Công bố lịch trình của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại châu Âu


Thứ 5, 09/06/2022 | 08:45


Cùng sự kiện

Tổng thống Joe Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu vào cuối tháng này.

Ngày 8/6, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 tại Đức ngày 25/6.

Lãnh đạo các nước G7 sẽ thảo luận một loạt vấn đề toàn cầu bao gồm sự ủng hộ của nhóm G7 đối với Ukraine, khả năng phục hồi kinh tế, ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, hạ tầng phát triển, an ninh y tế toàn cầu, và cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Sau đó, ông Biden sẽ tới Madrid, thủ đô của Tây Ban Nha ngày 28/6 để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.

Các bên sẽ thông qua một khái niệm chiến lược mới làm chỉ dẫn cho quá trình chuyển đổi NATO trong 10 năm tới, đó là chuyển từ củng cố răn đe và phòng vệ tới xây dựng khả năng phục hồi chống lại các mối đe dọa xuyên quốc gia bao gồm khí hậu và mạng Internet; làm sâu rộng quan hệ với các đối tác dân chủ ở châu Âu và châu Á nhằm củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Tin thế giới - Công bố lịch trình của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại châu Âu
Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Trước đó, trong một diễn biến khác, ngày 6/6, thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang xem xét kế hoạch thăm Saudi Arabia và chưa có thay đổi nào được đưa ra.

Cụ thể, bà Karine Jean-Pierre nêu rõ chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Israel và Saudi Arabia, nếu được thực hiện, sẽ là nhằm mục đích mang lại những lợi ích cho người dân Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Bà Jean-Pierre nhấn mạnh: "Nếu Tổng thống xác định việc tiếp xúc với một nhà lãnh đạo nước ngoài có lợi cho nước Mỹ và sự tiếp xúc đó mang lại kết quả thực sự thì Tổng thống sẽ thực hiện điều đó."

Nếu thành công, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Biden tới cả Israel và Saudi Arabia.

Quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia rạn nứt sau khi cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman có liên quan vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại năm 2018.

Tuy nhiên, gần đây, quan hệ song phương được cho là dần cải thiện sau khi Saudi Arbia đồng ý tăng sản lượng dầu để góp phần kiềm chế giá năng lượng tăng cao cũng như giảm thiếu hụt nguồn cung và ủng hộ gia hạn thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc chiến ở Yemen - hai vấn đề ưu tiên đối với ông Biden.

Mộc Miên (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-bo-lich-trinh-cua-tong-thong-my-joe-biden-tai-chau-au-a540424.html