Cô gái nặng 100kg quyết định phẫu thuật thu nhỏ dạ dày để giảm béo


Thứ 5, 01/06/2023 | 09:55


Cùng sự kiện

Người phụ nữ, 31 tuổi, cao 1,53 m, nặng 100 kg đã quyết định phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng để giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể.

Vietnamnet đưa tin, cô gái mũm mĩm từ nhỏ. Đến tuổi dậy thì, cô không thể kiểm soát được cân nặng. Thân hình nặng nề khiến sinh hoạt hàng ngày khó khăn, sức khỏe kém, cô áp dụng nhiều biện pháp giảm cân như ăn kiêng, luyện tập, nhưng đều thất bại.

Vòng luẩn quẩn khiến cô còn bị trầm cảm nặng nề, ngại giao tiếp, tự ti, căng thẳng, lo âu và thường xuyên mất ngủ, rất dễ cáu gắt.

Cách đây 1 tháng cô gái đã đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thăm khám, đo chỉ số khối cơ thể (BMI) là 43, bác sĩ chẩn đoán béo phì độ 3, kèm đái tháo đường (định lượng glucose 9,68 mmol/L), kinh nguyệt rối loạn.

Sức khoẻ - Làm đẹp - Cô gái nặng 100kg quyết định phẫu thuật thu nhỏ dạ dày để giảm béo
Cô gái được các bác sĩ phẫu thuật thu nhỏ dạ dày. Ảnh: Vnexpress

Bác sĩ tư vấn cô nên phẫu thuật thu nhỏ dạ dày, còn gọi là phương pháp tạo hình dạ dày ống đứng. Đây là phương pháp mổ nội soi cắt bỏ một phần dạ dày theo chiều dọc để thu hẹp dạ dày, giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói.  

Một tháng sau ca phẫu thuật, cô gái giảm được gần 10kg. Bác sĩ cho biết số cân giảm sẽ phụ thuộc vào thể trạng (chiều cao, cân nặng, bệnh tật) của bệnh nhân trước mổ và chế độ ăn uống sau mổ.

Chia sẻ với nhân viên y tế, bệnh nhân cho biết cô đã có bạn trai, sắp tổ chức lễ cưới. Việc giảm cân sẽ giúp cô tự tin hơn trong cuộc sống mới.

Vnexpress dẫn lời TS.BS Bùi Thanh Phúc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức, cho biết trường hợp của cô gái trên là một trong gần 300 trường hợp béo phì đến bệnh viện điều trị do không thể kiểm soát được cân nặng, người nhỏ nhất 16 tuổi và lớn nhất 63 tuổi. Trong đó, nhiều bệnh nhân tự ti, trầm cảm vì thừa cân, béo phì.

Phẫu thuật điều trị béo phì được xem là phương pháp bền vững, như nội soi đặt vòng thắt dạ dày, nối cắt dạ dày..., theo bác sĩ Phúc.

Một người được xem là thể trọng bình thường (không phải mang thai) khi BMI từ 18,5 đến 23. Trường hợp BMI từ 23 đến dưới 25 được xem là thừa cân, tiền béo phì; BMI từ 25 đến 30 là béo phì độ một; BMI 30-35 là béo phì độ hai và trên 35 là béo phì độ ba.

Bệnh nhân được phẫu thuật tạo hình dạ dày ống đứng khi chỉ số BMI trên 30, có một số bệnh lý đi kèm như huyết áp cao, đau khớp, vô sinh, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt.

Thùy Dung (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gai-nang-100kg-quyet-dinh-phau-thuat-thu-nho-da-day-de-giam-beo-a577303.html