+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình kỳ lạ của ông già bướu cổ và bà lão gù

    • DSPL
    ĐS&PL Một cụ ông bị câm điếc lại có cái bướu to giữa cổ và một cụ bà gù lưng. Họ đã vẽ nên bức tranh thật đẹp trên khu di tích lịch sử Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng).

    Một cụ ông bị câm điếc lại có cái bướu to giữa cổ và một cụ bà gù lưng. Họ đã vẽ nên bức tranh thật đẹp trên khu di tích lịch sử Đông Khê, huyện Thạch An (Cao Bằng).

    Ươm những mầm xanh

    Gần 80 tuổi, chân tay ông Âu Văn Sáng vẫn thoăn thoắt. Còn bà Lý Thị Sửu (65 tuổi) rất thấp, đứng cạnh cây cải mà mái đầu bạc trắng vẫn thấp hơn cả gang tay. Nhỏ người nhưng giọng bà cứ sang sảng.

    Suốt 5 năm phát cỏ dại, trồng cây và nhặt rác trong khu di tích, nhiều người lầm tưởng họ là bảo vệ ở đây nhưng bà Sửu bảo: “Bà thề nhà bà không nhận được một đồng tiền lương”.

    Ở thị trấn nhỏ này, hiếm có gia đình nào nghèo như gia đình ông bà. May mắn cho ông bà vì tuổi già còn có cậu con trai Âu Văn Hải (SN 1987) và cô con dâu làm chỗ dựa. Hải làm nghề phụ hồ, mỗi tháng người ta gọi đi làm khoảng 15 ngày. 15 ngày còn lại anh cày bừa, cấy hái trên mảnh đất rộng 600 m2 thuê lại của người ta. Vợ Hải đi bán hàng tạp hoá thuê trên thị trấn, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng.

    Chuyện tình kỳ lạ của ông già bướu cổ và bà lão gù
    Ông Sáng và bà Sửu

    Đồi Đông Khê - khu đồi của những mất mát và bi thương. Nơi mỗi thớ đất đều ngấm máu, ngấm nước mắt, và ngấm cả nỗi đau chiến tranh khi hàng trăm người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến sinh tử đánh đuổi giặc Pháp. Nhưng, đó cũng là mảnh đất anh hùng, gắn liền với trận đánh mở màn hết sức quan trọng của quân ta trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông năm 1950, mở toang biên giới Việt - Trung, giành thế chủ động trên chiến trường.

    Đã có thời kỳ dài khu di tích lịch sử huyền thoại này bị lãng quên. Hoang hoải. Lạnh lẽo. Và tàn tạ. Cỏ cao quá đầu người. Rắn rết, chuột bọ lộng hành. Dấu tích của một mảnh đất thiêng chỉ là những ngôi mộ liệt sĩ vùi mình trong đám cỏ um tùm. Cạnh đó là hầm hào, đồn bốt, dây thép gai và cơ man vỏ đạn.

    Mãi đến năm 2000, tường đá mới được xây quanh đồi Đông Khê. Đường lên thăm khu di tích được cứng hoá. Nhà lưu niệm xây dựng khang trang. Các đoàn thể đã trồng rừng, phủ xanh khu đồi lịch sử. Nhưng, di tích Đông Khê chỉ có cán bộ của Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Thạch An kiêm nhiệm nhiệm vụ quản lý. Không có bảo vệ thường trực.

    Mỗi năm, huyện hợp đồng với các tổ chức đoàn hội phát cỏ 4 lần nhưng chỉ sau vài trận mưa rào cỏ lại mọc tua tủa. Lần nào bà Sửu lên thắp hương cho người em họ là liệt sĩ Lý Văn Dỏng (SN 1949) cũng thấy xót xa. Bà muốn triệt cái giống cỏ ấy tận gốc. Mà muốn triệt tận gốc thì phải trồng thế cây khác vào.

    Một buổi sáng đầu đông năm 2009, bà dành một ít tiền trợ cấp người khuyết tật của mình ra chợ mua 2 gói hạt cải giống, rồi cùng chồng vác cuốc, dao lên phát cỏ, xới đất trồng. Sau 1 tháng dày công tưới tắm, những luống cải đã xanh non.

    Chuyện tình kỳ lạ của ông già bướu cổ và bà lão gù
    Mùa hoa cải tàn, vợ chồng ông Sáng lại tiếp tục cuốc đất trồng đậu để cỏ không có chỗ mọc

    Mới đầu, cán bộ quản lý di tích tưởng bà mưu đồ chiếm dụng đất công nên ngăn cản quyết liệt, suýt chút nữa nhổ bỏ hết. Bà bảo: “Trồng cải còn hơn là để cỏ dại mọc, lúc non có thể cắt tỉa ăn. Đợi đến khi gốc già rồi thì cứ để nó trổ ngồng ra hoa cho mọi người ngắm. Vừa đẹp vừa đỡ chuột bọ”. Nghe xuôi tai, vị cán bộ tạm “hoãn thi hành án” với những luống cải.

    Tháng Giêng, một góc vườn rộng cả trăm mét vuông trên đồi Đông Khê ngập tràn sắc vàng hoa cải. Ong bướm lả lơi bay lượn. Trẻ nhỏ, người lớn tíu tít dẫn nhau lên khu di tích chụp ảnh lưu niệm. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, ông bà phấn khởi lắm.

    Cuối tháng 2, khi cải sắp tàn cũng là lúc đôi vợ chồng già thu hạt giống để dành cho vụ mùa năm sau. Mùa hè, cải không lớn được. Để giữ đất không bị cỏ xâm lấn, bà trồng luân canh đậu tương “vì nó tốt cho đất và cây không quá cao, giữ được không gian thoáng đãng cho khu di tích”.

    Để khu đồi bình yên

    Lúc nhàn rỗi, ông Sáng bà Sửu cùng nhau dạo quanh đồi tìm kiếm bơm kim tiêm do các đối tượng nghiện tiêm chích bỏ lại. Bà bảo: “Nhiều buổi bà gom được cả chục xi lanh. Có cái mũi kim bị bẻ cong hình chữ L như muốn “trả thù đời”, vẫn còn dính nguyên máu. Không gom lại rồi đốt, khách tham quan không may dẫm phải thì nguy”.

    Hàng ngàn cây thông thân thẳng cao vời vợi quanh lưng đồi đang mùa thu quả. Đội quân hái quả thông vẫn lén lút vào đây trèo hái đem bán. Thấy thế, bà cứ hét toáng lên: “Ối giời ơi. Bà con lên đây bắt trộm quả thông này”. Thấy động, cả đám đành phải rút.

    Chuyện tình kỳ lạ của ông già bướu cổ và bà lão gù
    Tranh thủ lúc rảnh rỗi, bà Sửu lại dạo quanh khu di tích gom bơm kim tiêm do các đối tượng nghiện hút để lại

    Ngày trước, vợ chồng bà Sửu sống ở xã Vân Trình, huyện Thạch An (Cao Bằng). Thời kỳ chiến tranh biên giới, bộ đội đóng cả tiểu đoàn tại khu vực bản Bó Dường. Cả bản che chở cho bộ đội, sống cùng bộ đội suốt mấy tháng liền. Riêng gia đình bà có 4 chiến sĩ ở nhờ.

    Bà Sửu bồi hồi nhớ lại: Thằng Tâm, thằng Thanh, thằng Miện, thằng Hùng quê mỗi người một ngả. Vào quân ngũ mà còn trẻ lắm. Căn nhà đắp đất trộn cỏ khô vợ chồng tôi ở bé quá, mái rơm lại dột nát. Đêm nằm nước mưa cứ chảy tong tong. Bốn anh bộ đội rủ nhau lên đồi cắt cỏ tranh, chặt tre lợp lại mái. Từ ấy chẳng giọt mưa nào lọt được.

    “Bộ đội chẳng được bữa nào ăn no, lại trực chiến vất vả. Mình thương. Ông nhà lên rừng đào được củ nâu, củ mài, củ sắn nào luộc tất cho anh em cải thiện. Bà coi mấy đứa như em ruột của mình. Lúc chia tay chúng nó bà khóc mấy ngày liền”, khuôn mặt bà đượm vẻ ưu tư.

    Năm 1982, vợ chồng bà chuyển về sống ở xã Thượng Pha (nay là thị trấn Đông Khê), cạnh đồi Đông Khê. Những ngày nắng nóng, ông bà thường dắt nhau lên đồi chui vào hầm địa đạo ngồi tận hưởng cảm giác mát rười rượi. Người em họ mà bà yêu quý nhất là Lý Văn Dỏng cũng đang yên nghỉ ở khu đồi này.

    “Cu Dỏng nhập ngũ vào tháng 7/1967, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Anh chàng ngoan và thông minh lắm, được phong đại úy, chỉ huy tiểu đoàn 28 đặc công, sư đoàn 7, quân đoàn 4. Nhưng thằng giặc Mỹ bắn trúng nó chết ngay bờ hồ Dầu Tiếng, Bình Dương năm 1972”. Kể đến đây, mắt bà rớm lệ. Bà bảo: “Bà thương chiến sĩ cách mạng nhiều lắm!”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-ky-la-cua-ong-gia-buou-co-va-ba-lao-gu-a31532.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan