Công nhân cảng Tiên Sa bị kiện hàng đè tử vong


Thứ 5, 16/03/2017 | 12:34


Cùng sự kiện

Xe nâng đang vận chuyển kiện hàng vào kho thì bất ngờ rơi, đè vào một công nhân vừa đi đến gần dẫn đến tử vong.

Xe nâng đang vận chuyển kiện hàng vào kho thì bất ngờ rơi, đè vào một công nhân vừa đi đến gần dẫn đến tử vong.

Theo tin tức trên báo Lao động, sáng 16/3, ông Nguyễn Hữu Sia - Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng xác nhận, tại Cảng Tiên Sa vừa xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một người tử vong.

Thông tin ban đầu, khoảng 9h ngày 15/3, trong khu vực thuộc kho số 1 tại Cảng Tiên Sa, khi xe nâng đang vận chuyển một kiện hàng vào trong kho thì ông Huỳnh Thành - nhân viên bốc xếp tổ 1, bị kiện hàng này đè vào người gây tử vong.

Cảng Tiên Sa (Ảnh: báo Giao thông)

Báo Giao thông thông tin thêm, đại diện Cảng Đà Nẵng cho hay, theo nguyên tắc trong quá trình vận hành xe nâng luôn có một người lái xe, một người hoa tiêu hướng dẫn. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, ông Thành đang ăn giữa ca lại bất ngờ đến gần xe nâng nên cả hoa tiêu và người lái xe không kịp xử lý.

Nhận tin báo, lực lượng công an và chính quyền địa phương có mặt tại hiện trường lập biên sự việc.

Điều 43. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động (Bộ luật Bảo hiểm xã hội năm 2014)

Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 144. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Bộ luật Lao Động năm 2012)

1. Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

2. Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.

3. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 145 của Bộ luật này.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ có tính tham khảo.


(tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-nhan-cang-tien-sa-bi-kien-hang-de-tu-vong-a184385.html