+Aa-
    Zalo

    Công tác đấu thầu bộc lộ nhiều điểm bất thường

    • DSPL
    ĐS&PL Nhiều gói thầu có dấu hiệu đội giá cao hơn thị trường. Luật sư cho rằng: chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của luật Đấu thầu.

    Những con số chênh lệch đáng suy ngẫm

    Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động mua sắm công thông qua hình thức đấu thầu diễn ra khá sôi động với nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị  được phê duyệt (theo kết quả lựa chọn nhà thầu công bố trên trang đấu thầu Quốc gia).

    Bản chất của việc đấu thầu đó là tạo ra sự canh tranh công bằng, minh bạch, ngoài ra cũng tìm ra nhà thầu có năng lực, đảm bảo chất lượng nhưng mang lại giá trị tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Công tác mua sắm công càng tiết kiệm, càng đảm bảo được chất lượng thì khi đó mới đi đúng tinh thần của luật Đấu thầu.

    Thế nhưng qua tìm hiểu ngẫu nhiên 2 gói thầu , dường như tinh thần đó chưa đạt được hiệu quả tối đa. Bởi hàng chục mã hàng hóa trong gói thầu có dấu hiệu được mua sắm giá cao hơn thị trường nhiều lần, dẫn đến chênh lệch hàng tỷ đồng.

    Cụ thể, ở gói thầu số 18, 2/7 mã hàng được mua sắm có giá cao hơn thị trường là 2.209.900.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, hai trăm linh chín triệu, chín trăm nghìn đồng). Cụ thể, máy tính dành cho học sinh và ổn áp 10000VA có đơn giá tại gói thầu lần lượt là 10.730.000 đồng và 6.370.000 đồng.

    Tuy nhiên, qua các kênh cung cấp hàng chính hãng, đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật mà chủ đầu tư đưa ra tại chương V, E-HSMT thì phóng viên nhận được báo giá thấp hơn tương ứng 2 sản phẩm là 9.186.000 đồng và 4.990.000 đồng. Như vậy, chỉ tính riêng mã máy tính thì số tiền chủ đầu tư mua cao hơn thị trường khoảng 2.161.600.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, một trăm sáu mươi mốt triệu, sáu trăm nghìn đồng)/1.400 bộ.

    Có thể thấy, nếu nhà thầu dựa vào yêu cầu kỹ thuật của chủ đầu tư đưa ra để lựa chọn những sản phẩm giá cả hợp lý thì ngân sách có thể tiết kiệm hàng tỷ đồng.

    Ở gói thầu số 12, nhiều mã hàng cao hơn từ 2-7 lần so với giá thị trường. Ví dụ như đích đấm đá (cầm tay), trong khi với cùng chất liệu, thông số yêu cầu thì phóng viên nhận được báo giá 83.000 đồng/cái, còn giá tại gói thầu là 570.000 đồng/cái. Bàn cờ, quân cờ có đơn giá tại gói thầu là 357.000 đồng/bộ, nhưng theo khảo sát của phóng viên, sản phẩm được bán với giá 155.000 đồng.

    Trong khi chủ đầu tư phê duyệt 2.722.000 đồng/hộp đất nặn thì mức giá phổ biến được các nhà cung cấp cho phóng viên biết chỉ 1.298.000 đồng. Tủ giá có đơn giá tại gói thầu là 5.734.000 đồng, thị trường đang bán chiếc tủ như vậy với giá 3.800.000 đồng…

    Sự chênh lệch này khiến mỗi sản phẩm có giá cao hơn thị trường hàng trăm triệu đồng nếu tính trên số lượng mua sắm ở gói thầu.

    Cũng cần nói thêm rằng, toàn bộ các sản phẩm phóng viên khảo giá trên thị trường đều cùng thông số về chất liệu, kiểu dáng, kích thước… đáp ứng đầy đủ như yêu cầu tại chương V, E-HSMT mà chủ đầu tư đưa ra đã được công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia. Các sản phẩm được bảo hành theo chế độ hàng chính hãng của nhà sản xuất, giá đã bao gồm VAT và chi phí vận chuyển toàn quốc với số lượng lớn.

    Cần làm rõ số tiền chênh lệch và trách nhiệm của chủ đầu tư

    Trao đổi với PV, một chuyên gia về lĩnh vực đấu thầu (đề nghị không nêu tên) cho rằng, động cơ chênh giá thì chỉ có do lãi, còn ai lãi thì việc tìm hiểu cũng dễ. Chỉ có sử dụng tiền ngân sách, chênh lệch giá mới cao như vậy, còn nếu là tiền túi tư nhân bỏ ra thì chắc rằng sẽ có những tính toán hợp lý hơn, tiết kiệm hơn.

    “Tôi nghĩ cần làm rõ số tiền chênh lệch đó đi đâu. Việc làm rõ này không khó, chỉ cần thanh kiểm tra, rà soát lại thật khách quan. Số tiền chênh lệch lớn hay nhỏ thì cũng cần làm minh bạch, cái nhỏ làm nên cái lớn – đó là nguyên tắc khoa học. Giống như cơ thể con người được tạo ra từ hàng tỷ tế bào hợp lại với nhau, quản lý Nhà nước thì chuyện nhỏ cũng phải coi như chuyện lớn”, vị chuyên gia nêu quan điểm cá nhân.

    Còn theo ý kiến từ góc nhìn pháp lý của luật sư Dương Văn Phúc, công ty luật Hợp danh FDVN, việc phê duyệt kết quả gói thầu mua sắm trang thiết bị có trách nhiệm của các bên liên quan. Trong đó, chủ đầu tư, bên tư vấn thẩm định đều có những trách nhiệm cụ thể theo quy định của luật Đấu thầu.

    “Theo luật Đấu thầu thì việc tổ chức đấu thầu phải đảm bảo công bằng, minh bạch, sử dụng tiền ngân sách để đầu tư mua sắm công cũng phải tuân thủ nguyên tắc tiết kiệm, đúng giá trị chứ không thể bị đội giá gây thiệt hại cho Nhà nước được.

    Chủ đầu tư tổ chức mời thầu, phê duyệt gói thầu phải là người có vai trò quyết định trong việc đảm bảo cho hoạt động đấu thầu được tuân thủ quy định pháp luật. Việc lựa chọn nhà thầu ở đây cần phải rà soát lại quy trình theo luật Đấu thầu có đảm bảo quy định pháp luật hay không? Xem xét có sai sót hay cố tình nâng khống để hợp thức hóa về giá cả ở giai đoạn nào không?

    Ở đây, đơn vị phê duyệt 2 gói thầu có dấu hiệu chênh lệch giá cao cần phải xem xét lại và làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các các đơn vị có liên quan”, luật sư Phúc nêu.

    “Nếu hoạt động đấu thầu có dấu hiệu nâng khống, đội giá, gây thiệt hại cho Nhà nước thì tùy từng trường hợp khác nhau có các chế tài khác nhau. Ngoài xử lý hành chính, các hành vi thông thầu, cố ý làm trái, dấu hiệu trục lợi làm thất thoát, thiệt hại cho tài sản Nhà nước thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như: Điều 222 tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 220 tội Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 219 tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Điều 360 tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Điều 353 tội Tham ô tài sản; Điều 355 tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản…

    Để sức răng đe được lan tỏa thì việc thanh kiểm tra cần phải được tiến hành nhanh chóng, chính xác, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền tìm ra sai phạm, xử lý kịp thời nếu có. Còn không có sai phạm thì việc làm này cũng là cách để minh bạch thông tin, minh oan cho chủ đầu tư”, luật sư Phúc nói thêm.

    Nhóm PV 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-tac-dau-thau-boc-lo-nhieu-diem-bat-thuong-a556559.html
    Sự kiện: Đấu thầu
    Trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư

    Trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư

    Không chỉ có nhiều gói thầu “siêu tiết kiệm”, nghiên cứu sâu công tác đấu thầu, PV nhận thấy, dấu hiệu đội giá trong công tác mua sắm cũng diễn ra rất bất cập. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Chủ đầu tư là đơn vị sử dụng ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý đến cùng mới đủ sức răn đe và chắc chắn trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư”.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư

    Trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư

    Không chỉ có nhiều gói thầu “siêu tiết kiệm”, nghiên cứu sâu công tác đấu thầu, PV nhận thấy, dấu hiệu đội giá trong công tác mua sắm cũng diễn ra rất bất cập. PGS.TS Bùi Thị An cho rằng: “Chủ đầu tư là đơn vị sử dụng ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả. Nếu phát hiện sai phạm cần xử lý đến cùng mới đủ sức răn đe và chắc chắn trách nhiệm cao nhất chính là chủ đầu tư”.

    Nhiều gói thầu tiết kiệm thấp cho ngân sách

    Nhiều gói thầu tiết kiệm thấp cho ngân sách

    Trong năm 2020, nhiều chủ đầu ký phê duyệt nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm sau đấu thầu rất thấp, loanh quanh mức 1%. Đa số các gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu.