+Aa-
    Zalo

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    • DSPL
    ĐS&PL Với anh, đấy là những kỷ vật rất đáng trân trọng, đó là xương máu của cha ông đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền, là kỷ niệm một thời khó khăn, hào hùng của dân tộc.

    Hơn 10 năm sưu tầm, anh Điệp đã có cho mình gần 1.000 kỷ vật thời chiến. Với anh, đấy là những kỷ vật rất đáng trân trọng, đó là xương máu của cha ông đã ngã xuống vì độc lập, chủ quyền, là kỷ niệm một thời khó khăn, hào hùng của dân tộc.

    Với niềm đam mê sưu tập kỷ vật chiến tranh ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, thầy giáo trẻ Phạm Văn Điệp (SN 1985), hiện nay đang là giáo viên bộ môn Thể chất tại trường Tiểu học Hoàng Đông (Hà Nam), sau hơn 10 năm lặn lội, bất kể khó khăn vất vả, bằng sự chân thành của mình, anh đã sưu tầm được gần 1.000 kỷ vật thời chiến. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở thời bình, nhưng anh hiểu rất rõ giá trị của những cuộc chiến để dành độc lập trong một thời khó khăn nhưng đầy hào hùng của dân tộc.

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    Nơi lưu giữ những kỷ vật chiến tranh mà anh Điệp sưu tập được.

    Nói về cơ duyên đến với những kỷ vật chiến tranh, anh Điệp tâm sự: “Hồi nhỏ, được các bác, các chú từng tham gia kháng chiến kể lại những lần đánh giặc với những đồ vật đơn sơ, giản dị. Ngay như cái bình bi đông đựng nước của người lính Trường Sơn, một chiếc cặp lồng đựng cơm của nữ thanh niên xung phong hay một chiếc la bàn, bộ quần áo rách đều chứa đựng một câu chuyện về thời chiến. Vì vậy, ngay từ ngày học cấp 2, tôi đã bắt đầu có ý định sưu tầm những kỷ vật chiến tranh”.

    Nghĩ là làm, anh Điệp bắt đầu sưu tầm từ những bình bi đông, những chiếc dao găm hay vỏ pháo cối... Cứ mỗi lần đi chơi hay công tác ở đâu, anh Điệp cũng cố gắng dò hỏi và mua lại những kỷ vật chiến tranh về. Những kỷ vật này được anh Điệp cho riêng vào một căn phòng nhỏ, được sắp xếp cẩn thận như một bảo tàng mini. Ngoài những kỷ vật như: Vỏ pháo cối, xe đạp, la bàn, dao găm..., trong đó còn có nhiều hiện vật mềm như: tem, phiếu thời bao cấp, giấy tờ của các cựu binh... Nhiều người sau khi vào tham quan cũng phải bất ngờ với bộ sưu tập của thầy giáo trẻ này.

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    Với anh Điệp, mỗi một kỷ vật là một kho báu vô giá

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    Bình bi đông được xếp gọn gàng ngăn nắp trên kệ

    Chuyện tìm được kỷ vật đã khó, nhưng muốn sở hữu được nó cũng chẳng hề đơn giản với anh. Nhiều lần đã tìm và biết được ở một địa điểm nào đó có kỷ vật này, nhưng khi đến nơi bàn về vấn đề mua lại thì người chủ nhất định không bán với bất kỳ giá nào. Có những kỷ vật, anh Điệp phải cất công đi đến gần chục lần mới thuyết phục được người chủ trao lại cho anh.

    Anh Điệp tâm sự: “Nhiều kỷ vật của những người cựu binh gắn liền với chính bản thân họ trong thời gian khó, họ xem đó là báu vật vô giá. Có những lần tôi đi hỏi mua đến ngót chục lần nhưng họ không bán. Khi biết việc tôi đang đi sưu tầm kỷ vật chiến tranh về thì họ lại tặng hẳn cho tôi và không quên dặn dò phải giữ gìn cẩn thận”.

    Nhiều người thấy anh Điệp bỏ công sức, thời gian, thậm chí bỏ tiền ra đi mua những món đồ kỷ vật kháng chiến với đồng lương giáo viên “ba cọc, ba đồng”, họ cho anh là rỗi hơi đi làm chuyện chẳng đâu vào đâu. Nhưng đâu phải ai cũng như anh có thể hiểu hết về giá trị của những kỷ vật đầy ký ức hào hùng.

    Mỗi một kỷ vật anh Điệp sưu tầm được, đều gắn liền với một kỷ niệm nhất định. Chính vì vậy mà mỗi một lần kiếm được một kỷ vật nào đó, anh đều ghi rõ lại tên người trao kỷ vật, thời gian, địa điểm và tên của người đã từng sử dụng, bên cạnh đó anh còn cóp nhặt lại câu chuyện liên quan đến kỷ vật mà mình vừa mới kiếm được.

    “Với tôi, mỗi kỷ vật sưu tập được đều gắn liền với cuộc đời của một con người, vì vậy tôi phải ghi chép lại cẩn thận, như vậy sẽ không bị nhầm lẫn, ai có hỏi thì tôi cũng sẽ biết được nó đến chính xác từ đâu và như thế nào”, anh Điệp tâm sự.

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    Để sưu tập được những kỷ vật này, anh Điệp đã phải lặn lội đến nhiều vùng xa xôi

    Có rất nhiều kỷ vật được anh sưu tập về từ nhiều nơi rất xa. Như chiếc quạt Marelli của Ý được mua lại của một vị quan thời kháng chiến ở Sài Gòn. Dọc các tỉnh miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, anh Điệp cũng từng sưu tập nhiều vỏ đạn cối, súng.

    Trong phòng trưng bày của anh Điệp, ngoài những kỷ vật chiến tranh, còn có nhiều hiện vật từ thời phong kiến có niên đại hàng trăm năm trước. Đó là những lư hương, đỉnh đồng hay bộ hình hạc.

    Chuyện về thầy giáo trẻ và bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh

    Những kỷ vật này được anh Điệp lau chùi và cất giữ rất cẩn thận

    Để đảm bảo những kỷ vật này không bị ảnh hưởng bởi tác động của thời gian cũng như thời tiết, anh Điệp đều cất giữ rất cẩn thận. Đối với hiện vật cứng, cứ mỗi khi rảnh rỗi anh đều lau chùi, tra dầu chống gỉ. Còn những hiện vật mềm như tem, phiếu, giấy tờ... anh đều đảm bảo điều kiện tránh ẩm mốc.

    Dự định sắp tới của anh Điệp là sẽ cố gắng sưu tầm thêm thật nhiều kỷ vật chiến tranh, sau đó, nếu có điều kiện sẽ mở một bảo tàng tư nhân hoặc một quán cà phê lính để giới thiệu cho mọi người biết được giá trị một thời mà cha ông bỏ xương máu giành lại độc lập. Đó cũng là một cách để thế hệ trẻ hiểu được và càng cần phải biết quý trọng cuộc sống hòa bình.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chuyen-ve-thay-giao-tre-va-bo-suu-tap-ky-vat-chien-tranh-a42801.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan