+Aa-
    Zalo

    Cố nhà văn Kim Lân được xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh: Ngòi bút sống mãi với thời gian

    • DSPL
    ĐS&PL Nhà văn Kim Lân là một trong 9 tác giả được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2021.

    Nhà văn Kim Lân là một trong 9 tác giả được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2021. Dù Kim Lân đã đi xa hơn 10 năm, nhưng hình ảnh gần gũi, hiền từ và những tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong lòng công chúng.

    Tài danh còn mãi với thời gian

    Mới đây, bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật do Hội đồng cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước lĩnh vực Văn học.

    Danh sách được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ từ ngày 15- 29/3 để lấy ý kiến của nhân dân trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước họp xét theo quy định tại Nghị định số 90/2014/NĐ-CP và Nghị định số 133/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

    Trong đó, nhà văn Kim Lân là 1 trong 9 tác giả nằm trong danh sách hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2021. Ông được đề nghị xét tặng Giải thưởng với ba truyện ngắn: Con chó xấu xí, Ông lão hàng xóm và Ông Cả ngũ.

    Cố nhà văn Kim Lân được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

    Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm1920, tại làng Phù Lưu, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ông có một tuổi thơ cơ cực, sớm phải nghỉ học bươn chải với nghề sơn, khắc. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Có thể kể đến các tác phẩm nổi bật: Đứa con người vợ lẽ, Đứa con người cô đầu, Người kép già, Con mã mái... đăng trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc Chủ nhật tạo được sự chú ý của độc giả.

    Năm 1944, nhà văn Kim Lân tham gia hội Văn hóa cứu quốc và trở thành tên tuổi nổi bật trên văn đàn với giọng văn chỉn chu, sắc bén. Sau Cách mạng tháng Tám, Kim Lân tiếp tục làm báo, viết văn. Ông vẫn chuyên về truyện ngắn và vẫn viết về làng quê Việt Nam - mảng hiện thực mà từ lâu ông đã hiểu biết sâu sắc. Trong đó, Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, được in trong tập truyện Con chó xấu xí, có tiền thân từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư. Tác phẩm bị mất bản thảo khi đang viết dang dở. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện Vợ nhặt.

    Trong cả hai giai đoạn sáng tác, tuy viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có những tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng. Như cách nói của Nguyên Hồng, Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” và “người”, với “thuần hậu nguyên thuỷ” của đời sống nông thôn.

    Dù Kim Lân đã đi xa hơn 10 năm, nhưng hình ảnh gần gũi, hiền từ và những tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong lòng công chúng. Người ta vẫn nhắc đến Kim Lân như một "ca lạ" của văn chương Việt Nam thế kỷ 20, khi ông viết rất ít và chỉ chuyên vào một thể loại là truyện ngắn (với 27 truyện, trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám), nhưng tác phẩm nào cũng “gan lì” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc.

    Viết ít và gác bút sớm, nhưng lý do “nhà văn của làng quê” được nhớ đến như vậy, theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, là do "sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hoàn cảnh khó khăn như thế nào”.

    Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam từng nhận định, văn chương của Kim Lân cô đúc và nén chặt, giống như giọt sương soi được biển cả. Giữa một xã hội đen tối và ngột ngạt, Kim Lân đã thắp lên ánh sáng qua những tác phẩm của mình. Những gì đọng lại sâu lắng nhất trong văn chương của ông chính là hồn cốt của tình người, chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao, với sự thuần thục bậc thầy về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

    Những vai diễn “để đời”

    Có thể nói, nhà văn Kim Lân đã tạo dựng cho mình một “tượng đài” nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng. Những tác phẩm văn học nổi tiếng của ông góp phần khẳng định tài năng văn chương, vừa đi sâu vào tâm hồn người đọc. Để từ đó, độc giả lại bắt gặp bóng dáng của ông, gia đình và làng quê nơi ông sinh ra và gắn bó, như chính Kim Lân từng thừa nhận: “Viết đi viết lại hình như cuối cùng câu chuyện cũng là mình”.

    Ngoài những trang viết ấn tượng, nhà văn Kim Lân còn tham gia đóng phim và kịch. Ngoại hình hao gầy và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực của Kim Lân in đậm trong tâm trí khán giả qua những vai diễn “để đời”. Bút danh Kim Lân của ông được lấy từ tên của nhân vật Đổng Kim Lân trong Tuồng Sơn Hậu, một vai ông đã từng đảm nhận.

    Kim Lân đóng vai lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

    Ông từng mang đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến thông qua nhân vật Lão Hạc (phim Làng Vũ Đại ngày ấy). Bên cạnh đó, Kim Lân còn được nhớ đến qua nhiều vai diễn tiêu biểu khác như: Lý Cựu trong phim Chị Dậu, cụ lang Tâm trong phim Hà Nội 12 ngày đêm... Với những cống hiến cho nền văn học nước nhà, nhà văn Kim Lân vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt 1) năm 2001. Ông mất năm 2007 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

    Cùng với nhà văn Kim Lân, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng có tên trong danh sách xét tặng với ba tác phẩm: Tập thơ Cõi lặng, tuyển thơ Đất nước (Chương chủ đạo trong Trường ca Mặt đường khát vọng).

    Danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực Văn học nghệ thuật còn có các tác giả khác: Nhà thơ Hoàng Trung Thông (Đặc Công, Bút Châm), nhà văn Mai Quốc Liên (Vũ Hồng Ngự), Thanh Thảo (Hồ Thành Công), Trần Nhuận Minh, Ca Văn Thỉnh, Phong Lê. Bên cạnh danh sách xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh ở lĩnh vực Văn học nghệ thuật, bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đăng tải danh sách 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2021 ở lĩnh vực văn học. Trong đó có các tác giả: Nguyễn Huy Thiệp, Trần Anh Thái, Nguyễn Văn Thọ, Trịnh Thanh Phong, Nguyễn Phan Hách, Vũ Duy Thông...

    Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải danh giá nhất do Nhà nước trao tặng trong các lĩnh vực kinh tế quốc dân, khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước là giải cấp quốc gia quan trọng thứ hai, sau Giải thưởng Hồ Chí Minh. Việc xét và trao giải thưởng được thực hiện theo chu kỳ 5 năm. Giải thưởng được 15 Hội đồng cấp cơ sở trình Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trước khi Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước họp xét.

    Thành Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 2 (46)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-nha-van-kim-lan-duoc-xet-tang-giai-thuong-ho-chi-minh-ngoi-but-song-mai-voi-thoi-gian-a361298.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan