+Aa-
    Zalo

    Công khai danh tính cán bộ nộp tiền tỷ "chống trượt" cao học

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Sở GD&ĐT Thanh Hoá vừa có kết luận thanh tra vụ việc 40 học viên nộp tiền “chống trượt” thi đầu vào cao học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

    (ĐSPL) - Liên quan đến vụ việc 40 học viên nộp tiền “chống trượt” thi đầu vào cao học tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên (TTGDTX) tỉnh Thanh Hóa với số tiền lên đến 1,08 tỷ đồng, Sở GD&ĐT Thanh Hoá vừa có kết luận thanh tra về vụ việc này.

    Thanh Hóa công khai danh tính cán bộ mua đầu vào Cao học
    TTGDTX tỉnh Thanh Hóa nơi xảy ra vụ việc nghiêm trọng.

    Trước vụ việc 40 học viên nộp tiền “chống trượt” thi Cao học ngành Quản lý kinh tế (QLKT) vào Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 5/6/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 4575 về việc tiếp tục thanh tra, xử lý sai phạm tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa.

    Theo đó, Sở GD&ĐT đã thành lập đoàn thanh tra tổ chức kiểm tra, xác minh. Theo kết quả kiểm tra, xác minh việc tổ chức ôn thi Cao học QLKT thì 3 cán bộ phòng Quản lý đào tạo (QLĐT) của TTGDTX gồm các ông Bùi Sỹ Hồng - Trưởng phòng QLĐT, Lê Trọng Sơn - Phó trưởng phòng QLĐT và bà Lê Thị Liên đã cấu kết tham gia tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên, nhằm giúp học viên đạt kết quả cao trong kỳ thi cao học.

    Tại biên bản Thanh tra cụ thể được biết, ông Bùi Sỹ Hồng và ông Lê Trọng Sơn cùng với các học viên tổ chức ôn thi, không báo cáo lãnh đạo Trung tâm về chương trình, kế hoạch thực hiện, mời giảng viên, lệ phí ôn thi.

    Bà Lê Thị Liên tham gia quản lý lớp từ ngày 28/8/2013. Tuy nhiên, trong quá trình ôn thi, lãnh đạo TTGDTX có biết lớp ôn thi tại Trung tâm.

    Theo đó, để đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh Cao học QLKT, các học viên đã nhờ ông Hồng và ông Sơn tìm kiếm người giúp đỡ. Sau đó, ông Sơn trao đổi với bà Liên tìm người để đấu mối và bà Liên đã nhờ một người bạn ở Hà Nội giới thiệu ông Tuấn giúp. Việc triển khai thu mỗi học viên 27 triệu đồng, được thống nhất của các học viên, có sự đồng ý và chứng kiến của ông Hồng, ông Sơn tại TTGDTX.

    Từ khi nhận và giữ tiền (ngày 16/8 - 14/9/2013 trước khi thi), bà Liên không liên hệ được người giúp, nhưng lại không trả lại tiền cho học viên trước khi thi (ông Bùi Sỹ Hồng và ông Lê Trọng Sơn đều biết).

    Khi có kết quả thi, chỉ có 7/40 người đỗ, học viên kéo đến TTGDTX yêu cầu 3 cán bộ Phòng QLĐT trả lại tiền. Trước tình hình đó, ông Hồng đã chỉ đạo ông Sơn và bà Liên trả lại tiền cho 40 học viên qua 2 đợt: Đợt 1 vào ngày 23/10/2013 cho 31 học viên có tổng điểm thi của 3 môn dưới 11 điểm; đợt 2 vào ngày 5/11/2013 cho 9 học viên còn lại (trong đó có 7 học viên trúng tuyển).

    Theo kết quả thanh tra, các ông Hồng, Sơn cùng 40 học viên đứng ra tổ chức ôn thi, không báo cáo lãnh đạo Trung tâm về chương trình, kế hoạch thực hiện, tự mời giảng viên ôn thi, có sự tham gia của bà Liên từ ngày 28/8/2013, đã vi phạm vào Luật viên chức về nghĩa vụ của viên chức. Việc thu, nhận tiền của 40 học viên, 3 cán bộ Phòng QLĐT tổ chức đấu mối, nhận và giữ số tiền 1,08 tỷ đồng của 40 học viên gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo và ngành GD&ĐT Thanh Hóa. Trách nhiệm này thuộc về ông Hồng, ông Sơn và bà Liên - Phòng QLĐT.

    Trong quá trình ôn thi, lãnh đạo TTGDTX thiếu kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của 3 cán bộ Phòng QLĐT, đã vi phạm vào Luật viên chức về nghĩa vụ của viên chức quản lý. Trách nhiệm này thuộc về tập thể lãnh đạo TTGDTX; Để 3 cán bộ tổ chức đấu mối, nhận, giữ tiền của 40 học viên. Trách nhiệm này thuộc về ông Đào Phan Thắng - Giám đốc, là thủ trưởng cơ quan và ông Trần Văn Hạnh, Phó giám đốc, phụ trách phòng QLĐT.

    Đối với 40 học viên tham gia đóng góp, nộp tiền cùng với 3 cán bộ phòng QLĐT tổ chức ôn thi cao học đã gây hậu quả nghiêm trọng. Trách nhiệm này thuộc về 40 học viên của các cơ quan, đơn vị tham gia thi tuyển sinh Cao học ngành QLKT.

    Thanh Hóa công khai danh tính cán bộ mua đầu vào Cao học
    Danh sách 40 học viên tham gia mua đầu vào lớp cao học tại TTGDTX tỉnh Thanh Hóa.

    Những sai phạm nghiêm trọng trên của 3 cán bộ phòng QLĐT đã được làm rõ. Đồng thời, cũng đưa ra hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với ông: Bùi Sỹ Hồng và bà Lê Thị Liên; hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Lê Trọng Sơn.

    Tuy nhiên, qua xác minh của đoàn thanh tra, bản tự kiểm điểm của 3 cán bộ Phòng QLĐT còn sơ sài, chung chung; nhận thức chưa sâu sắc và đầy đủ về khuyết điểm, sai phạm.

    Tại biên bản họp Hội đồng kỷ luật (HĐKL), việc góp ý của các thành viên trong HĐKL chưa thể hiện rõ những khuyết điểm sai phạm của từng cá nhân để giúp các viên chức sai phạm có hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm. HĐKL chưa quán triệt sâu sắc Luật viên chức, Nghị định số 27/2012NĐ-CP ngày 6/4/2012 của Chính phủ nên chưa có sự thống nhất trong việc bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật đối với từng viên chức sai phạm.

    Việc đề nghị hình thức kỷ luật đối với ông Bùi Sỹ Hồng là không đúng quy định. Đồng thời, việc thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng kỷ luật (HĐKL) đối với 3 cán bộ phòng QLĐT sai phạm chưa đúng quy định…

    Cũng tại kết luận, đoàn thanh tra cũng đưa ra kiến nghị và biện pháp xử lý: Đối với lãnh đạo TTGDTX, kiểm điểm trách nhiệm để xảy ra những thiếu sót, sai phạm tại đơn vị. Hủy bỏ quyết định số 269, 270 và 271/QĐ-TTGDTX-HC về việc xử lý kỷ luật đối với 3 cán bộ Phòng QLĐT do Giám đốc TTGDTX ký ngày 18/12/2013; yêu cầu TTGDTX tổ chức xét kỷ luật 3 cán bộ trên theo đúng Nghị định 27 của Chính phủ, báo cáo Sở GD&ĐT trước ngày 10/8/2014.

    Đoàn thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị có cán bộ tham gia nộp tiền để ôn và thi Cao học ngành QLKT tổ chức kiểm điểm, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

    Trước đó, tại buổi họp báo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Vương Văn Việt đã nêu rõ quan điểm: “Những sai phạm tại TTGDTX tỉnh đã rõ ràng. Ngay khi có kết luận điều tra phải tiến hành kỷ luật nghiêm tùy mức độ vi phạm của từng cá nhân. Nếu cá nhân nào vi phạm nghiêm trọng sẽ dùng hình thức kỷ luật cao nhất (như cách chức). Đối với học viên tham gia nộp tiền “chống trượt” là viên chức, cán bộ cũng phải bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật”.                                                              

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-khai-danh-tinh-can-bo-nop-tien-ty-chong-truot-cao-hoc-a45704.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Thanh tra chùa Bồ Đề: Sư trụ trì Đàm Lan nói gì?

    Thanh tra chùa Bồ Đề: Sư trụ trì Đàm Lan nói gì?

    (ĐSPL)– "Nhiều khi người già hay trẻ nhỏ đến xin ở nhờ hay bỏ ngoài cổng chùa, nếu không nhận thì thấy rất tội", sư Đàm Lan nói sau khi Hà Nội thanh tra toàn diện chùa Bồ Đề- nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em.