+Aa-
    Zalo

    Có được kết hôn khi chồng biệt tích?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Cấm kết hôn nếu một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác. Nếu muốn kết hôn với người khác, cần phải tiến hành ly hôn.

    (ĐSPL) - Cấm kết hôn nếu một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác. Nếu muốn kết hôn với người khác, cần phải tiến hành ly hôn.

    Nếu như người yêu nhau dùng hình thức chia tay để kết thúc một đoạn đường thì các cặp vợ chồng có phần khó khăn hơn khi dùng biện pháp ly hôn để chấm dứt mối quan hệ được pháp luật bảo hộ. Có một trường hợp không phải ly hôn, không phải ly thân khiến cho người ở lại vô cùng đau khổ và chẳng thể tìm ra lối thoát cho mình chính là việc bỏ đi biệt tích.

    Nhiều trường hợp trên thực tế, người chồng bỏ đi biệt tích để vợ con ở nhà không một phản hồi, làm cho cuộc hôn nhân chẳng trọn vẹn. Và đến lúc người vợ muốn tái giá cũng không biết cách xử lý thế nào vì lỡ đâu, một ngày nào đó, chồng sẽ về. Để giúp cho người ở lại trong những trường hợp này có được giải pháp để lựa chọn con đường riêng cho mình, pháp luật Hôn nhân và gia đình nước ta có quy định về vấn đề này.

    Có được kết hôn khi chồng biệt tích? - Ảnh minh họa

    Thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích

    Điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cấm kết hôn nếu một người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác. Trong trường hợp nếu muốn kết hôn với người khác, cần phải tiến hành ly hôn với người chồng trước.

    Khoản 2 Điều 56 Luật hôn nhân và gia định quy định trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì được tòa án giải quyết cho ly hôn.

    Theo quy định tại Điều 78 Bộ luật dân sự năm 2005, khi một người biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, toà án có thể tuyên bố người đó mất tích.

    Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng.

    Theo Điều 330 Bộ Luật tố tụng dân sự, thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố mất tích bao gồm:

    - Đơn yêu cầu tòa án tuyên bố mất tích gồm các nội dung sau: Ngày, tháng, năm viết đơn; tên toà án có thẩm quyền giải quyết đơn; tên, địa chỉ của người yêu cầu; những vấn đề cụ thể yêu cầu toà án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu toà án giải quyết việc dân sự đó; tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có; các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu… Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn.

    - Gửi kèm theo đơn yêu cầu là chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích hai năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Trong trường hợp trước đó đã có quyết định của toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

    Thủ tục ly hôn khi chồng biệt tích

    1. Hồ sơ ly hôn bao gồm:

    - Đơn xin ly hôn;

    - Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; 

    - Bản sao Hộ khẩu thường trú, tạm trú của nguyên đơn và bị đơn;

    - Bản sao Chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao hộ chiếu của nguyên đơn và bị đơn;

    - Các giấy tờ chứng minh về tài sản: Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở …

    - Bản sao giấy khai sinh của các con.

    2. Nộp hồ sơ ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền:

    Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu ly hôn là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc.

    3. Thụ lý vụ án:

    Sau khi nhận và thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Toà án có nghĩa vụ “cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự” (theo Điều 146 Bộ luật Tố tụng dân sự).

    Tuy nhiên, trong vụ án này, bị đơn đã bỏ nhà đi một tháng. Do đó, việc cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng cho đương sự được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 5 Điều 152.

    Khoản 2 Điều 152 quy định: Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt thì văn bản tố tụng có thể được giao cho người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với họ ký nhận và yêu cầu người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo. Ngày ký nhận của người thân thích cùng cư trú được coi là ngày được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

    Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng họ không chịu nhận hộ văn bản tố tụng thì có thể chuyển giao văn bản đó cho tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc, Ủy ban nhân dân, công an xã, phường, thị trấn nơi người được cấp, tống đạt hoặc thông báo cư trú và yêu cầu những người này cam kết giao lại tận tay ngay cho người được cấp, tống đạt hoặc thông báo.

    Khoản 5 Điều 152 quy định: "Trong trường hợp người được cấp, tống đạt hoặc thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ thì người thực hiện việc cấp, tống đạt hoặc thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo có chữ ký của người cung cấp thông tin”.

    Khi không rõ tung tích của người được cấp, tống đạt hoặc thông báo hoặc không thể thực hiện được việc cấp, tống đạt hoặc thông báo trực tiếp thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng (theo quy định tại Điều 154).

    4. Giải quyết vụ án:

    Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quyết định này có hiệu lực ngay sau khi ban hành. Ngược lại, nếu các đương sự không thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án hoặc theo quy định tại Khoản 1 Điều 182, nếu bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt thì hòa giải được coi là không tiến hành được, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục chung. Nếu bị đơn vẫn không có mặt tại phiên tòa thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt bị đơn (theo quy định tại Điều 200).

    Luật gia Đồng Xuân Thuận

    [mecloud]z0XuzSsiVG[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-duoc-ket-hon-khi-chong-biet-tich-a121111.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.