+Aa-
    Zalo

    Có hay không chuyện dán nhãn phim ảnh hưởng tới doanh thu?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau khi việc dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp theo lứa tuổi ở Việt Nam được áp dụng từ đầu năm 2017, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã nổ ra.

    Sau khi việc dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp theo lứa tuổi ở Việt Nam được áp dụng từ đầu năm 2017, nhiều ý kiến tranh luận trái chiều đã nổ ra. Một trong số đó là vấn đề minh bạch, công tâm của Hội đồng thẩm định và phân loại phim truyện (sau đây sẽ gọi là Hội đồng) trong vấn đề dán nhãn phim. Xung quanh vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng cục Điện ảnh để làm rõ những thắc mắc trên.

    Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh.

    - Thưa bà, trong vấn đề dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp hiện nay, có ý kiến cho rằng, phim nội đang bị “siết” hơn phim ngoại. Vì thế mà phim Việt đã thất thu trong dịp Tết vừa qua. Bà đánh giá sao về ý kiến này?

    Đây là ý kiến hoàn toàn chủ quan, vô căn cứ và bao biện. Có thực tế là trong dịp Tết vừa qua, phim Việt “bị thất thủ” nhưng nguyên nhân chính là do chất lượng phim Việt phát hành trong dịp Tết yếu kém, chỉ được Hội đồng đánh giá chất lượng ở bậc I (bậc thấp nhất) theo quy chế phân loại và thẩm định phim (nghĩa là chỉ đạt từ 5 đến 6 điểm theo thang điểm 10).

    Thực tế doanh thu của một bộ phim phụ thuộc vào chất lượng, tính hấp dẫn của phim và việc tiếp thị, quảng bá của nhà phát hành. Cụ thể, doanh thu cao nhất đối với cả phim ngoại và phim nội là các phim được phân loại C16 (phim ngoại là Phản đòn xXx; phim nội là Nàng tiên có 5 nhà). Gần đây phim nội Bạn gái tôi là sếp (phân loại C13) cũng có doanh thu cao.

    - Tuy nhiên, vấn đề công tâm, minh bạch trong việc dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp của Hội đồng vẫn bị dư luận đặt câu hỏi. Vậy quy trình của nó ra sao?

    Việc phân loại phim theo độ tuổi là một công đoạn nằm trong quá trình thực hiện việc thẩm định và cấp phép phổ biến phim theo luật Điện ảnh. Theo đó, phim được cấp phép là phim không vi phạm những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, quy định tại Điều 11, luật Điện ảnh và Điều 9, Nghị định 54/2010.

    Bởi vậy phim nào vi phạm thì nhà sản xuất, nhà phát hành có thể xin rút không phổ biến tại Việt Nam hoặc chỉnh sửa cho hết những cảnh vi phạm đó. Nếu, Hội đồng để “lọt” những phim có cảnh vi phạm Luật thì chính Hội đồng sẽ vi phạm Luật. Hiện nay, Hội đồng gồm 11 thành viên, gồm các đại diện là lãnh đạo cấp vụ của ban Tuyên giáo niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà chuyên môn điện ảnh như: Biên kịch, đạo diễn, lý luận phê bình, phát hành phổ biến phim.

    Hội đồng sau khi xem, thẩm định phim sẽ thảo luận dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng và ghi vào hai phiếu đánh giá đối với mỗi phim: Phiếu thẩm định và phiếu phân loại. Căn cứ vào ý kiến tư vấn của Hội đồng, lãnh đạo cục Điện ảnh sẽ ra quyết định cho phép hoặc không cho phép phổ biến đối với bộ phim trình duyệt.

    - Cục Điện ảnh có thể công khai các ý kiến nhận xét phim dán nhãn trong Hội đồng hay không?

    Ý kiến của các thành viên Hội đồng phải chiếm bao nhiêu % thì một bộ phim sẽ được dán nhãn cụ thể và ra rạp? Ý kiến kết luận của Hội đồng được ghi vào Giấy phép phổ biến phim. Luật không quy định phải công khai ý kiến này nhưng tôi cho rằng cũng không đến mức phải bí mật ý kiến nêu trong quyết định. Hầu hết các phim được cấp phép (hay không cấp phép) phổ biến và phân loại đều có 100% ý kiến thống nhất của Hội đồng.

    "50 sắc thái đen" được gắn nhãn 18+ ở Việt Nam.

    - Trước đây, cục Điện ảnh cho biết việc dán nhãn, phân loại phim chiếu rạp từng được tham khảo từ việc dán nhãn phim ở các nước khác. Tuy nhiên việc tham khảo đó có trở thành tiêu chí để xếp loại và dán nhãn phim ở Việt Nam không?

    Thông tư phân loại phim đã được soạn thảo trong 2 năm với 9 lần dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi các nhà chuyên môn, các cơ quan ban ngành, các nghệ sĩ và người làm điện ảnh, các cơ quan báo chí truyền thông và đặc biệt là lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trên trang web của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Các bản dự thảo cũng đã tham khảo, tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm các nước, áp dụng phù hợp với pháp luật và điều kiện Việt Nam. Khi Thông tư đã có hiệu lực thì chúng ta thực hiện theo Thông tư. Nếu có gì bất cập, chưa phù hợp thì Cục sẽ tổng hợp, báo cáo và đề nghị sửa đổi.

    - Thế nhưng vẫn có ý kiến lo ngại nhiều nhà sản xuất, phát hành phim (đặc biệt là phim nội) sẽ đi “cửa sau” để tìm cách “lọt” phim. Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

    Tôi khẳng định tuyệt đối không có chuyện đi “cửa sau”, trước đây, bây giờ và sau này cũng vậy. Chúng tôi tái khẳng định không bao giờ có chuyện “siết chặt phim nội”. Tất cả các phim đều được thẩm định, phân loại công bằng và nghiêm cẩn theo quy định. Như mọi người đều thấy, các thành viên Hội đồng đều là những người có trách nhiệm từ các ban, bộ, ngành có uy tín nghề nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động điện ảnh. Họ rất công tâm trong quá trình tiến hành thẩm định, phân loại phim với một quy trình chặt chẽ như trên và đều tuân thủ theo luật Điện ảnh, Quyết định 49/2008/QĐ-BVHTT và Thông tư 12/2015/TT-BVHTTDL. Xin cảm ơn bà!

    LẠC THÀNH - PHẠM THIỆU

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-hay-khong-chuyen-dan-nhan-phim-anh-huong-toi-doanh-thu-a181735.html
    Sự kiện: TOP phim hay
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan