+Aa-
    Zalo

    Chuyện tình xuyên thế kỷ: Khi cụ ông gần 90 tuổi vẫn xách cặp lồng mua phở cho cụ bà

    ĐS&PL Người dân Phố Cổ đã quá quen hình ảnh sáng sáng một cụ ông xách cặp lồng ra quán phở mà vợ thích ăn, mua về cho bà một bát.

    Người dân Phố Cổ đã quá quen hình ảnh sáng sáng một cụ ông xách cặp lồng ra quán phở mà vợ thích ăn, mua về cho bà một bát.

    Hôn nhân sắp đặt

    Nằm sâu trong con hẻm nhỏ số 22, phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, căn nhà hai tầng của cụ ông Lê Văn Ninh (SN 1929) và cụ bà Nguyễn Thị Hân (SN 1928) gây ấn tượng với chúng tôi bởi những giá sách lớn được sắp xếp rất gọn gàng. Mọi đồ vật tuy cũ nhưng rất sạch sẽ.

    Tình yêu mà cụ Ninh và cụ Hân dành cho nhau khiến nhiều người ngưỡng mộ.

    Đến nhà hai cụ khi trời đã nhá nhem tối, hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy được là cụ Hân đang gọt hoa quả, pha trà. Ngồi bên cạnh, cụ Ninh vừa nghe tin tức trên ti vi vừa trò chuyện cùng vợ.

    Bên chén trà thơm ngát, cụ ông Lê Văn Ninh bồi hồi kể lại mối lương duyên của mình và vợ: “Ngày xưa gia đình chúng tôi cùng ở phố Hàm Long. Nhà tôi có nghề buôn bán thịt bò, còn nhà bà Hân có nghề buôn trứng, bán bia. Nhà tôi và nhà của bà Hân cách nhau 5 nhà nên chúng tôi cùng những đứa trẻ trong xóm thường chơi với nhau. Đến năm 16 tuổi, bố mẹ hai bên thấy “môn đăng hộ đối”, nên đã quyết định cho chúng tôi về một nhà, không qua tìm hiểu, cũng chẳng có tình cảm với nhau”.

    Ngày ấy, gia đình hai cụ cũng được coi là có của ăn của để nên đám cưới được chuẩn bị khá chu đáo. Nhắc lại về đám cưới của mình, cụ Ninh không giấu nổi sự tự hào: “Năm 1954 chúng tôi kết hôn, đám cưới khi ấy có cả bánh chưng, bánh dày, giò, chả... và những lễ vật cần thiết. Duy chỉ tiếc một điều là ngày ấy việc lưu giữ lại hình ảnh rất khó nên chúng tôi chẳng có bức ảnh cưới nào”.

    Nói đến đây, cụ Ninh cũng tiết lộ thêm, rằng ngày ấy cụ chẳng biết khái niệm tình yêu là gì. Về chung sống với nhau dưới một mái nhà, những ngày đầu cả hai còn e thẹn, ngại ngùng. Nhưng rồi, tình cảm đôi lứa cứ thế nảy nở theo thời gian.

    Cụ Ninh bộc bạch: “Dù trước đó chúng tôi đã chơi với nhau, biết nhau nhưng không nghĩ rằng sau này sẽ nên duyên chồng vợ. Khi về ở với nhau tình cảm dần nảy nở, rồi mê nhau từ lúc nào không hay. Ngày xưa, bà nhà tôi đẹp gái lắm, lại nết na, thùy mị khiến tôi “si mê”.

    Vừa ngồi trò chuyện với PV, cụ bà Nguyễn Thị Hân nhìn chồng mình bằng ánh mắt âu yếm, nói về tính cách của chồng, cụ tươi cười: “Chồng tôi là một người đàn ông tuyệt vời, tính tình hiền lành, thật thà nên đó là lý do tôi dành hết cả tuổi trẻ chỉ để được bên ông ấy”.

    Rồi 8 người con 4 trai, 4 gái của cụ Ninh và cụ Hân lần lượt ra đời trong sự yêu thương, đùm bọc của cả cha và mẹ. Tuy nhiên, vì đông con nên cụ Ninh phải cố gắng bươn chải với mong muốn lo cho các con được ăn học tử tế.

    70 năm chưa một lần cãi vã

    Cụ Hân thời còn trẻ là người phụ nữ nhanh nhẹn, tháo vát, buôn bán kinh doanh đâu ra đấy. Tuy vậy, kể từ khi về nhà chồng, cụ tạm lui về “ở ẩn”, để quán xuyến mọi việc trong gia đình chồng.

    “Ngày đó, sống chung với mẹ chồng, em chồng nhưng chưa khi nào tôi thấy vợ mình với mẹ và em xảy ra xích mích hay mất lòng nhau, chuyện mẹ chồng - nàng dâu trong gia đình tôi là không có. Sau khi lấy nhau, vợ toàn tâm toàn ý ở nhà chăm sóc gia đình để tôi đi công tác, gây dựng sự nghiệp. Vợ khiến tôi rất yên tâm và bà ấy là hậu phương vững chắc để tôi có được ngày hôm nay”, cụ Ninh chia sẻ thêm.

    Hơn 70 năm qua, theo lời của cụ Ninh và cụ Hân, cũng như bao cặp vợ chồng khác, họ không tránh khỏi những lúc giận nhau, nhưng với nguyên tắc “cơm sôi bớt lửa” nên chưa khi nào những giận hờn, bất đồng giữa hai vợ chồng thành cãi vã, cuộc sống vợ chồng cụ luôn trong ấm ngoài êm.

    “Chúng tôi có giận nhau nhưng để xảy ra cãi vã, to tiếng với nhau thì chưa bao giờ. Những lúc bà giận tôi lại im lặng hoặc đi ra ngoài, dù có giận nhau đến mấy thì chúng tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là đến tối thì phải giảng hòa, làm lành. Thế cho nên, chúng tôi chẳng giận nhau được quá một ngày”, cụ Ninh cho biết.

    Đại gia đình hạnh phúc của cụ Ninh và cụ Hân.

    Khi nói về các con, cụ Ninh luôn nói cụ không làm được gì, chuyện chăm sóc, dạy dỗ con cái để họ thành đạt như ngày hôm nay đều là công của cụ Hân.

    Thế nhưng, cụ Hân lại tiếp lời: “Chồng tôi có cách giáo dục con rất hay, đó là đứa lớn trông đứa bé. Đến khi các con học hết cấp 2 thì ông nhà tôi cho con học nghề kèm học văn hóa. Nghề mà chồng tôi chọn cho các con theo học là văn hóa- văn nghệ bởi gia đình có truyền thống đó. Đến nay các con của chúng tôi đều là giảng viên, nhạc công, ca sĩ trong môi trường quân đội”.

    Nên duyên từ sự sắp đặt của cha mẹ, thế nhưng sau bao nhiêu năm cụ Ninh và cụ Hân vẫn luôn dành cho nhau tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Hàng ngày, trên khu phố Tràng Tiền ấy, người dân Phố Cổ đã quá quen thuộc với hình ảnh cụ ông cứ sáng sáng lại xách cặp lồng đi ra quán phở mà vợ thích ăn, mua cho bà một bát.

    Cụ Ninh bày tỏ: “Vợ chồng đến với nhau đã là cái duyên, nhưng để sống được với nhau quá nửa đời người là cả một nghệ thuật. Chúng tôi chưa khi nào nói những lời nặng nề làm tổn thương nhau, xưng hô “mày tao” cũng không xuất hiện trong đời sống vợ chồng của chúng tôi”.

    Hiện nay, cụ Hân sức khỏe vẫn ổn định, duy chỉ có việc đi lại thì đã chậm chạp, nhưng tất cả điều đó đã được cụ Ninh giải quyết hết. Cụ động viên vợ mọi chuyện đều ổn, rồi cụ sắm chiếc xe lăn để hàng ngày đưa vợ ra hồ Hoàn Kiếm hóng gió, cùng tâm tình, kể cho nhau nghe về tình yêu mà họ đã dành cả đời vun đắp.

    Cho đến nay, cụ Ninh và cụ Hân đã có 12 chắt nhưng hai cụ chưa khi nào cảm thấy phiền lòng về các thành viên trong gia đình, ngược lại con cái, cháu chắt đều khiến hai cụ thêm tự hào. Bởi, tất cả đều sống, đối xử với nhau rất hòa thuận, êm ấm. Bên cạnh đó, để không làm phiền con cái, hai cụ cho các con ở riêng, hiện tại cụ sống cùng người con trai, nhưng hai cụ ở tầng 1 còn vợ chồng con trai thì ở tầng 2.

    “Bí quyết để giữ gìn gia đình hạnh phúc, êm ấm của chúng tôi có chăng là bởi chúng tôi sống với bằng nề nếp, lề lối gia phong của gia đình Hà Nội cổ ngày xưa. Lề lối ấy chính là cách đối nhân xử thế của các thành viên trong gia đình luôn theo khuôn phép, biết kính trên nhường dưới, đạo hiếu cũng luôn được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, khi các con đến tuổi lập gia đình không có sự phân biệt dâu rể, vì thế nên cuộc sống hòa thuận đã mấy chục năm nay không có gì thay đổi”, cụ Ninh cho biết.

    70 năm làm bạn đời, tình yêu của cụ Ninh và cụ Hân vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu. Với họ, cuộc sống vốn dĩ lắm bon chen, nhưng tình cảm chân thành dành cho nhau mới là điều tồn tại mãi mãi. Đi qua những năm tháng bão giông của cuộc đời, tình yêu của họ đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều gia đình trẻ.

    (Còn nữa)

    Tình yêu hiếm có

    Chia sẻ thêm với PV, chị Nguyễn Thị Đào (người dân sinh sống trên Phố Cổ) cho biết: “Hàng ngày, cứ sáng sáng cụ ông lại dùng xe lăn đẩy cụ bà ra bờ hồ đi dạo, hình ảnh này chúng tôi đã quá quen. Tôi chỉ mong sao sau này về già như các cụ thì tình cảm vợ chồng vẫn luôn bền chặt như vậy mà thôi”.

    Hoàng Bích

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-tinh-xuyen-the-ky-khi-cu-ong-gan-90-tuoi-van-xach-cap-long-mua-pho-cho-cu-ba-a204716.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan