+Aa-
    Zalo

    Cô giáo tát bé gái 5 tuổi nứt xương hàm có bị xử lý hình sự?

    • DSPL
    ĐS&PL Liên quan đến vụ cô giáo tát bé gái 5 tuổi nứt xương hàm ở TP HCM, luật sư cho hay, cơ quan công an cần đưa cháu bé đi kiểm tra thương tích để làm căn cứ xử lý.

    Liên quan đến vụ cô giáo tát bé gái 5 tuổi nứt xương hàm ở TP HCM, luật sư cho hay, cơ quan công an cần đưa cháu bé đi kiểm tra thương tích để làm căn cứ xử lý.

    Ngày 25/7 vừa qua, TAND quận 12 (TP.HCM) đã xét xử vụ án Hành hạ người khác liên quan chủ cơ sở Mầm Xanh cùng 2 nhân viên. HĐXX đã tuyên bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh 3 năm tù giam, Nguyễn Thị Đào và Phạm Thị Huỳnh lĩnh 2 án treo.

    Trong khi nhiều ý kiến cho rằng khung hình phạt dành cho loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả đã gây ra cho nạn nhân thì một vụ bạo hành trẻ em khác lại xảy ra ở trường mầm non Ánh Sao Vàng (huyện Bình Chánh, TP HCM). Bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc (25 tuổi) của trường này bị cáo buộc đã tát bé gái 5 tuổi (ngụ huyện Bình Chánh) nứt xương hàm, mặt bầm tím, càng dấy lên sự bất bình.

    Đưa cháu bé đi kiểm tra thương tích để làm căn cứ xử lý

    Nhìn nhận vụ việc này dưới góc độ pháp lý, chia sẻ với báo chí luật gia Nguyễn Đức Hùng nhận định, đã có khá nhiều vụ việc các bảo mẫu bạo hành các cháu bé và bị pháp luật xử lý nghiêm, thế nhưng gần đây vẫn còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em bị phát giác khiến các bậc phụ huynh cũng như xã hội bất bình. Đa số người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi bạo hành trẻ để làm bài học răn đe.

    Luật gia Hùng cũng chia sẻ, trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục. Pháp luật nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền Trẻ em. Luật pháp nghiêm cấm mọi hành vi bạo lực trẻ em cũng như không cung cấp hoặc che giấu, ngăn cản việc cung cấp thông tin về trẻ em bị xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, bị bạo lực cho gia đình, cơ sở giáo dục, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền.

    Bé gái bị cô giáo đánh nứt xương hàm - Ảnh gia đình cung cấp cho báo chí

    Trong trường hợp trẻ bị bạo hành gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe từ 11% trở lên hoặc dưới 11% thì bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015 với tình tiết định khung “phạm tội đối với người dưới 16 tuổi” .

    Tuy nhiên, để xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp cho người bị hại là người dưới 16 tuổi cần thiết phải có đơn yêu cầu khởi tố vụ án quy định tại Điều 155, Bộ luật TTHS 2015 (khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại, trong đó có Điều 134).

    Ngoài ra, hành vi của bảo mẫu Phúc còn có thể xem xét xử lý theo Điều 140 (tội Hành hạ người khác). Cụ thể người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 (tội Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

    Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ. Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% trở lên. Đối với 2 người trở lên.

    Theo luật gia Hùng, với hành vi dùng tay tát làm sưng má cháu bé của bảo mẫu Phúc, cơ quan công an cần đưa cháu bé đi kiểm tra thương tích để làm căn cứ xử lý.

    Giải pháp nào để bảo vệ trẻ em?

    Đã có khá nhiều vụ việc các bảo mẫu bạo hành các cháu bé và bị pháp luật xử lý nghiêm. Thế nhưng gần đây vẫn còn nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em bị phát giác khiến các bậc phụ huynh cũng như xã hội bất bình. Đa số người dân cho rằng cần phải xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi bạo hành trẻ để làm bài học răn đe.

    Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM) cho hay, hiện nay, theo tôi tình trạng bạo hành trẻ em xảy ra khá phổ biến. Dù dư luận đã nhiều lần lên án và pháp luật đã có những điều, khoản để trừng trị những kẻ bạo hành trẻ em. Tuy nhiên, những cô giáo, bảo mẫu đó lại không nhận thức và kiểm soát được hành vi bạo hành trẻ.

    “Như tôi từng nói trong các buổi tọa đàm, tuyên truyền pháp luật rằng, đã là người làm công tác giáo dục, nhất là giáo dục mầm non thì cần phải có lòng yêu trẻ và đức tính nhẫn nại, thiện tâm. Nếu những người dạy trẻ, chăm sóc đời sống tinh thần cho các bé không có được những đức tính đó thì các cô nên đổi nghề” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ với báo Người Đưa Tin.

    Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, để có thể bảo vệ trẻ em, tránh các vụ bạo hành trẻ xảy ra, xã hội và cộng đồng bảo vệ trẻ em nên có biện pháp, chế tài xử lý nặng hơn với những trường hợp bạo hành trẻ em. Ngoài ra, những cơ quan chức năng, có thẩm quyền nên thường xuyên rà soát các cơ sở, các điểm giữ trẻ; camera quan sát phải được kiểm soát chặt chẽ và có người quản lý. Nếu có thể, pháp luật nên có những quy định, điều khoản phạt nặng hơn để có thể răn đe cho toàn xã hội .

    Còn ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty Cổ phần tư vấn DLS Việt Nam) trả lời báo Tuổi trẻ thủ đô cho hay, muốn giải quyết triệt để được vấn đề bạo hành trẻ em thì chế tài xử phạt phải đủ sức răn đe.

    Để hạn chế tình trạng trẻ em bị bạo hành trong các cơ sở giáo dục, ông Nguyễn Ngọc Sinh cho rằng, cốt lõi nằm ở phía các cơ quan chức năng. Nói cách khác, cần hạn chế việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư nhân, thay vào đó nên đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng các trường mầm non công lập.

    “Đối với các cơ sở tư nhân các cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi cấp phép hoạt động cho các cơ sở mầm non tư nhân cần phải thẩm định được một cách toàn diện cả về cơ sở vật chất cũng như khả năng nuôi dạy, phẩm chất đạo đức của cơ sở mầm non tư nhân đó.

    Cần tăng cường cơ chế phối hợp giám sát chất lượng hoạt động sau cấp phép của các cơ sở mầm non ngoài công lập, xử lý nghiêm vi phạm; nhất là tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, trách nhiệm của UBND xã, phường với nhóm trẻ, lớp mầm non tưthục.

    Bắt buộc các cơ sở mầm non tư nhân phải lắp đặt hệ thống camera, giám sát tất cả các hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ của cả cô và trẻ. Đặc biệt cần phải rà soát và xử phạt nặng các cơ sở mầm non tư nhân chưa được cấp phép vẫn ngang nhiên tổ chức trông giữ trẻ để tránh trường hợp có chuyện không hay xảy ra” - Chuyên viên tư vấn luật Nguyễn Ngọc Sinh, chia sẻ.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-tat-be-gai-5-tuoi-nut-xuong-ham-co-bi-xu-ly-hinh-su-a238330.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan