+Aa-
    Zalo

    Có nên đào tạo sư phạm giống ngành y?

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông của nhiều giảng viên sư phạm không nhiều.

    Nhiều chuyên gia cho rằng, khoảng thời gian trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông của nhiều giảng viên sư phạm không nhiều. Vậy nên, đề xuất có hình thức đào tạo sinh viên sư phạm như đối với ngành y.

    Đề xuất có hình thức đào tạo sinh viên sư phạm như đối với ngành y.

    Đề xuất đào tạo sinh viên sư phạm như đào tạo bác sĩ

    Tại Hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông” được tổ chức mới đây tại Phú Thọ mới đây, ông Nguyễn Phú Chiến - Hiệu trưởng trường THCS Ngoại ngữ (trường đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ những băn khoăn về giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay.

    Theo đó, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng ngành sư phạm đa số là sinh viên có thành tích học tập giỏi được giữ lại trường để giảng dạy. Tuy nhiên, đội ngũ này chưa có nhiều trải nghiệm dạy học thực tiễn ở bậc phổ thông. Vì vậy, ông Chiến đề xuất ngoài xây dựng các trường thực hành trực thuộc, trường sư phạm cần liên kết với các trường phổ thông tốt hơn để ngoài những giờ lên lớp hằng ngày, sinh viên buộc phải tham gia vào quá trình giảng dạy thường xuyên, giống như mô hình các trường đào tạo ngành y.

    Nêu ý kiến, bà Nguyễn Bích Thanh – Giáo viên trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) - cho rằng - chỉ cần đào tạo sư phạm trong 4 năm là đã đủ. Tuy nhiên, nên giảm bớt những kiến thức hàn lâm, cao cấp và dành thời gian đó cho sinh viên đi kiến tập, thực tập tạo cơ hội cọ xát với bục giảng nhiều hơn.

    “Cho đến giờ, gần 10 năm đi dạy nhưng đúng là có những kiến thức học ở trường sư phạm tôi chưa bao giờ có cơ hội dùng đến. Bởi lẽ, ra trường tôi chỉ là cô giáo cấp THCS nên không dùng những kiến thức quá hàn lâm. Trước đây, thời gian đi kiến tập, thực tập của chúng tôi cực kỳ ít. Tôi nhớ không nhầm thì suốt 4 năm học sư phạm tôi chỉ được đi kiến tập 2 lần và thực tập đúng 1 lần.

    Cho đến tận khi tốt nghiệp ra trường tôi nhớ thời gian mình được đứng trên bục giảng giảng dạy cũng không quá 5 lần. Xin vào làm giáo viên hợp đồng, những ngày đầu lên lớp tôi vẫn run”, bà Thanh cho biết.

    Theo bà Thanh, nghề giáo là nghề rất đặc thù, mỗi hành động của giáo viên đều tác động đến học sinh. Là một trong những người đi trước, bà Thanh mong rằng có thể tăng số lượng thời gian cho sinh viên đi kiến tập, thực tập để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình giảng dạy sau này.

    “Bởi lẽ khi mình tập đứng thuyết trình một mình và đứng giảng trước một tập thể lớp cảm giác rất khác nhau” – bà Thanh nhận định và kể về việc chứng kiến những giáo viên òa khóc ngay những ngày đầu lên lớp vì chưa được cọ xát nhiều trên bục giảng trước khi đi dạy.

    Không cần 6 năm để đào tạo giáo viên

    Cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, ông Trần Đức Ngọc – Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn (Hải Phòng) cho rằng: “Đào tạo sư phạm như y khoa theo hướng chú trọng thực hành thì tốt nhưng không cần đến 6 năm để đào tạo một giáo viên. Bởi lẽ, chất lượng của một giáo viên được đánh giá bằng kiến thức chuyên môn và nó phản ánh bằng đầu vào ngành sư phạm. Những sinh viên giỏi tôi tin là họ sẽ nhanh chóng thích nghi được với đổi mới phương pháp, đổi mới dạy học”.

    Theo ông Ngọc, đào tạo giáo viên vẫn phải đào tạo tổng thể, phải đảm bảo kiến thức tương ứng với trình độ đại học chứ không phải cắt bớt lý thuyết để thêm phần học nghiệp vụ sư phạm. Bởi lẽ, người học vẫn cần một lượng kiến thức nhất định để có cái nhìn tổng thể về cái mình đang học để sau này còn đi dạy. Trong trường sư phạm có thể kéo dài thời gian đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên nhưng tôi nghĩ không cần thiết phải mất đến 2 năm nâng tổng số thời gian đào tạo thành 6 năm như trường Y.

    “Tôi vẫn muốn nhấn mạnh là dù đào tạo thế nào thì quan trọng là phải thu hút được sinh viên giỏi đầu quân vào ngành sư phạm”, ông Ngọc nói.

    TS. Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học (Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) - cho rằng: Đào tạo ngành sư phạm cần chia theo 2 hướng. Đó là đào tạo sinh viên sư phạm mục đích sau này đi dạy và đào tạo sinh viên sư phạm theo định hướng nghiên cứu. Nếu sinh viên học để sau khi tốt nghiệp đi dạy thì đào tạo chú trọng đến thực hành, thực tập. Còn đào tạo sinh viên theo định hướng nghiên cứu tức là đào tạo tinh hoa thì dạy sinh viên những kiến thức hàn lâm hơn, cao cấp hơn để sinh viên có cái nhìn tổng thể về ngành mình học phục vụ tốt cho việc nghiên cứu sau này.

    “Quan trọng là trao cho sinh viên kỹ năng phải có của một giáo viên để đứng lớp trong đó nghiệp vụ sư phạm là rất quan trọng. Nếu cần thiết thì dùng hẳn 1 năm để đào tạo về kỹ năng sư phạm nhưng tất cả quá trình đào tạo cũng nên gói gọn trong 5 năm chứ không thể đào tạo 6 năm như ngành y”, TS. Lê Viết Khuyến.

    “Người ta chỉ nói đào tạo sư phạm giống ngành y nhưng chưa ai nói mức lương và chế độ đãi ngộ cho các thầy cô giống ngành y hay ngành công an, quân đội hay không. Nếu kéo dài thời gian đào tạo sư phạm lên 6 năm như ngành y, ra trường khởi điểm với mức lương chưa đầy 3 triệu, xin việc lại khó khăn thì tôi nghĩ sinh viên sẽ không còn quá thiết tha với nghề sư phạm”, giáo viên Nguyễn Bích Thanh, giáo viên trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

    Hoàng Thanh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 184

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-nen-dao-tao-su-pham-giong-nganh-y-a346413.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan