+Aa-
    Zalo

    Cộng điểm trung bình lớp 12, liệu có phát sinh tiêu cực mới?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết, việc đưa điểm trung bình lớp 12 vào điểm tốt nghiệp cũng có thể tạo ra sự dễ dãi của giáo viên khi cho điểm học sinh năm học cuối cấp. Như vậy tiêu cực có thể sẽ xảy ra.

    (ĐSPL) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố các môn thi tốt nghiệp THPT với những đổi mới. Học sinh chỉ thi 4 môn và cộng điểm trung bình lớp 12 tạo đối trọng 50/50 để tính điểm tốt nghiệp. Mặc dù có giảm tải cho học sinh nhưng cũng có "cửa" nảy sinh tiêu cực mới.
    Cộng điểm trung bình lớp 12, liệu có phát sinh tiêu cực mới?
     Học sinh THPT sẽ bớt áp lực hơn trong kỳ thi tốt nghiệp.
    Giảm áp lực cho học sinh
    Năm nay học sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn, trong đó Ngữ văn, Toán là hai môn thi bắt buộc, còn lại học sinh được lựa chọn hai môn thi trong số các môn học Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý và Ngoại ngữ. Kết quả thi 4 môn này và điểm trung bình của lớp 12 sẽ được cộng lại theo trọng số 50/50 để xét công nhận và xếp loại thi tốt nghiệp.
    Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc rút số môn thi từ 6 môn xuống còn 4 môn, đồng thời đưa Ngoại ngữ vào môn tự chọn là phương pháp giảm bớt áp lực thi cử cho thí sinh. Còn việc lấy kết quả trung bình các môn học của lớp 12 kết hợp với trung bình điểm thi tốt nghiệp để đánh giá xếp loại thi tốt nghiệp là cách để đảm bảo học sinh không học lệch khi rút bớt các môn thi tốt nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng vừa yêu cầu các trường phải hoàn tất việc nhập dữ liệu kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trước khi kỳ thi diễn ra, để tránh việc có thể chữa điểm, đảm bảo công bằng giữa các thí sinh.
    Chia sẻ vấn đề này, GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: "Việc giảm từ 6 môn thi tốt nghiệp xuống chỉ còn 4 môn giúp làm giảm nhẹ áp lực thi cử đối với các em học sinh. Và điều đặc biệt là, bên cạnh hai môn thi bắt buộc Ngữ văn và Toán, các em có quyền lựa chọn hai môn thi phù hợp với khả năng của chính mình, đây là một lợi thế cho học sinh”.
    "Tôi cho rằng đây là sự tiến bộ lớn của ngành giáo dục nhằm hướng tới một kỳ thi đúng nghĩa, hoàn thiện hơn, chính xác hơn", GS. Văn Như Cương nói.
    Cô giáo Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Thầy và trò nhà trường chúng tôi rất hào hứng trước quyết định về môn thi và cách tính điểm tốt nghiệp của bộ Giáo dục và Đào tạo. Với môn tự chọn, hầu hết các em đều sẽ chọn môn thi trùng với môn trong khối thi đại học mà các em sẽ dự thi. Theo tôi, cách thức công nhận xếp loại thi tốt nghiệp như quy định mới của bộ Giáo dục và Đào tạo là cách đánh giá mang tính toàn diện đối với học sinh".
    Trước những thay đổi, học sinh cũng tìm cách thích ứng nhanh. Nhiều học sinh chọn thi khối D sẽ chọn môn Ngoại ngữ. Thay vì thi trắc nghiệm như những năm trước, thì các em sẽ phải luyện sang dạng tự luận. Và việc tự chọn môn thi sẽ khiến không ít trường lúng túng bố trí địa điểm và giáo viên khi có nhiều lớp ôn thi vì sự lựa chọn của học sinh sẽ đa dạng hơn.
    Việc rút môn thi là tiến bộ trong thi cử của ngành giáo dục, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói: "Đứng về phía đơn vị tổ chức thi là bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nhẹ việc hơn. Vì anh vẫn phải tổ chức ra đề, chấm thi nhiều môn. Đứng về công tác quản lý Nhà nước vẫn vất vả, nhưng điểm được là học sinh sẽ giảm bớt áp lực".
    Dễ phát sinh tiêu cực mới?
    Ủng hộ chủ trương giảm các môn thi tốt nghiệp THPT, tuy nhiên, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Việc đưa điểm trung bình lớp 12 vào điểm tốt nghiệp cũng có thể tạo ra sự dễ dãi của giáo viên khi cho điểm học sinh năm học cuối cấp. Như vậy tiêu cực có thể sẽ xảy ra. Nhưng dù sao, sự rủi ro do cơ chế thi cử mới đem lại cũng chiếm phần nhỏ thôi. Bởi vì, học sinh vẫn phải thi 4 môn, điểm thi này vẫn chiếm 50\% tổng điểm tốt nghiệp. Thực tế, để hạn chế tiêu cực thì trong quá trình thực hiện bộ Giáo dục và Đào tạo phải đề cao công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm phải kiên quyết xử lý. Nếu chúng ta sợ tiêu cực mà không dám đổi mới thi cử thì cũng không đúng".
    Băn khoăn của nhiều người về chất lượng năm học cuối cấp học sinh được giáo viên nới tay, cho điểm cao cũng có cơ sở. Bởi lẽ, thi tốt nghiệp có sự đổi chéo giáo viên các trường từ khâu trông thi, chấm thi. Mặc dù vẫn còn tiêu cực xảy ra nhiều nơi nhưng tính khách quan, sự nương tay vẫn không thể tràn lan. Nhưng điểm trung bình lớp 12 được đưa vào tính điểm tốt nghiệp thì các giáo viên trong trường có thể tự ý cho điểm cao, nâng điểm cho học sinh từ đầu năm. Nhiều chuyên gia cũng lo ngại, điểm thi các môn tốt nghiệp trung bình 5 điểm là đỗ nhưng với cách tính mới này, nếu điểm trung bình lớp 12 cao thì có thể 3 điểm thi cũng vẫn đỗ tốt nghiệp.
    Việc lo lắng này cũng có cơ sở, bởi có trường học sinh giỏi rất nhiều, nhưng khi kiểm tra chất lượng thì số điểm 0, điểm 1 có đến "cả rổ". Ở đây điểm số không phản ánh chất lượng mà nó được "phù phép" nhằm chạy theo thành tích. Nhìn nhận thực tế này, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Khi phát hiện ra sự vênh nhau giữa điểm thi và điểm trung bình lớp 12 quá mức thì chúng ta có thể tiến hành cho kiểm tra sát hạch để đánh giá chất lượng. Nếu trường nào đó không chứng minh, không bảo vệ được số điểm cao trong năm học cuối cấp của học sinh thì Ban giám hiệu nhà trường, giáo viên sẽ phải chịu kỷ luật. Chỉ khi chúng ta làm kiên quyết như vậy mới chấn chỉnh được gian lận trong thi cử".
    Cũng theo ông Thuyết, chỉ tính điểm lớp 12 vào điểm tốt nghiệp thôi thì chưa đủ nói lên quá trình học THPT của học sinh. "Tôi cho rằng cần có thay đổi, ngành giáo dục nên quy định lấy điểm trung bình của cả 3 năm học nhằm tổng kết toàn bộ quá trình học tập từ lớp 10,11 và 12. Khi diện được mở rộng hơn thì  sẽ làm cho học sinh phải học tập một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, trong quá trình học có thể có thầy cô dễ dãi khi cho điểm số, thì lại có thầy cô nghiêm túc. Khi mở rộng thì sự dễ dãi ấy sẽ không ảnh hưởng nhiều trong quá trình tính điểm tốt nghiệp. Rõ ràng, khi ta mở rộng diện thì sự rủi ro, tiêu cực sẽ ít đi. Điểm số không nói lên tất cả nhưng có phần phản ánh chất lượng giáo dục", ông Thuyết khẳng định.   
    Không thể bỏ thi tốt nghiệp THPT
    Trước nguồn ý kiến cho rằng nếu đưa điểm trung bình năm học lớp 12 vào tính điểm đỗ tốt nghiệp THPT thì bộ Giáo dục và Đào tạo nên bỏ kỳ thi này. Tuy nhiên, GS. Nguyễn Minh Thuyết lại không đồng tình, ông cho rằng: "Bây giờ mà bỏ thi tốt nghiệp THPT thì không được vì đã học phải có thi. Tôi lấy ví dụ, ngay người lớn chúng ta bỏ tiền đi học thêm Ngoại ngữ nếu không có thi, không kiểm tra thì việc học cũng lơ là luôn. Chính vì vậy có học là phải tổ chức thi. Hơn nữa, hiện nay ngành giáo dục đã dỡ bỏ các kỳ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS nếu bỏ nốt kỳ thi tốt nghiệp THPT thì chất lượng giáo dục sẽ tụt dốc ngay. Trong tương lai sẽ dùng điểm số tốt nghiệp THPT để làm cơ sở xét tuyển, ghi danh vào các trường đại học, cao đẳng. Vì vậy cần phải tổ chức thi".

    Minh Khánh
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-diem-trung-binh-lop-12-lieu-co-phat-sinh-tieu-cuc-moi-a23987.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan