+Aa-
    Zalo

    Con trai ông Trần Bắc Hà bị truy nã: Hé lộ cách thức khoản tiền hơn 10 triệu USD "tuồn" ra nước ngoài

    • DSPL
    ĐS&PL Cơ quan chức năng đã phong tỏa ngăn chặn giao dịch 10% vốn góp của Công ty SHH Viêng Chăn tại LaoVietBank (10,4 triệu USD) liên quan đến ông Trần Duy Tùng.

    Cơ quan chức năng đã phong tỏa ngăn chặn giao dịch 10% vốn góp của Công ty SHH Viêng Chăn tại LaoVietBank (10,4 triệu USD) liên quan đến ông Trần Duy Tùng để phục vụ công tác điều tra.

    Ông Trần Bắc Hà. Ảnh: Thanh Niên

    Cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an mới hoàn tất Kết luận điều tra số 22/CSKT-P13 và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị truy tố đối với 12 bị can về các tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng," "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng.

    Trong số các bị can này có Trần Duy Tùng (SN 1985), con trai của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV), là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn An Phú. Trần Duy Tùng bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đồng phạm với Tùng là Thái Thành Vinh. Tuy nhiên do Trần Duy Tùng bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế.

    Liên quan đến sai phạm gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng tại BIDV, với vai trò là Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Trần Bắc Hà đã tạo điều kiện cho con trai mình là Trần Duy Tùng góp vốn sai quy định vào Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank, ngân hàng có trụ sở tại Lào).

    Trần Duy Tùng cùng một số người có liên quan đã đầu tư trái phép 10 triệu USD vào LaoVietBank. 

    Cụ thể, theo điều tra, ngày 22/9/2015, Tập đoàn An Phú được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài để thành lập liên doanh Công ty SHH Viêng Chăn với số vốn đầu tư ra nước ngoài là hơn 13,4 triệu USD (hơn 293 tỷ đồng, tương đương 49% vốn điều lệ).

    Theo kết luận điều tra số 22/CSKT-P13 ngày 18/3/2020, Công ty SHH Viêng Chăn được Thủ tướng Chính phủ Lào, Ngân hàng Trung ương Lào, bộ Tài chính và 2 thành viên liên doanh là BIDV và Ngân hàng Công thương Lào đồng ý phê duyệt cho tham gia liên doanh tại LaoVietBank.

    Tuy nhiên, công ty này không trực tiếp góp tiền vốn mà thông qua Công ty Outhid Houng Heung. Ngày 1/7/2015, Công ty Outhid Houng Heung chuyển 81,5 tỷ LAK là 10% vốn điều lệ của LaoVietBank (tương đương 10 triệu USD) vào tài khoản vốn điều lệ của LaoVietBank mở tại Ngân hàng Trung ương Lào (BOL) cho Công ty SHH Viêng Chăn.

    Theo điều tra, Công ty Outhid Houng Heung là do Trần Anh Quang thành lập dưới sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng. Toàn bộ số tiền 10 triệu USD (tương đương 81,5 tỷ đồng vào thời điểm đó) này đã được xác nhận là tiền của Trần Duy Tùng, mượn danh nghĩa Công ty Outhid Houng Heung chuyển cho Công ty SHH Viêng Chăn để góp vốn vào LaoVietBank.

    Từ khi SHH Viêng Chăn chuyển đủ tiền góp vốn đến nay đã được LaoVietBank chuyển tiền chia cổ tức 3 lần, với tổng số tiền là 2.332.500USD.

    Toàn bộ cổ tức trị giá hơn 2,3 triệu USD mà LaoVietbank trả cho Công ty SHH Viêng Chăn do Trần Duy Tùng là người quản lý và sử dụng cá nhân, không chuyển về nước theo quy định điều 65 luật Đầu tư năm 2014.

    Cơ quan điều tra xác định, việc Tập đoàn An Phú xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài thành lập liên doanh là Công ty SHH Viêng Chăn, thực hiện góp vốn vào LaoVietbank là để hợp thức hoá và che giấu hành vi đầu tư 10,4 triệu USD ra nước ngoài của Trần Duy Tùng và một số cá nhân có liên quan.

    Theo Cơ quan điều tra, hành vi nộp trái phép 10,4 triệu USD của Tùng và Vinh có dấu hiệu của tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa tiền tệ qua biên giới hoặc Rửa tiền theo quy định tại khoản 3 điều 189 và khoản 3 điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

    Viện KSND thủ đô Viêng chăn (Lào) đã có văn bản phong tỏa ngăn chặn giao dịch 10% vốn góp của Công ty SHH Viêng Chăn tại LaoVietBank để chờ phán quyết của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

    Cơ quan điều tra, Bộ Công an đã tách hành vi này ra khỏi vụ án, khi nào bắt được Tùng và Vinh sẽ điều tra, xử lý sau.

    Theo kết luận điều tra, 8 bị can bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:

    1. Trần Lục Lang (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách quản lý rủi ro tín dụng của BIDV);

    2. Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV);

    3. Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh);

    4. Lê Thị Vân Anh, (nguyên Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV- Chi nhánh Hà Tĩnh);

    5. Nguyễn Xuân Giáp (Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành);

    6. Phạm Hồng Quang (Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV - Chi nhánh Hà Thành);

    7. Đặng Thanh Nam, (nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV - Chi nhánh Hà Thành);

    8. Ngô Duy Chính, (nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Thăng Long).

    Cơ quan Cảnh sát điều tra đề nghị truy tố 4 bị can tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm:

    1. Trần Anh Quang (Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà)

    2. Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà)

    3. Đoàn Hồng Dũng (Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp I BIDV - Chi nhánh Hà Thành)

    4. Nguyễn Thị Thanh Sơn (Giám đốc Công ty Hà Nam)

    Bạch Hiền

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/con-trai-ong-tran-bac-ha-bi-truy-na-he-lo-cach-thuc-khoan-tien-hon-10-trieu-usd-tuon-ra-nuoc-ngoai-a317253.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan