Cơ quan quản lý bao che cho vi phạm, người lao động khóc ròng?


Thứ 2, 12/09/2016 | 03:05


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt như vậy và các thông tin về vi phạm này cũng được công bố rõ ràng trên website: mailinh.vn..

(ĐSPL) - Những hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt như vậy và các thông tin về vi phạm này cũng được công bố rõ ràng trên website: mailinh.vn, nhưng những người có trách nhiệm của tập đoàn Mai Linh vẫn chưa bị xem xét. Phải chăng, đang có một thế lực chống đỡ cho họ?

Đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp giải trình

Việc, MLG cố tình chiếm dụng vốn của Mai Linh miền Bắc là vi phạm nguyên tắc quản trị tài chính của các công ty và vi phạm quy định của Thông tư 121/2012/TT-BTC và luật Doanh nghiệp.

Để làm rõ hơn vấn đề này PV báo ĐS&PL đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng cụ thể ở đây là Thanh tra bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tại cuộc Họp báo chuyên đề "TTCK 8 tháng đầu năm và kế hoạch trong thời gian tới" do UBCKNN tổ chức vào ngày 24/8 vừa qua, PV báo ĐS&PL đã có những câu hỏi thẳng thắn đến lãnh đạo UBCKNN về thông tin lùm xùm, những dấu hiệu vi phạm tại tập đoàn Mai Linh mà báo ĐS&PL có loạt bài viết phản ánh. Đại diện UBCKNN là bà Vũ Thị Chân Phương - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết: “Thời gian qua Ủy ban cũng đã nhận được một số đơn thư phản ánh liên quan tới quản trị doanh nghiệp, tình hình tài chính của Tập đoàn này, cũng như đã tiếp nhận thông tin trên báo chí về vụ việc”.

Bà Vũ Thị Chân Phương- Phó cChủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Theo bà Chân Phương thì, đối với những vấn đề liên quan tới thẩm quyền của UBCKNN như nghĩa vụ phải chấp hành và công bố thông tin về tình hình quản trị doanh nghiệp thì, UBCKNN cũng đã có những buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, cũng như có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có báo cáo giải trình lên Ủy ban về vấn đề này. Bước đầu, UBCKNN cũng đã có trả lời các nhà đầu tư, trả lời các phản ánh đơn thư.

Còn những vấn đề liên quan tới tình hình tài chính thì không chỉ tập đoàn Mai Linh mà còn liên quan tới tình hình tài chính của một số doanh nghiệp khi mà công bố báo cáo tài chính 2015 lên có sự thay đổi khoảng cách rất lớn. Bà Chân Phương nêu ví dụ về những trường hợp doanh nghiệp báo cáo như đang lãi thành lỗ hoặc có những khoản phải thu mà trước đây chưa trích lợi dự phòng thì nay phải trích lợi dự phòng, hoặc có nhiều hàng tồn kho thì UBCKNN cũng đã có mời trực tiếp các doanh nghiệp đến để làm việc về tình hình tài chính của họ. UBCKNN đồng thời cũng đã trực tiếp làm việc với kiểm toán cũng như cục Chế độ kế toán của bộ Tài chính để làm việc.

Công văn phát đi của Ngngân hàng TMCP Công Ngoại Thương Việt Nam đối với cảnh báo rủi ro về khả năng vay nợ của Tập đoàn Mai Linh

“Qua quá trình kiểm tra, chúng tôi cũng đã có phát hiện một số sai sót, liên quan tới đơn vị kiểm toán thì cũng đã có đình chỉ công tác một số kiểm toán viên. Đây là nói chung với các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng với tập đoàn Mai Linh”, bà Chân Phương cho biết thêm.

Khi PV đề cập thẳng vào những vi phạm tại tập đoàn Mai Linh, cụ thể là phạm vào khoản 3, Điều 24, Thông tư 121/2012/TT-BTC nhưng đại diện UBCKNN từ chối trả lời trực tiếp và hẹn một buổi làm việc cụ thể… Cũng theo bà Chân Phương, không chỉ riêng Mai Linh mà một số doanh nghiệp khác như Gỗ Trường Thành, NTACO,… tất cả những doanh nghiệp được cho là bất thường trong hoạt động tài chính mà báo chí đã đưa tin thời gian vừa qua, UBCKNN cũng đã có xử lý thông tin và sẽ công khai đăng tải trên trang thông tin của Ủy ban.

Lời cảnh báo rủi ro

Xung quanh vấn đề về vi phạm tài chính hay chuyện tái cấu trúc kinh tế của tập đoàn Mai Linh đang lùm xùm hiện nay, PV báo đã có những cuộc trao đổi với một số chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế và pháp lý để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về sự việc.

Trao đổi với PV, GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Thứ trưởng bộ Thương mại nêu ý kiến: “Một công ty đại chúng phải được đăng ký kinh doanh ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo quy định của luật Chứng khoán, công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong ba loại hình sau: Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng; Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ 10 tỉ đồng Việt Nam trở lên.

Công ty đại chúng chịu sự giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mọi thông tin trong công ty đại chúng phải được minh bạch, công khai hoàn toàn trên thị trường khoán. Việc, một công ty đại chúng để cho cổ đông chiếm dụng vốn trong một thời gian dài mà không công khai nó, thể hiện sự dối trá và vi phạm luật niêm yết chứng khoán”.

“Rõ ràng việc giấu giếm thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc bị chiếm dụng vốn ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi cổ đông. Bởi vì đây là một công ty đại chúng, cổ đông dù nắm giữ mấy chục phần trăm cổ phần hay chỉ một cổ phần cũng cần phải được nắm thông tin như nhau. Việc giấu giếm này sẽ làm cho các cổ đông nghi ngờ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin và sự phát triển của doanh nghiệp”, GS.TSKH Nguyễn Mại nói.

Theo một nguồn tin riêng của PV báo ĐS&PL, trong quá trình tìm hiểu về các hoạt động vay vốn của Tập đoàn này, mới đây ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam đã phát đi công văn cảnh báo rủi ro cấp tín dụng đối với các Công ty trong nhóm Mai Linh.

Cụ thể, trong đó có đưa ra cảnh báo: Chi nhánh thận trọng khi xem xét cấp tín dụng đối với khách hàng là các đơn vị thuộc nhóm Mai Linh gồm: Công ty cổ phần tập đoàn Mai Linh và các công ty con, công ty liên kế của Mai Linh Group, các công ty và cá nhân khác có liên quan về sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp với nhóm Mai Linh. Đặc biệt trong công văn này, ngân hàng TMCP Ngoại Thương cũng yêu cầu các chi nhánh tăng cường tần suất kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích, an toàn, hiệu quả.

Như vậy, với công văn trên thì đó là một thông điệp nhắc khéo liên quan đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi liên quan đến chuyện vốn của tập đoàn Mai Linh. Đặc biệt là khi Tập đoàn này đã bị kiểm toán đưa ra khuyến nghị phá sản do không có phương án kinh doanh nào hiệu quả khi nợ phải trả đến hạn lớn hơn nhiều so với khả năng trả nợ…

Liệu những vi phạm tại tập đoàn Mai Linh có được cơ quan chức năng kiên quyết xử lý hay không? Chúng tôi sẽ phản ánh tới bạn đọc khi có diễn biến tiếp theo về sự việc.

Theo tìm hiểu của PV thì từ 1/1/2016, Chính phủ và bộ Tài chính đã luôn cho phép tách bộ phận quản lý phát hành thành 2 vụ: Vụ Quản lý chào bán và vụ Giám sát công ty đại chúng. Khi chức năng của 2 vụ này tách biệt thì công tác giám sát của UBCKNN đối với công tác giám sát công ty đại chúng nói chung cũng như của các tổ chức niêm yết nói riêng luôn được tăng cường. Như vậy, những vi phạm kiểu như tập đoàn Mai Linh có được giám sát chặt chẽ hơn?
Nhóm PV
Nguồn: Người đưa tin
Xem thêm video:
[mecloud]ade5odDHjx[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-quan-quan-ly-bao-che-cho-vi-pham-nguoi-lao-dong-khoc-rong-a147439.html