+Aa-
    Zalo

    Có buồng hạnh phúc ở trại giam, phạm nhân cải tạo tốt hơn

    • DSPL
    ĐS&PL Theo chia sẻ của nhiều cán bộ làm công tác quản lý phạm nhân, việc cho phép những người đang chấp hành án được gặp vợ, chồng trong phòng riêng 24 giờ.

    Theo chia sẻ của nhiều cán bộ làm công tác quản lý phạm nhân, việc cho phép những người đang chấp hành án được gặp vợ, chồng trong phòng riêng 24 giờ sẽ giúp họ cải tạo tốt hơn.

    Mới đây, Bộ Công an đã công bố dự thảo thông tư quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân, nhận gửi thư, nhận tiền, đồ vật… để lấy ý kiến người dân và các cơ quan ban ngành. Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.

    Điểm khác biệt đậm tính nhân văn

    Theo dự thảo, phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công thì được gặp vợ hoặc chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Để được thăm gặp, thân nhân là vợ hoặc chồng phải có giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã xác nhận về tình trạng hôn nhân thực tế với phạm nhân và phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp.

    Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù. Đây là điểm mới của dự thảo thông tư so với Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.

    Theo thượng tá Phạm Xuân Nghiệp, Giám thị trại giam Yên Hạ (Sơn La), trại giam nào cũng có phòng riêng hay còn gọi là buồng hạnh phúc dành cho những phạm nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của trại giam… gặp vợ, chồng.

    Chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của trại nữ phạm nhân có thể gặp chồng ở buồng riêng - Ảnh minh họa.

    “Buồng hạnh phúc là một cách làm rất tình người, mang nhiều ý nghĩa”, ông Nghiệp nói. Theo vị giám thị, đây là nơi phạm nhân có thể gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ tình cảm với vợ, chồng của mình. Bên cạnh đó, điểm mới này còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

    “Buồng hạnh phúc mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn vì ở đó họ được người vợ, người chồng của mình chia sẻ tình, cảm động viên cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình”, Giám thị trại giam Yên Hạ nói.

    Thượng tá Nghiệp chia sẻ, hầu hết các phạm nhân thụ án tại trại giam Yên Hạ sau khi được ban giám thị cho gặp vợ, chồng ở buồng riêng ra đều có những cải tạo tiến bộ. “Những phạm nhân này mong sớm được hòa nhập cộng đồng, trở về vun đắp gia đình, hàn gắn lại những mất mát, đổ vỡ, thương đau cho chính họ gây ra”, vị thượng tá cho biết.

    Cùng quan điểm trên, đại tá Nguyễn Đình Giang, Giám thị trại giam Thanh Cẩm (Thanh Hóa), cho rằng dự thảo thông tư trên của Bộ Công an là điểm khác biệt so với các nước trên thế giới. Từ thực tiễn công tác quản lý của bản thân, ông Giang khẳng định buồng hạnh phúc mang đậm tính nhân văn.

    “Được gặp vợ, chồng trong buồng giam như một phần thưởng khuyến khích các phạm nhân cố gắng cải tạo tốt hơn nữa”, ông Giang nói.

    Những băn khoăn, lo lắng

    Ngoài khẳng định tính nhân đạo, nhân văn sau sắc của dự thảo thông tư trên, nhiều cán bộ làm công tác quản lý, giáo dục phạm nhân cũng bày tỏ những băn khoăn, lo lắng của mình. Bởi nếu để việc phạm nhân nữ mang thai khi đang chấp hành án sẽ khiến đơn vị trại giam gặp khó khăn.

    “Lúc đó phải thực hiện chế độ, chính sách thai sản cho phạm nhân mang thai. Bên cạnh đó là việc chăm sóc trẻ nhỏ trong trại giam cũng cần có sự tính toán, quy định rõ rang, cụ thể”, đại tá Nghiệp lo lắng.

    Một cán bộ trại giam ở tỉnh Điện Biên (xin giấu tên) cho biết quy định mỗi gia đình đến thăm gặp phạm nhân không quá 3 người là một điểm mới tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý thay vì nhiều người như trước kia.

    Tuy nhiên, theo dự thảo thông tư mới, phạm nhân có thể được gặp vợ, chồng trong buồng hạnh phúc tới 24 giờ khiến vị cán bộ này băn khoăn, lo lắng cho công tác bảo vệ. “Bởi khi đó chúng tôi phải cắt cử lực lượng bảo vệ và khó trong sinh hoạt, ăn uống”, nguồn tin nói.

    Theo lời vị cán bộ trên, nếu phạm nhân gặp người nhà vào ban đêm tại buồng hạnh phúc thì số cán bộ bảo vệ có thể lên tới hàng chục người (2 người 1 ca trong một giờ). “Đó là còn chưa nói đến cảnh sát tổ chức cho thăm gặp khoảng hơn chục người nữa nên khó khăn cho các trại”, cán bộ trại giam chia sẻ.

    Cán bộ trại giam ở Điện Biên nói: "Theo tôi, việc phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng ở buồng hạnh phúc là rất hay, cần khuyến khích vì nó giúp những con người lầm lỗi có thể cại tạo tốt hơn. Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện, cần có con người, cơ sở vật chất tốt".

    Xem thêm video:

    [mecloud]YctudJe8dF[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-buong-hanh-phuc-o-trai-giam-pham-nhan-cai-tao-tot-hon-a168948.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan