+Aa-
    Zalo

    Con trai bị bắt nạt ở trường, bà mẹ có cách xử lý độc lạ nhưng thu về kết quả cực bất ngờ

    • DSPL
    ĐS&PL Mỗi phụ huynh sẽ có các cách giúp con xử lý tình huống bị bắt nạt riêng,nhưng chưa ai hành động như bà mẹ này.

    Mỗi phụ huynh sẽ có các cách giúp con xử lý tình huống bị bắt nạt riêng, theo hướng tích cực thì báo với giáo viên, tiêu cực thì dạy con đánh lại nhưng chưa ai hành đông như bà mẹ này.

    Các cha mẹ có con đang trong độ tuổi tới trường dường như luôn thường trực một nỗi lo lắng rằng con sẽ bị bắt nạt. Bắt nạt học đường cũng không còn là vấn đề mới nhưng vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn từ mọi người. Mỗi người lại có một cách giải quyết khác nhau nhưng có lẽ chưa có ai dạy con làm bạn với kẻ bắt nạt như nữ nhà văn tự do Audra Rogers. 

    Dưới đây là toàn bộ bài chia sẻ của nữ nhà văn người Mỹ Audra Rogers được đăng tải trên trang Huffington Post. Bài viết của chị như một gợi ý cho các bậc phụ huynh, không chỉ trong việc xử lý tình huống con bị bắt nạt mà còn ở nhiều mặt khác.

    “Tôi biết về nhiều trường hợp các con đi học và bị bắt nạt nhưng tôi cũng thấy từ “bắt nạt” đang bị lạm dụng để mô tả những cuộc cãi vã giữa những đứa trẻ. Chúng ta hoàn toàn có thể để các con tự xử lý các vấn đề của mình.

    Bà mẹ người Mỹ khuyến khích con kết bạn với người bắt nạt mình và nhận được cái kết đầy ngọt ngào. Ảnh minh họa

    Giống như các bà mẹ khác, tôi cũng đau lòng khi biết con bị bắt nạt, muốn thay con giải quyết mọi việc. Tuy nhiên, nếu tôi luôn can dự vào và xử lý giúp con những mâu thuẫn và xung đột trong cuộc sống, con dần dần sẽ hình thành suy nghĩ ỷ lại vào mẹ, mong đợi mẹ giải quyết tất cả những khó khăn mình gặp phải.

    Tôi không muốn con trai mình luôn sống trong sự bảo bọc của tôi như vậy. Tôi thực lòng không hy vọng con sẽ sống dưới cái bóng của mình. Vậy nên, dù thương con rất nhiều, tôi vẫn để con học cách tự xử lý những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống của mình.

    Sau khi nghe kể chi tiết về câu chuyện xảy đến trong năm học đầu tiên của con, tôi tự tin rằng con có thể xử lý tốt mà không cần có tôi.

    Một vài lần, tôi được nghe kể về một cậu bé thường bị nhiều bạn học mô tả là “đứa trẻ xấu tính”. Nhưng tôi cho rằng một đứa trẻ không bao giờ trở nên như vậy nếu được sống trong một môi trường lành mạnh. Chắc chắn phải có điều gì đó đã xảy ra xung quanh cuộc sống của cậu bé này, chẳng hạn như bạo lực gia đình. Tôi không biết về gia đình của cậu bé nhưng trái tim tôi hướng về cậu.

    Mặc dù sự an toàn của con trai tôi luôn là ưu tiên hàng đầu nhưng tôi cảm thấy cậu bé đó hành động như vậy là do thiếu bạn chơi chung. Bằng chứng là cuộc xung đột giữa con trai tôi và cậu bé đó xuất phát từ việc tranh giành xem ai là bạn thân nhất của một cậu bạn trong lớp.

    Do đó, tôi khuyến khích con trai kết bạn với người đang bắt nạt mình bằng cách rủ cậu bé đó tham gia vào các trò chơi trong giờ giải lao. Sau một vài ngày thử làm việc đó, con trai tôi và cậu bé đã trở thành bạn của nhau từ đó. Hai đứa bắt đầu đi học cùng nhau trên chiếc xe buýt đưa đón của nhà trường, cùng nhau chơi đùa với những đứa trẻ khác.

    Tôi có thể nhìn thấy sự phấn khích trên gương mặt của những cậu bé khác khi chiếc xe buýt chạy tới nhà tôi, chứng kiến hai đứa bạn từng đánh nhau trở nên thân thiết. Tôi cảm thấy mình đã đúng khi cho con kết bạn với một “đứa trẻ xấu tính” bởi tôi tin rằng hành động của trẻ con chỉ đơn giản là học theo hoàn cảnh.

    Tờ giấy được cậu bạn chuyên bắt nạt lúc trước gửi cho con trai của nữ nhà văn Audra Rogers. Ảnh: Audra Rogers

    Dĩ nhiên tôi biết rằng mình không thể giải quyết hết được mọi vấn đề nhưng tôi nghĩ sự tham dự của cha mẹ và nhà trường trong một số trường hợp như con trai tôi thường sẽ khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. Cha mẹ hoàn toàn có thể can dự vào khi con bị bắt nạt nhưng nếu trong trường hợp trẻ có thể tự giải quyết được thì hãy để chúng tự mình xử lý.  

    Nói về tình bạn mới của con trai tôi, sau một vài tuần làm bạn, cậu bé đó đã viết một lời nhắn và gửi cho cậu nhóc nhà tôi khi ở trên xe buýt. Lời nhắn chỉ vỏn vẹn 6 chữ: Cậu là bạn thân của tớ. Đọc mẩu giấy ghi lời nhắn ấy, tôi suýt bật khóc. Đứa trẻ đó thực sự cần một người bạn, tôi đã đúng khi khuyến khích con trai kết bạn với cậu bé.

    Nếu tình bạn của hai đứa ngày càng sâu sắc và gắn bó hơn, chúng sẽ học được cách giải quyết các vấn đề xảy ra trong các mối quan hệ khác trong tương lai. Bây giờ, tôi cảm tháy rất vui khi có thể giúp hai đứa trẻ từng là địch thủ của nhau xây dựng một tình bạn thật đẹp”.

    Đúng như chị Audra chia sẻ, thay vì cố gắng bảo bọc con chu toàn, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người hướng dẫn, đồng thời để con trẻ tự mình giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống. Nhờ vậy, con sẽ rèn luyện được tính tự lập và quyết đoán.

    Đinh Kim (Theo Huffpost)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-trai-bi-bat-nat-o-truong-ba-me-co-cach-xu-ly-doc-la-nhung-thu-ve-ket-qua-cuc-bat-ngo-a349354.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan