+Aa-
    Zalo

    Có lẽ tôi sẽ trở thành phóng viên điều tra...

    • DSPL
    ĐS&PL Đúng vậy, là con gái mà theo nghiệp báo điều tra thì chẳng dễ dàng gì, như ba mẹ tôi thường nói: “Sẽ phải sống một cuộc đời nay đây, mai đó”. Nhưng chỉ với một cuộc trò chuyện vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ, tôi đã được truyền cảm hứng để trở thành một phóng viên điều tra như vậy.

    Cái “ngông” đúng thời điểm

    Nhân vật tôi đang muốn nhắc đến là Tùng “Trọc” (Phạm Trọng Tùng), cái tên mà mọi người trong Ban Phóng viên đặt cho anh như để đánh dấu kỷ niệm tác nghiệp “dở khóc dở cười” thời Công ty Rạng Đông có cháy lớn năm 2019.

    co le toi se la mot phong vien dieu tra dspl 1
    PV Phạm Trọng Tùng tác nghiệp thời điểm dịch Covid-19

    Năm ấy, mức độ ô nhiễm thủy ngân sau vụ cháy đã được đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm, tất cả các phóng viên tác nghiệp hiện trường khi ấy đều phải đi xét nghiệm. Trong lúc chờ kết quả, Tùng còn đi cạo trọc đầu cho... khuây khỏa.

    Thế nhưng, đó là Tùng của 2019, còn Tùng của 2022 đã có độ “giãn” và bớt ngông hay nói cách khác, biết sử dụng cái ngông đúng thời điểm - điều anh tự nhận xét về mình ở giai đoạn hiện tại.

    Suy nghĩ có thể thay đổi, nhưng máu nhiệt huyết và xông pha với nghề thì sẽ chẳng bao giờ “xi nhê” trong anh.

    Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, loạt phóng sự điều tra về vụ container ùn ứ tại cửa khẩu Lạng Sơn của anh đã tạo hiệu ứng tích cực, khi cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý. “Anh chỉ định lên làm bài phóng sự ảnh bình thường thôi, nhưng nghe mấy người lái xe kể chuyện thương quá. Nên “quay xe” điều tra luôn, không có sự chuẩn bị trước nào cả”, anh thản nhiên kể về “nguồn cơn” cho loạt bài này.

    Những tưởng chỉ là chuyến đi lấy tin mất một ngày trời, cuối cùng lại thành ra hơn 20 ngày anh lăn lộn, ăn ngủ cùng câu chuyện của nhân vật xứ Lạng. Anh nói với tôi, chỉ có một suy nghĩ loé lên trong đầu lúc bấy giờ: “Biết câu chuyện bị chèn ép của họ mà cứ thế trở về Hà Nội, mình sẽ ăn không ngon, ngủ không yên”.

    Đến đây, tôi trộm nghĩ, hình tượng này có vẻ giống với lời thầy cô nói về phẩm chất người làm báo, khi tôi còn là sinh viên Học viện: Nhà báo phải có khả năng nhìn thấy thông tin ở khắp nơi trong đời sống xã hội. Thậm chí, nhận ra vấn đề ngay trong những cái bình thường mà mọi người dễ bỏ qua.

    “Dấn thân” cũng phải có quy trình

    Hơn 20 ngày điều tra, khó khăn và biến số bất lợi với anh là số 0 tròn trĩnh, tôi không tin điều này. “Chẳng có nhẽ, triết lý của các bạn genZ lại đúng trong trường hợp này? Khi bạn thực sự mong muốn và hết mình vì một điều gì đó hãy gửi tín hiệu tới vũ trụ, vũ trụ sẽ khiến những điều đó trở nên suôn sẻ”, tôi nghĩ.

    Nhưng, câu trả lời là không, sự thuận lợi xảy đến nhờ vào hai chữ “quy trình”.

    co le toi se la mot phong vien dieu tra dspl 2
    Tác nghiệp nơi biên giới.

    Có thể ngông ở điểm xuất phát, nhưng khi đã tiến hành điều tra, anh lại vô cùng thận trọng và cân nhắc từng bước đi kỹ càng, sao cho thoả mãn đủ điều kiện: Khai thác thông tin đa chiều, đạo đức làm nghề và bảo đảm an toàn cho bản thân, nguồn tin.

    Anh nói, anh có quy tắc của riêng mình khi điều tra, đó là không bao giờ ép buộc nguồn tin phải cung cấp thông tin hay dẫn dắt mình xâm nhập thực tế. Thay vào đó, anh dành thời gian để thể hiện thành ý, khiến họ tin tưởng và giao phó việc đưa thông tin ra “ánh sáng” cho mình. Đồng thời cũng cần có sự tinh tế và nhanh nhạy. “Lúc cần ẩn thì ẩn, lúc cần lộ diện thì bắt buộc phải đảm bảo an toàn cho nguồn tin và bản thân”, anh Tùng kể.

    Trong gần một tháng thực hiện đề tài, anh không ngại trở thành những phu xe, bốc vác chuyên nghiệp cho các bác tài, ăn cùng, ngủ cùng, thậm chí, khóc, cười cùng họ.

    Làm vậy không phải để lấy lòng họ, mà để chính bản thân anh càng hiểu rõ hơn những người yếu thế đang chật vật với cuộc sống như thế nào; bản thân nhà báo đang cố gắng thực hiện đề tài để bảo vệ cho điều gì. Có chăng đó là cách anh tự tạo động lực cho chính mình để tiếp tục chiến đấu? Bởi, tôi hiểu, chẳng có hành trình nào là dễ dàng cả.

    Bản thân tôi cho rằng, mỗi ngày trong chuyến công tác đó của anh đều là ngày nguy hiểm. Một phóng viên ảnh với dáng vóc nhỏ bé, thư sinh, vác theo bộ máy tác nghiệp cồng kềnh đã đủ khiến người ta ngạc nhiên, giờ lại trở thành bốc vác ở cửa khẩu. Quả là một sự đánh cược. Tôi nói vậy, bởi đã có lần anh tâm sự với tôi, sức khoẻ anh dạo này đi xuống nhiều, vì gần chục năm nay anh triền miên làm việc với cường độ cao, giờ là lúc cơ thể bắt đầu “lên tiếng”.

    “Nếu không làm báo, tôi sẽ…”

    Anh Tùng tốt nghiệp Đại học Mỏ, không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ báo chí, anh đến với nghề như một cái duyên kể từ năm hai Đại học. Đúng như anh nói, đây là nghề chọn người, không phải người chọn nghề.

    Thấy vậy, tôi bất giác hỏi: “Vậy nếu không phải làm báo, thì bây giờ anh sẽ làm gì?”. Tôi không nghĩ anh mất nhiều thời gian cho câu hỏi này đến vậy. Tùng “trọc” ngập ngừng mất vài phút, có lẽ đây là điều anh chưa từng thực sự nghĩ đến trước đây, bởi báo chí đã là một phần hiển nhiên của cuộc sống anh từ lâu. “Nếu không làm báo, anh sẽ làm công an hay kinh doanh gì đó, nhưng dù là nghề gì khác báo chí, thì cũng không thể có một ông Tùng như ngày hôm nay”, anh trả lời.

    Làm báo tuy vất vả và phải đánh đổi nhiều, cả sức khoẻ, tiền bạc, thậm chí cả hạnh phúc riêng như gia đình, tình yêu, có những ngày quan trọng nhưng chẳng thể ở bên vợ con. Nhưng suy cho cùng nghề lại cho anh những mối quan hệ đồng nghiệp, anh em quý báu, và hơn hết là cơ hội được sống là chính mình, trưởng thành hơn từng ngày.

    Đúng là áp lực tạo kim cương, giờ đây anh không phải tay bút sắc sảo hay cao siêu nhất, nhưng chắc chắn là người thành công và tự hào với hành trình của riêng mình nhất mà tôi biết.

    Nghe một nhà báo trẻ, có thể coi đồng trang lứa hăng say kể về câu chuyện của mình, đương nhiên cũng có phút trầm, phút bổng, góc tối, góc sáng, nhưng thực sự điều đó truyền cho tôi một cảm giác làm nghề chân thực hơn.

    Thế nên tôi sẽ tự mình cảm nhận trong tương lai với hành trình của chính mình, khi thử áp dụng những bài học mà Tùng “trọc” gửi gắm trong suốt 2 tiếng đó…

    Thành tích ấn tượng

    - 1 giải A “Ấn tượng Việt Nam mùa Covid-19” năm 2020 do Bộ Y tế phối hợp với Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức, với tác phẩm Bộ đội biên phòng dựng lán trắng đêm canh giữ biên giới phòng dịch corona.

    - 1 giải C “Ấn tượng Covid” do Bộ Y tế và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

    - 3 tác phẩm lọt vào top 50 khoảnh khắc báo chí của năm 2021 do Hội Nhà báo tổ chức.

    - 5 tác phẩm được treo triển lãm toàn quốc, giải nhiếp ảnh của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Nghệ sĩ Việt Nam tổ chức.

    - Bên cạnh đó là hàng loạt Bằng khen do Đoàn khối cơ quan TƯ phòng chống covid; Bộ trưởng Bộ Y tế và Hội Luật gia Việt Nam trao tặng cho những tác phẩm về phòng chống dịch Covid.

    Minh Uyên

    Bài đăng trong số đặc biệt kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-le-toi-se-tro-thanh-phong-vien-dieu-tra-a541678.html
    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về đóng góp của báo chí đối với hoạt động Hội cũng như kỳ vọng của Chủ tịch đối với công tác báo chí thuộc Trung ương Hội.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền: Báo Chí có vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

    Nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã lắng nghe những chia sẻ của TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về đóng góp của báo chí đối với hoạt động Hội cũng như kỳ vọng của Chủ tịch đối với công tác báo chí thuộc Trung ương Hội.