+Aa-
    Zalo

    Nghề mukbang ở Trung Quốc đang đến "đường cùng", video "ăn thùng uống vại" bị xem xét "tuýt còi"

    ĐS&PL Tại Trung Quốc, những video “ăn thùng uống vại” trong trào lưu mukbang đã trở thành mục tiêu đầu tiên bị tẩy chay và lên án mạnh mẽ.

    Tại Trung Quốc, những video “ăn thùng uống vại” trong trào lưu mukbang đã trở thành mục tiêu đầu tiên bị tẩy chay và lên án mạnh mẽ.

    Mukbang (vừa ăn vừa quay video) rất thịnh hành trong những năm qua. Những người làm video mukbang được ví von là "có cái dạ dày khổng lồ".

    Trung Quốc là nơi đón đầu làn sóng này rất mạnh mẽ, khi ấy những ngôi sao mạng xã hội có thể nổi tiếng chỉ nhờ việc ăn và ăn. Ngày càng có nhiều người theo đuổi trào lưu này, thậm chí còn trở thành một nghề (mukbangers).

    Trung Quốc có những ngôi sao mạng xã hội rất nổi tiếng nhờ tài ăn uống và hiệu ứng đã mắt, đã tai khi ăn (ASMR) như: Dạ dày Vương Đa Đa, Mật Tử Quân, Thầy Lãng… Thậm chí họ còn nổi tiếng ngang ngửa giới nghệ sĩ.

    Từ một trào lưu ăn uống trở thành mối nguy hại cho toàn xã hội Trung Quốc.

    Theo dự thảo luật được đệ trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc vào ngày 22/12, "các video quay cảnh con người ăn nhiều thức ăn một cách vô lý" có thể sớm bị coi là bất hợp pháp, Sixth Tone đưa tin.

    Dự thảo luật đề xuất những người sản xuất nội dung truyền thông quảng bá việc ăn quá nhiều sẽ bị phạt nặng tới 100.000 nhân dân tệ (15.300 USD) và đình chỉ hoạt động kinh doanh.

    Video ăn uống vô độ, hay còn gọi là mukbang, là một hình thức giải trí trực tuyến phổ biến tại Trung Quốc cho đến khi chính phủ nước này công bố tái khởi động chiến dịch "Clean Plate 2.0" nhằm tiết kiệm thực phẩm, không để thức ăn thừa vào tháng 8.

    Một tháng sau đó, Cơ quan giám sát Internet Trung Quốc đã xóa 13.600 video ngắn và tài khoản livestream vì vi phạm chính sách chống lãng phí thực phẩm của chính phủ.

    Dự thảo luật hiện tại còn bao gồm điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ ăn uống nhắc nhở thực khách tránh lãng phí thực phẩm và tích cực ngăn cản mọi người gọi nhiều món hơn mức họ có thể ăn.

    Theo đó, các nhà hàng nên cung cấp nhiều khẩu phần ăn khác nhau và được phép tính phí nếu khách hàng bỏ thừa thức ăn.

    Dự thảo kêu gọi các cơ quan chính quyền địa phương công khai thông tin về các chiến dịch chống lãng phí thực phẩm của họ hàng năm, đồng thời thắt chặt hơn nữa các quy định về tiệc chiêu đãi do cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước tổ chức.

    Vào tháng 10, “chống lãng phí và trân trọng thực phẩm” cũng được viết trong bản sửa đổi luật bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc. Luật này nói rằng trẻ em nên được dạy không được lãng phí thức ăn.

    Ngoài chống lãng phí, "Clean Plate 2.0" còn giúp giảm bớt căng thẳng cho các cơ sở xử lý chất thải thực phẩm của Trung Quốc. 

    Được biết, năm 2015, ngành công nghiệp ăn uống đô thị của Trung Quốc đã lãng phí từ 17-18 triệu tấn thực phẩm, đủ để cung cấp thức ăn cho 30-50 triệu người trong một năm, theo đài CCTV đưa tin.

    Ban đầu, mukbang là một ngành nghề “hái ra tiền”, được ưa thích ở Trung Quốc nhưng vì sự biến tướng của một bộ phận đã khiến những người làm nghề chân chính bị thế chỗ. “Bộ mặt” của mukbang xứ Trung trở nên phản cảm, khiên cưỡng và có những hệ luỵ tiêu cực: Náo loạn ngành công nghiệp, thất thoát lương thực, tác động xấu đến sức khoẻ xã hội…

    Chiến dịch “Clean Plate 2.0” đang được hưởng ứng mạnh mẽ, dự báo đẩy ngành mukbang công nghiệp Trung Quốc đến “đường cùng” trong tương lai không xa.

    Việt Hương (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-mukbang-o-trung-quoc-dang-den-duong-cung-video-an-thung-uong-vai-bi-xem-xet-tuyt-coi-a350307.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan