đại thì nhiều người mới hiểu rằng thế lực của vị phú hộ này đã không chỉ gói gọn ở Nam Kỳ như từ trước đến nay vẫn biết.

    (còn tiếp)

    LAM LINH

    Xem thêm video: Đại gia lễ chùa đầu năm bằng... 300 đầu heo

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ong-huyen-sy-day-con-va-ngoi-biet-thu-bi-an-tran-yem-phong-thuy-a91696.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan