Chuyện tình xuyên thế kỷ: Đi hỏi vợ cho... chồng


Thứ 6, 20/10/2017 | 01:04


Cùng sự kiện

70 năm chung sống, dù không có con nhưng vợ chồng cụ Quảng (ngụ tại phố Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn sống hạnh phúc bên nhau, mặn nồng như thuở ban đầu.

70 năm chung sống, dù không có con nhưng vợ chồng cụ Quảng (ngụ tại phố Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn sống hạnh phúc bên nhau, mặn nồng như thuở ban đầu. Thậm chí, khi cả hai đã ở phía bên kia con dốc cuộc đời thì họ vẫn anh gọi – em dạ khiến nhiều người ngưỡng mộ...

Căn nhà chỉ toàn người lớn

Đến phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hỏi thăm vào nhà cụ Phạm Thị Quảng (93 tuổi) không ai là không biết. Với họ, câu chuyện tình yêu của cụ Quảng và người chồng đã khuất dường như đã ăn sâu vào trí nhớ. Vì thế, mỗi lần có khách hỏi thăm, họ đều vui vẻ dẫn tới tận nhà.

Trong căn nhà nhỏ, cụ Quảng, mái tóc đã bạc trắng, nụ cười hiền hậu, đôi tay có phần run rẩy rót trà mời khách, rồi nhìn về phía bàn thờ và nói: “Ông nhà tôi đã mất được 3 năm rồi, giờ chỉ còn mình tôi ngồi hoài niệm về tình yêu này thôi”.

Cụ Quảng kể, chuyện tình yêu của 2 cụ được nhiều người biết đến vì họ đã bên nhau 70 năm dù không có con. Khi còn trẻ, nhiều lần cụ Quảng giục cụ Đinh (chồng cụ Quảng) tìm vợ mới để có mụn con nhưng cụ Đinh đều im lặng.

“Tôi và ông Đinh đều là người gốc Hà Nội, hai gia đình có quen biết nhau từ trước nhưng đến năm 1946, kháng chiến chống Pháp diễn ra, chúng tôi đi sơ tán và bặt vô âm tín. Đến năm 1947 chúng tôi gặp lại nhau tại Tuyên Quang, có lẽ đó cũng là cái duyên do trời định. Tình cảm cũng bắt đầu nảy sinh. Thời tuổi trẻ của chúng tôi, chuyện dành cho nhau những lời lãng mạn, có cánh là chuyện hiếm lắm. Chúng tôi chỉ nghiêm túc gìn giữ mối lương duyên trời định”, cụ Quảng kể.

Cụ Quảng nhớ những kỷ niệm của một tình yêu.

Cũng theo cụ Quảng, sau chiến tranh, hai cụ chính thức về chung một nhà. Nhưng rồi, họ chờ mãi không có tin vui, có nhiều đêm, cụ Quảng khóc ướt gối khi nghĩ mình chưa làm tròn trách nhiệm của một người vợ hiền, nàng dâu thảo.

“Nhiều lần, tôi muốn dừng cuộc hôn nhân lại để chồng có thể tìm hạnh phúc mới, tuy nhiên, ông ấy nhất định không chịu. Còn mẹ chồng tôi, vì thương con dâu nên thường xuyên động viên. Chính điều đó càng khiến tôi day dứt hơn. Tôi cố tìm mọi cách để cưới thêm vợ cho chồng và rồi một ngày em Phương xuất hiện. Sự có mặt của “người thứ 3” khiến người ta xì xào bàn tán, tôi vẫn bỏ ngoài tai tất cả để vun đắp. Dù thế, ông ấy vẫn yêu thương tôi hết mực. Em Phương cũng hiểu điều đó và rất tôn trọng tôi. Chúng tôi cứ thế sống với nhau 23 năm chưa một lần xích mích lời ra tiếng vào”, cụ Quảng nhớ lại.

Nhưng khi cưới thêm vợ, gia đình vẫn cứ mãi chẳng thể có thêm tiếng khóc trẻ thơ. Hóa ra nguyên nhân sự hiếm muộn không phải từ những người phụ nữ mà từ cụ Đinh. Căn nhà chỉ toàn người lớn ai cũng có nỗi buồn ẩn giấu, nhưng họ vẫn ở bên nhau cùng chia sẻ ngọt bùi cay đắng. Hai người phụ nữ của ông Đinh không hề tỵ nạnh hay ghét bỏ nhau.

“Chỉ tiếc rằng em Phương bị bệnh nặng không thể qua khỏi. Những ngày cuối cùng em Phương trong bệnh viện tôi và ông Đinh hết lòng, chăm sóc cho em. Khi em Phương qua đời, tôi và ông Đinh vẫn bên nhau. Cuộc sống không có con cái nên chúng tôi tìm niềm vui bằng những thứ khác. Ngày nào tôi cũng làm thơ tặng ông ấy. Chúng tôi thấy mình càng gắn bó với nhau hơn. Nhiều người cũng thắc mắc sao chúng tôi không xin con nuôi nhưng chúng tôi không muốn. Thôi thì cứ bên nhau cho trọn tình trọn nghĩa. Vợ chồng hiểu nhau là được”, cụ Quảng chia sẻ.

Anh gọi – Em dạ!

Bên nhau 70 năm, có không ít những kỷ niệm vui buồn, giờ đây nhắc lại, cụ Quảng vẫn không giấu nổi niềm hạnh phúc: “Với tôi, những kỷ niệm về ông ấy vẫn đi cùng tôi suốt cuộc đời. Tôi đã từng làm thơ nói với ông ấy rằng:

“Lúc nghèo lúc khổ/Lúc có tiền, lúc không tiền/Bao giờ em cũng một lòng thương anh/Khi xưa hai mái đầu xanh/Mà nay tóc đã chóng thành như tơ/Quên sao được lúc hẹn hò/Lên đèo xuống suối vẫn chờ đợi nhau”.

Tôi còn nhớ, ngày chúng tôi đi xem phim, ông ấy tìm ghế ngồi xa vừa tầm mắt vì lo tôi mỏi cổ, đau mắt. Khi ra về, tôi kêu đau chân, ông ấy xoa bóp cho tôi, rồi chờ mọi người ra hết, từng bước bế tôi đi. Ông nói, ông thương tôi, sợ tôi đi bộ sẽ mệt”.

Cũng theo cụ Quảng, ngày đó vợ chồng cụ chỉ có một chiếc xe đạp, nên hằng ngày ông chở bà đi làm. Khi tan ca, ông lại qua đón rồi đạp xe đưa bà đi dạo lòng vòng Hà Nội, nghe nhạc ở Nhà Hát Lớn, họ cứ thế cùng nhau tận hưởng cuộc sống, cùng nhau vượt qua những bão dông cuộc đời. Với vợ chồng cụ Quảng, 70 năm chỉ có những bài thơ vui về tình yêu chứ không bao giờ là những vần thơ giận hờn nhau.

“Mỗi lần ông ấy không vừa lòng điều gì là tôi lấy nụ cười để giảng hòa, ông ấy cũng thế. Rồi từng cử chỉ, hành động, thói quen của ông ấy tôi đều nhớ như in. Một tháng có 30 ngày thì đến 29 ngày ông ấy ăn sáng bằng phở. Ông ấy thích ăn phở lắm. 70 năm nhưng chúng tôi chưa bao giờ gọi nhau là “ông, bà”. Nếu như có khách hỏi, tôi sẽ gọi “Anh ơi ra có khách” chứ không gọi “Ông ơi ra có khách”. Tôi thấy các bạn trẻ yêu bây giờ, họ nặng lời với nhau quá. Hễ giận hờn là xưng anh – tôi hoặc gọi nhau bằng mày – tao. Chúng tôi đúng là người cổ, nhưng tình yêu thì lại không hề cổ chút nào”, cụ Quảng nhớ lại.

Quy luật ở đời, sinh – lão – bệnh – tử khó tránh khỏi. Đến năm 2014, bệnh tim mạch khiến cụ Đinh phải nhập viện, cụ Quảng đã lo lắng rất nhiều, nhưng khi đến viện cụ Đinh vẫn nói với vợ mình: “Em vào thăm anh nhưng phải đi taxi, chứ đi xe máy là ngã đấy, đau lắm”.

Những ngày chăm chồng trong viện, cụ bà luôn dành cho cụ ông sự ân cần, chu đáo. Cụ Quảng nhớ lại: “Nằm trong viện, nhưng ánh nắng mặt trời chiếu qua cửa sổ khiến ông ấy không ngủ được, mắt nheo lại. Tôi ra ngồi gần cửa sổ lấy tay che ánh nắng để ông ấy ngủ ngon hơn. Rồi nói với ông ấy: “Em ngồi che nắng cho anh / Để đỡ chói mắt cho mình ngủ ngon”. Những vần thơ ấy đã lọt vào tai mấy cô bác sĩ, họ nhìn chúng tôi cười.

Khi ông ấy mất, ngồi chờ xe đưa ông ấy vào nhà lạnh tôi vẫn làm thơ và gọi ông ấy bằng anh: “Anh dặn em rằng tuổi 90/ Năm nay ăn tết thật là vui/ Mà sao anh cứ nằm trong viện/ Lỡ hẹn em rồi anh Đinh ơi/ Anh cứ nằm im chẳng biết gì/ Ngờ đâu đến lúc phải chia ly/ Các cháu bên anh chờ từng phút, tiếng gọi tim ngừng thực hay mơ/ Anh đã đi rồi sao anh ơi/ Bằng lòng trọn vẹn cả cuộc đời/ Tất cả ra về anh nằm lại/ Âm thầm lạnh lẽo quá anh ơi!”. Những vần thơ ấy bằng cả trái tim, nghĩa tình của tôi”.

Biết rằng, thời gian sẽ chẳng thể quay trở lại, nhưng những kỷ niệm về tình yêu với chồng cụ Quảng vẫn lưu giữ mãi. Hàng ngày, cụ tìm niềm vui bằng cách làm thơ. Cụ mở quán bán nước trong chính căn nhà của mình.

Cụ Quảng nói, tình yêu thì không cần thề non hẹn biển, vợ chồng đừng nịnh đầm nhau, mà hãy sống với nhau bằng tình bằng nghĩa như thế mới đi đến với nhau hết cuộc đời.

Chia tay cụ Quảng khi trời đã xế chiều, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng những vần thơ cụ đọc: “Quên sao được nội nói đùa/ Cháu Đinh hiền lắm ngả cho cháu Quảng/ Thấm thoát ngày tháng trôi qua/ Hai cháu của bà nay đã 84/ Tính nết thì vẫn như xưa/ Anh gọi em dạ chẳng bà chẳng ông...”.

Mai Thu

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-xuyen-the-ky-di-hoi-vo-cho-chong-a205846.html