Có gì đặc biệt ở ngôi làng được ví như “Tây Lương Nữ Quốc” đời thực?


Thứ 4, 25/05/2022 | 09:30


Cùng sự kiện

Ngô làng nhỏ Noiva do Cordeiro ở Brazil gây ấn tượng khi phần lớn cư dân đều là nữ, đặc biệt nhiều người còn độc thân.

Đi khoảng 500km về phía Bắc của thành phố Rio de Janeiro (Brazil), mọi người sẽ thấy thung lũng Belo Vale tràn ngập những lùm cây quýt ngọt, cuối và cây Ipe nở hoa vàng rực rỡ. Ngôi làng Noiva do Cordeiro nằm nép mình trong thung lũng Belo Vale, được mệnh danh là “Tây Lương Nữ Quốc” vì phần lớn cư dân nơi đây đều là nữ.

Khu vực này của Brazil nổi tiếng là nơi sinh ra những mỹ nhân tuyệt sắc nên không có gì khó hiểu khi những người phụ nữ ở làng Noiva do Cordeiro sở hữu nhan sắc tuyệt đẹp như những cây hoa nở rộ trong thung lũng. Đặc biệt, nhiều người vẫn chưa lập gia đình và đang tìm kiếm tình yêu.

Cộng đồng mạng - Có gì đặc biệt ở ngôi làng được ví như “Tây Lương Nữ Quốc” đời thực?
Làng Noiva do Cordeiro nằm nép mình trong thung lũng Belo Vale, được mệnh danh là "Tây Lương Nữ Quốc".

Daily Mail thông tin, có khoảng hơn 600 cư dân sinh sống tại làng Noiva do Cordeiro, phần lớn đều từ 20-35 tuổi. Hiện tại có một số người đàn ông sống ở làng nhưng họ dành cả tuần đi làm thợ mỏ hoặc làm ở thành phố lớn Belo Horizonte.

Vì đàn ông chỉ về nhà vào cuối tuần nên phụ nữ phải lo toan mọi công việc. Họ canh tác nông nghiệp, nuôi bò, gà và trồng các loại cây, củ vừa để đáp ứng nhu cầu cuộc sống, vừa mang bán kiếm tiền. Nơi đây có khoảng 80 phụ nữ làm nông nghiệp.

“Thật tuyệt vời khi tất cả những người phụ nữ làm việc cùng nhau ở đây. Chúng tôi chia sẻ mọi khoảnh khắc, ngay cả khi làm việc chăm chỉ nhất. Cuộc sống vẫn tốt vì chúng tôi luôn ở bên nhau và chăm sóc lẫn nhau”, Marcia Fernandes (33 tuổi, ca sĩ nhạc dân gian bán thời gian) chia sẻ.

Cộng đồng mạng - Có gì đặc biệt ở ngôi làng được ví như “Tây Lương Nữ Quốc” đời thực? (Hình 2).
Phụ nữ ở làng Noiva do Cordeiro sử hữu nhan sắc tuyệt đẹp.

Trong khi đó, Rosalee Fernandes (49 tuổi) cho hay: “Có rất nhiều điều mà phụ nữ làm tốt hơn nam giới. Thị trấn của chúng tôi đẹp hơn, có tổ chức hơn và hài hòa hơn nhiều so với khi có đàn ông quản lý.

Nếu có vấn đề hoặc tranh cấp nảy sinh, chúng tôi giải quyết theo cách của phụ nữ. Cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận hơn là xung đột. Chúng tôi chia sẻ mọi thứ, ngay cả mảnh đất chúng tôi đang làm việc. Không ai cạnh tranh với ai ở đây cả. Tất cả mọi người là một thể thống nhất”.

“Gần đây cả làng đã cùng nhau hợp tác để giúp mua một chiếc TV màn hình rộng lớn đặt ở trung tâm để mọi người có thể cùng nhau xem các vở kịch. Các chị em luôn có thời gian để tạm gác lại công việc để buôn chuyện, thử quần áo của nhau và làm tóc, làm móng cho nhau”, Rosalee kể thêm.

Khi được hỏi, nhiều cư dân tại “Tây Lương Nữ Quốc” này khẳng định họ cảm thấy khá hạnh phúc với cách sống hiện tại. Người phụ nữ được quản lý tài chính, làm công việc đồng áng mà không có đàn ông.

Được biết, sự mất cân bằng giới tính tại Noiva do Cordeiro bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19. Người ta truyền tai nhau rằng ngôi làng được thành lập bởi Maria Senhorinha de Lima. Maria đã khai hoang vùng đất này và định cư tại đây khi cô bị buộc tội ngoại tình và bị đuổi khỏi quê hương vào năm 1891.

Cộng đồng mạng - Có gì đặc biệt ở ngôi làng được ví như “Tây Lương Nữ Quốc” đời thực? (Hình 3).
Những người phụ nữ cùng nhau làm việc và giải trí.

Những người phụ nữ tại ngôi làng này thừa nhận họ là một nhóm không bình thường ở vùng nông thôn Brazil nhưng mọi thứ đang thay đổi nhanh chóng. Năm 2014, sau khi tên làng Noiva do Cordeiro xuất hiện trên báo, nơi đây đã trở thành điểm du lịch thu hút đông du khách Pháp.

“Chúng tôi sẵn lòng đón tiếp các vị khách đến thăm dù không ai trong chúng tôi nói được tiếng Pháp”, cô gái 29 tuổi Elida Dayse khẳng định.

Đinh Kim (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-gi-dac-biet-o-ngoi-lang-duoc-vi-nhu-tay-luong-nu-quoc-doi-thuc-a538701.html