+Aa-
    Zalo

    Coi thi vào lớp 10 ở Hà Nội: "Thí sinh ngồi lẩm bẩm trong phòng thi, giám thị phải nhìn thấy"

    • DSPL
    ĐS&PL “Thí sinh mặc dù không ai gọi, cũng không nói chuyện với ai nhưng miệng vẫn lẩm bẩm thì chắc chắn giám thị phải nhìn thấy...", Phó Trưởng phòng PA03 - Công an Thành phố Hà Nội nói.

    Ngày 15/6, sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác coi thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023.

    coi thi vao lop 10 o ha noi thi sinh ngoi lam bam trong phong thi giam thi phai nhin thay
    Tai nghe bằng hạt đậu, một trong những thiết bị gian lận thi cử tinh vi - Ảnh: Dân trí

    Chia sẻ về gian lận thi cử, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Trưởng phòng PA03 - Công an Thành phố Hà Nội, cho hay hiện nay, các đối tượng vẫn rao bán thiết bị phục vụ cho hành vi này bằng nhiều hình thức.

    “Cũng như các năm trước đây, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng thiết bị tai nghe siêu nhỏ, thậm chí bằng hạt đậu, được đặt ở phần trong tai của thí sinh và kết nối với một thiết bị dùng thẻ sim ở ngoài để gọi vào”, ông Hùng nói.

    “Thí sinh mặc dù không ai gọi, cũng không nói chuyện với ai nhưng miệng vẫn lẩm bẩm thì chắc chắn giám thị phải nhìn thấy. Và như vậy, nếu giám thị tăng cường giám sát thì có thể phát hiện được”.

    Ông Hùng cũng lưu ý thêm về các loại camera như cúc áo, gắn ở khẩu trang, kính, dây lưng... Ví dụ như bút cài ở túi áo có thể có camera gắn trên, đồng hồ có thể gắn camera...

    Theo ông Hùng, hành vi gửi đề ra ngoài sớm thường diễn ra ngay lúc giám thị phát đề thi, bởi lúc đó, các thầy cô mỗi người bận một việc. Có khi vừa phát đề là thí sinh đã có thể quay chụp.

    Do đó, ông Hùng đề nghị ngay từ đầu giờ thi, các giám thị cần lưu ý, một người phát đề thì người kia tập trung quản lý, giám sát chặt, không để cho các thí sinh có cơ hội sử dụng thiết bị gian lận.

    "Việc đấu tranh là của lực lượng công an, còn với việc phát hiện thí sinh gian lận thì vai trò của giám thị rất quan trọng. Một số dấu hiệu cần cảnh giác như trong mùa hè nóng nực nhưng thí sinh mặc áo dài tay hay tóc để xõa ra..." - ông Hùng lưu ý

    Ngoài ra, ông Hùng cũng lưu ý không chỉ thí sinh mà ở các kỳ thi các năm trước từng phát hiện một số giám thị mang điện thoại vào phòng thi chụp ra ngoài khiến lọt lộ đề. Do đó, vấn đề này cũng cần quán triệt tới cả các giám thị.

    Trước một số ý kiến về việc thí sinh có phải đeo khẩu trang trong phòng thi hay không, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ thuộc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hoàng Hữu Trung cho biết theo quy định của liên ngành Y tế-Giáo dục, thí sinh phải đeo khẩu trang từ nhà đến điểm thi, từ điểm thi về nhà và nơi tập trung.

    Khi được gọi vào phòng thi, thí sinh phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, nhận diện, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi. Để đề phòng thí sinh có thể gắn thiết bị vào khẩu trang, cán bộ coi thi cần lưu ý kỹ khâu này, nếu có dấu hiệu nghi ngờ, yêu cầu thí sinh thay khẩu trang mới do điểm thi chuẩn bị.

    Nhấn mạnh mục tiêu của thành phố Hà Nội là tổ chức kỳ thi thành công ở mức cao nhất, bảo đảm cho cho kỳ thi diễn an toàn, minh bạch, chất lượng, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết hiện nay, công tác ra đề đang được triển khai đúng tiến độ và bảo đảm các yêu cầu của quy chế.

    Ông Trần Thế Cương đề nghị các phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ban Chỉ đạo thi của địa phương chịu trách nhiệm toàn bộ về việc tổ chức kỳ thi; phối hợp với các điểm thi chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh, an toàn, chống ùn tắc giao thông... Hiệu trưởng các trường Trung học Phổ thông chuẩn bị nhân sự tham gia coi thi, chấm thi; tổ chức học tập quy chế thi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và phối hợp với các phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Trung học Cơ sở chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nhất....

    Đối với các Trưởng điểm thi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu ngoài việc triển khai quy chế và các quy định liên quan tới kỳ thi cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi, xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, cần lưu ý xây dựng kế hoạch coi thi cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, kiểm soát và chủ động xử lý các tình huống phát sinh nhưng phải đúng quy chế.

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19/6 tới, với gần 107.000 thí sinh đăng ký dự thi.

    Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập 203 điểm thi với 4.550 phòng thi, chưa kể số điểm thi dự phòng để ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống phát sinh khác.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/coi-thi-vao-lop-10-o-ha-noi-thi-sinh-ngoi-lam-bam-trong-phong-thi-giam-thi-phai-nhin-thay-a541199.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Cảnh báo gian lận giao dịch điện tử: “Giao dịch khống” qua thẻ tín dụng

    Cảnh báo gian lận giao dịch điện tử: “Giao dịch khống” qua thẻ tín dụng

    Nhu cầu giao dịch thanh toán điện tử đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh bùng nổ thương mại điện tử. Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều ngân hàng đã tung ra các chính sách ưu đãi hoàn tiền chi tiêu cá nhân qua thẻ tín dụng cho khách hàng. Song nghịch lý là, gian lận giao dịch điện tử cũng gia tăng, bao gồm giao dịch khống qua thẻ tín dụng.