Tin tức công nghệ mới nóng nhất hôm nay 15/4: Lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng nếu tiếp tục dùng Zoom


Thứ 4, 15/04/2020 | 01:35


Cùng sự kiện

Lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng nếu tiếp tục dùng Zoom; Mẫu iPhone Pro sẽ có thiết kế đột phá, hoàn toàn mới,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay

Lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng nếu tiếp tục dùng Zoom; Mẫu iPhone Pro sau sẽ có thiết kế đột phá, hoàn toàn mới,... là những tin tức công nghệ mới nóng nhất trong ngày hôm nay 15/4/2020.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không nên tiếp tục dùng Zoom

Hiện nay, một trong những phần mềm phổ biến trong họp, dạy học trực tuyến là Zoom. Tuy nhiên phần mềm này lại đang có khá nhiều vấn đề về bảo mật. Gần đây nhất, dữ liệu của hơn 500.000 tài khoản Zoom với email, mật khẩu, đường dẫn các cuộc họp đã bị lộ.

Trong ngày 14/4, Cục An toàn thông tin – bộ Thông tin và Truyền thông đã phát đi cảnh báo về nguy cơ từ phần mềm này.

Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng cục An toàn thông tin cho biết: “Zoom đang sử dụng chuẩn mã hóa dữ liệu đầu – cuối kém. ID của các cuộc họp có thể dễ dàng bị tin tặc dò quét”.

Nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã được xác định từ đầu năm 2020. Thông qua những lỗ hổng trên, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc trực tiếp trên máy tính người dùng.

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng, cục An toàn thông tin khuyến cáo: “Các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác cân nhắc cẩn thận khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom cho các hoạt động học trực tuyến, trao đổi trực tuyến hoặc các tổ chức hội họp khác.”

Với nhu cầu học, họp từ xa, người dùng chỉ nên tải phần mềm từ các nguồn chính thống và cập nhật liên tục phiên bản mới. Bên cạnh đó là không chia sẻ thông tin về phòng họp như ID, mật khẩu để tránh bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại.

Ngoài ra với các dịch vụ họp trực tuyến, người dùng nên đặt mật khẩu phức tạp, kích hoạt chế độ bảo mật cao nhất cho họp trực tuyến.

Cục cũng đề xuất sử dụng các dịch vụ họp, học trực tuyến của các doanh nghiệp có uy tín trong nước cung cấp.

Mẫu iPhone Pro tiếp theo sẽ có thiết kế đột phá, hoàn toàn mới

Dòng iPhone 11 hiện tại. Ảnh: Cnet

Mẫu iPhone hàng đầu tiếp theo của Apple có thể sẽ có thiết kế mang tính đột phá, hoàn toàn mới. Theo Bloomberg, dòng iPhone Pro mới sẽ có thiết kế trông giống với dòng iPad hiện tại, đặc biệt là sử dụng khung máy với các cạnh thép phẳng như trên iPad Pro.

Dẫn các nguồn thạo tin với kế hoạch ra iPhone, Bloomberg cho biết Apple sẽ chọn một khung cạnh phẳng bo quanh màn hình, trái ngược với thiết kế bo tròn trong các mẫu hiện tại.

Ngoài ra, Bloomberg xác nhận lại sẽ có hai mẫu iPhone Pro, đi kèm với 5G.

Mẫu cao cấp lớn nhất thường được gọi là "Max," sẽ lớn hơn một chút so với iPhone 11 Max hiện tại có màn hình kéo dài khoảng 6,5 inch.

Các mẫu Pro sẽ đi kèm với một dãy ba camera trong khi mẫu iPhone không phải Pro giá rẻ hơn sẽ có hai camera phía sau.

Một miếng khoét camera phía trước - viền đen ở phía trên của thiết bị chứa camera selfie - sẽ được giảm kích thước. Apple cũng được cho là đang tìm cách loại bỏ hoàn toàn miếng khoét camera với các mẫu tiếp theo.

Các mẫu cao cấp cũng sẽ được trang bị hệ thống LiDAR 3D của công ty có thể đo khoảng cách của các vật thể trong phạm vi 5 mét và giúp máy ảnh cảm nhận được độ sâu trường ảnh. Hệ thống này được ra mắt lần đầu vào tháng 3 này trong iPad Pro mới nhất của Apple, có khả năng sẽ mở đường cho các khả năng thực tế tăng cường hơn, mặc dù nó không ngay lập tức làm rõ những gì có thể.

Theo Bloomberg, những cải tiến phần cứng mới cũng sẽ mở rộng cho bộ xử lý của iPhone với những cải tiến đáng kể về trí tuệ nhân tạo, giúp cải thiện hình ảnh và video và cũng tăng cường thực tế.

Mặc dù các mẫu iPhone 2020 có thể bị trì hoãn do những trở ngại do đại dịch Covid-19 tạo ra, Bloomberg cho biết chỉ một số kiểu máy có thể bị hoãn trong vài tuần trong khi hầu hết mẫu máy vẫn đảm bảo lịch trình phát hành vào mùa Thu.

Hướng tới xây dựng đại học số

Theo TS Phạm Đức Anh, Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ trương xây dựng phần mềm VNU-OMS nằm trong kế hoạch tổng thể của ĐH Quốc gia Hà Nội về xây dựng kiến trúc ĐH số và ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản trị, điều hành. Việc này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong bối cảnh hiện nay. Ứng dụng phần mềm trong hoạt động quản lý khoa học và công nghệ cho phép lược bỏ được những thủ tục hành chính không cần thiết, rút ngắn thời gian xử lý công việc, giảm thiểu chi phí xã hội, đồng thời mang đến những thuận tiện và hiệu quả trong quản trị, điều hành ...

TS Phạm Đức Anh cho rằng, việc thay đổi phương thức quản lý các hoạt động khoa học và công nghệ từ cách truyền thống sang online là xu thế tất yếu và rất cần thiết hiện nay. Một số trường ĐH và nhiều tổ chức khoa học và công nghệ ở Việt Nam đã thực hiện phương thức này. Đối với ĐH Quốc gia Hà Nội, việc triển khai phương thức quản lý online ban đầu có thể gây ra những trở ngại nhất định, cho cả những người làm công tác quản lý và nhà khoa học, chủ yếu là do thói quen. Song TS Phạm Đức Anh tin tưởng, tất cả sẽ sớm quen với VNU-OMS và nhận thấy hiệu quả rõ rệt của phương thức quản lý này.

Bên cạnh việc chuẩn hóa dữ liệu khoa học, VNU-OMS còn hướng đến sự đồng bộ, lưu trữ, tra cứu, kết nối dữ liệu trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội. Hệ thống VNU-OMS cũng cho phép các nhà khoa học tham gia phản biện các đề tài một cách đơn giản và trực tuyến…

Hiện tại, các nhà khoa học đã khai báo trường thông tin khoa học công nghệ ở các phần mềm khác nhau nhưng việc kết nối dữ liệu còn bỏ ngỏ, khiến các thông tin còn rời rạc, chưa có tính hệ thống, VNU-OMS sẽ khắc phục các khiếm khuyết đó. Cùng với những hoạch định chung của ĐH Quốc gia Hà Nội về công nghệ thông tin, với những tiện ích mà VNU-OMS mang lại, nhà khoa học sẽ không mất nhiều thời gian về thủ tục hành chính, chuyên tâm vào nghiên cứu.

ThS Đặng Quang Tuyến, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin- ĐH Quốc gia Hà Nội, một trong những đồng tác giả thì bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ khoa học tham gia sử dụng VNU-OMS để nhóm tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống này. Bên cạnh việc chuẩn hóa dữ liệu khoa học thì VNU-OMS còn hướng đến sự đồng bộ, lưu giữ, tra cứu và kết nối dữ liệu trong và ngoài ĐH Quốc gia Hà Nội. Như vậy có thể khẳng định, VNU-OMS là một trong nhiều sản phẩm, góp phần xây dựng một đại học số trong tương lai.

Minh Khôi (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tin-tuc-cong-nghe-moi-nong-nhat-hom-nay-154-lo-hong-bao-mat-nghiem-trong-neu-tiep-tuc-dung-zoom-a319620.html