+Aa-
    Zalo

    Có nên miễn án tử hình cho người phạm tội trên 75 tuổi?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Miễn trừ án tử hình với người 75 tuổi có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp hay không?

    (ĐSPL) - Miễn trừ án tử hình với người 75 tuổi liệu có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp hay không?

    Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bổ sung quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người phạm tội trên 75 tuổi. Bộ luật Hình sự hiện hành không quy định vấn đề này.

    Về vấn đề này hiện có hai loại ý kiến.

    Không thi hành án tử với người trên 75 tuổi liệu đã bình đẳng?

    Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định này vì cho rằng, đây là một hướng góp phần giảm hình phạt tử hình trên thực tế, đồng thời nó mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, là một đặc ân của Nhà nước đối với đối tượng người bị kết án đã đến tuổi thượng thọ, được hướng chế độ ưu đãi của Nhà nước.

    Theo hướng dẫn trong Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC, người già là người “từ 70 tuổi trở lên”. Ở độ tuổi này, sức khoẻ của con người giảm sút, khả năng tư duy không còn nhạy bén và minh mẫn; khả năng gây thiệt hại cho xã hội hạn chế.

    Bộ luật Hình sự 1999 cũng quy định “người phạm tội là người già” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

    Điều này cũng đã được quy định trong Luật Hình sự Việt Nam thời kỳ phong kiến và Luật Hình sự nhiều nước thế giới. Vì vậy, sửa đổi BLHS theo hướng không áp dụng và không thi hành hình phạt tử hình đối với người già là sự kế thừa truyền thống lập pháp, đạo lý của dân tộc, phù hợp với xu hướng phát triển của pháp luật hình sự thế giới, thể hiện chính sách hình sự nhân đạo, khoan dung của Đảng và Nhà nước ta.

    Loại ý kiến thứ hai đề nghị không nên bổ sung quy định. Trước đây, người sống 75 tuổi là hiếm, song ngày nay rất phổ biến. Người 75 tuổi nhìn chung vẫn còn khả năng về thể lực và trí tuệ, sự chênh lệch so với tuổi thấp hơn nhưng không nhiều.

    Thực tế, nhiều nước ở lứa tuổi này còn phạm tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nước ta cũng thế. Họ còn có thể là những người cầm đầu các tổ chức tội phạm, xâm phạm an ninh quốc gia, khủng bố, rửa tiền. Vì vậy, cần có sự phân hóa cụ thể nhóm tội và trường hợp phạm tội cụ thể để áp dụng, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Mặt khác, quy định này nhằm thể hiện chính sách hình sự nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với người đã đến độ tuổi thượng thọ, đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Song, trong thực tế cho thấy độ tuổi 75 sức sống hiện nay còn rất khỏe và có đủ điều kiện để hưởng thụ, là tấm gương để con cháu noi gương vậy mà họ phạm tội, xã hội thì cần lên án kịch liệt.

    Họ phạm tội gây án thường đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong đời sống xã hội.

    Một câu hỏi đặt ra, tại sao lại được miễn trừ án tử hình với người 75 tuổi và như vậy có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Hiến pháp hay không?

    Luật gia Đồng Xuân Thuận

    [mecloud]LPrbHLbnoT[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-nen-mien-an-tu-hinh-cho-nguoi-pham-toi-tren-75-tuoi-a106744.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.