+Aa-
    Zalo

    Cô sinh viên nghèo và ước mơ mở cửa hàng tranh sau tai nạn lao động

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Sau vụ tai nạn kinh hoàng, Hương mất toàn bộ khả năng vận động. Nhưng hơn 2 năm qua em sống và vượt qua nỗi đau bại liệt với tinh thần lạc quan đến kinh ngạc.

    (ĐSPL) – Sau vụ tai nạn kinh hoàng vào năm 2011, cô sinh viên Trương Thị Hương (SN 1991) mất toàn bộ khả năng vận động. Nhưng hơn 2 năm qua em vẫn sống và vượt qua nỗi đau bại liệt với một tinh thần lạc quan đến kinh ngạc.

    Vượt chặng đường dài hơn 50km từ TP Vinh (Nghệ An), chúng tôi men theo con đường bê tông nhỏ tìm đến ngôi nhà bà Lê Thị Phượng (mẹ đẻ của Hương) nơi chân núi xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An).

    Buổi sáng định mệnh

    Chúng tôi ghé thăm gia đình Hương vào một buổi sáng, khi những tia nắng vàng ươm hiếm hoi phần nào xoa dịu bớt cái rét nơi xóm núi những ngày đông. Lúc này trong căn nhà nhỏ, tuềnh toàng, bà Phượng đang giúp con gái vận động chân tay. Từ ngoài ngõ, chúng tôi đã nghe thi thoảng có tiếng xuýt xoa của Hương kèm theo sau là những lời động viên của người mẹ già.

    Căn nhà nhỏ, nơi sinh sống của Hương.

    Thấy có khách ghé thăm, bà Phượng tạm dừng công việc, ra rót nước mời chúng tôi. Nỗi lòng người mẹ có con 2 lần suýt chết được bà kể lại sau một hồi trầm tư.

    Vợ chồng bà có với nhau 3 người con, trong đó Hương là con út, trước Hương còn một chị gái có vấn đề về thần kinh và một anh trai. Năm 1998, do cuộc sống khó khăn, bố Hương cũng bỏ 4 mẹ con mà đi. Đến thời điểm hiện tại, cũng chẳng ai hay tin tức gì về ông. Kể từ ngày đó, bà Phượng vốn bị bệnh tim đau yếu phải một mình bươn chải quanh năm để lo cho 3 con.

    Thời gian cứ thế trôi, 4 mẹ con bà Phượng nương tựa vào nhau sống qua ngày. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hương thi đỗ ngành quản trị kinh doanh, trường Đại Học Bình Dương với số điểm 18,5. Mặc dù khó khăn nhưng mẹ và anh trai vẫn muốn cho Hương được học hành tử tế nên quyết tâm khăn gói để con vào Bình Dương nhập học. Ngấm được cái khổ từ bé, thương mẹ bệnh tật, anh trai vất vả, Hương luôn cố gắng học tập để sớm ra trường bằng cách tích lũy nhanh các tín chỉ.

    Hương lạc quan động viên mẹ dù bản thân em đang ngày đêm chống chọi với cơn đau

    Cũng trong thời gian này, ngoài giờ học, Hương cố gắng dành thời gian đi làm thêm. Những công việc em chọn làm thường chỉ có đàn ông mới dám đảm nhận bởi theo em cho biết, nếu chọn công việc nhẹ nhàng thì thu nhập không cao. Với thù lao 130.000 đồng cho nửa ngày làm việc, Hương nhận làm phụ hồ tại một công trình lớn ở gần trường Đại học Bình Dương.

    Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không xảy ra sự cố với cô sinh viên nghèo vào tháng 11/2011. Một ngày như mọi ngày, sau giờ học, Hương đến công trường làm việc. Tại đây, tai nạn kinh hoàng xảy ra khiến Hương bị rơi từ tầng cao nhất của toà nhà xuống đất trong khi đang chuyển nốt số vữa còn lại cho thợ xây dựng cạnh đó. Buổi sáng định mệnh đã cướp đi vĩnh viễn đôi chân của Hương.

    Ngay sau khi xảy ra tai nạn, Hương được đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cấp cứu. Mặc dù thoát chết nhưng cú va đập quá mạnh đã khiến toàn bộ phần xương chậu của Hương và hệ thống cơ bị liệt hẳn. Những ngày tháng tăm tối của cuộc đời Hương bắt đầu từ đó. Hơn 3 năm qua, Hương liên tục phải đi chữa trị tại các bệnh viện.

    Phần da ở mông của Hương đang dần bị hoại tử do bại liệt 3 năm liền.

    Với đơn thuốc lên đến 5 triệu đồng cho một đợt điều trị 7 ngày, cộng thêm chi phí cho mỗi lần phẫu thuật lên đến 150 triệu đồng đã khiến số nợ của gia đình Hương cứ thế ngày một nhiều lên. Tiền thì cứ ra đi trong khi sức khỏe Hương chẳng mấy biến chuyển. Do nằm lâu ngày, phần thịt sau mông em có nguy cơ hoại tử hoàn toàn.

    Gần đây nhất, Hương vừa phải điều trị tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia gần 4 tháng. Số tiền gia đình phải chi trả cho đợt điều trị này lên đến 125 triệu đồng, tất cả đều là tiền vay mượn. Hiện tại, tổng số nợ của gia đình đã vượt mức 200 triệu đồng. Chúng tôi tự hỏi liệu họ còn gắng được bao lâu khi mà kinh tế gia đình chỉ dựa vào nông nghiệp. Trụ cột chính của gia đình giờ dựa cả vào người anh trai đầu. Nhưng khó khăn lại chồng thêm khó khăn, khi anh trai Hương ngoài việc một mình chăm lo cho gia đình nhỏ của mình với 3 miệng ăn, anh còn phải chăm thêm mẹ già, 2 em gái không có khả năng lao động cùng 1 cháu nhỏ.

    Số nợ gia đình vay mượn chữa trị cho Hương ngày càng chồng chất.

    Những ước mơ còn dang dở

    Sau tai nạn, Hương trở về nhà với cơ thể chẳng còn lành lặn. Đôi chân tê liệt, vết thương lở loét từng ngày biến em thành một người tàn phế. Mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải nhờ vào sự hỗ trợ từ người mẹ. Ước mơ trở thành một nhà quản lý giỏi của cô sinh viên năm thứ 2 giờ bị khép lại nơi những trang sách và kiến thức còn dang dở.

    Thế nhưng điều chúng tôi ấn tượng nhất ở cô gái 20 xuân thì này chính là sự lạc quan. Em cười tươi như thể chẳng có đau đớn nào có thể đánh gục được bản thân. Kể cho chúng tôi nghe về ước mơ của mình, khuôn mặt Hương chợt có nét thoáng buồn, nhưng rồi nụ cười lại hiện hữu ngay trên khuôn mặt và em chia sẻ: “Không thể là một nhà quản lý thì em sẽ làm việc khác, em vừa hoàn thành lớp học về kỹ năng làm tranh. Công việc này không cần phải đi lại, đặc biệt dù không ngồi được em vẫn có thể làm khi nằm úp xuống. Em còn may mắn hơn nhiều người khác vì em có đôi tay và đôi mắt. Em hy vọng khi thành thạo nghề, em sẽ mở được một cửa hàng tranh để đỡ đần cho mẹ và chứng minh cho mọi người thấy em không vô dụng”.

    Được biết, 4 tháng trở lại đây, sau khi học nghề làm tranh thuê, tranh đá của một nạn nhân chất độc màu da cam được tổ chức ở xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hương đã tự tay làm được khá nhiều tranh để bán. Số tiền dành dụm được từ việc bán tranh, Hương đưa hết cho mẹ để lo tiền thuốc thang cho mình.

    Một bức tranh đá do chính tay Hương thêu.

    Chia tay gia đình em khi trời đã xế trưa và ánh nắng vàng đã hong khô màn sương mù mịt của buổi sáng mùa Đông, chúng tôi hy vọng một tương lai tươi sáng sẽ đến với em và gia đình. Chúc cho Hương mãi giữ được sự lạc quan để cùng mẹ vượt qua những khó khăn mà cuộc đời đặt lên đôi vai em. 

    Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm xin gửi về địa chỉ:

    - Bà Lê Thị Phượng

    Xóm 9, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

    - Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung:

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-sinh-vien-ngheo-va-uoc-mo-mo-cua-hang-tranh-sau-tai-nan-lao-dong-a77997.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan