+Aa-
    Zalo

    Công ty cầm đồ nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân, NHNN chi nhánh Đà Nẵng ra khuyến cáo

    (ĐS&PL) - Theo khuyến cáo của NHNN chi nhánh Đà Nẵng, người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện các giao dịch. Nếu nghi ngờ có thể liên hệ đường dây nóng của chi nhánh NHNN để phản ánh, làm rõ.

    VietNamCapital không nằm trong danh sách được cấp phép huy động tiền gửi

    Báo Tuổi trẻ dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng ngày 20/12 cho biết đã nắm được vụ việc Công ty cổ phần tài chính VietNamCapital nhận tiền gửi tiết kiệm của người dân và làm giấy chứng nhận tiết kiệm.

    cong ty cam do nhan tien gui tiet kiem cua nguoi dan nhnn chi nhanh da nang ra khuyen cao
    Giấy chứng nhận tiết kiệm do Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital cấp cho người dân.

    Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng khẳng định Công ty cổ phần tài chính VietNamCapital không nằm trong danh sách được cấp phép huy động tiền gửi theo quy định của Nhà nước theo danh sách mà đơn vị này quản lý.

    Do vậy hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm là không đúng pháp luật.

    Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh là "hoạt động cấp tín dụng khác” nhưng dưới hình thức chi tiết là "dịch vụ cầm đồ".

    "Theo nguyên tắc, đơn vị nào cấp phép, đơn vị ấy hậu kiểm. Công ty này đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động không đúng lĩnh vực quy định thì đơn vị cấp phép cần kiểm tra, thanh tra chấn chỉnh và chuyển cơ quan chức năng xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật", đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho biết.

    Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cảnh báo người dân cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện các giao dịch.

    Trong đó khách hàng cần kiểm tra sổ tiết kiệm có phải do ngân hàng phát hành hay không? Tài khoản có được đảm bảo, bảo hiểm và có rút được trước kỳ hạn hay không?

    Trường hợp nghi ngờ có thể liên hệ đường dây nóng của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để phản ánh, làm rõ.

    "Khi họ kêu gọi đầu tư mà cam kết lãi suất cao hơn ngân hàng thì mọi người nên tự đặt câu hỏi. Bởi nếu lãi cao, mà lại chắc chắn lợi nhuận thì họ sẽ huy động được vốn từ nhiều kênh, nhiều tổ chức khác nhau, chứ không tới nhà dân, gọi từng người", vị này khuyến cáo.

    Theo vị này, hiện nay có nhiều người dân có tâm lý vào ngân hàng là chọn gói thông tin lãi cao nhất, mà thiếu kiểm tra đó là hình thức gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu, trái phiếu do đơn vị nào phát hành.

    Do vậy ngoài trách nhiệm tư vấn của phía ngân hàng thì người dân cũng cần tìm hiểu, trang bị kiến thức về tài chính cho mình.

    Nhiều người tố cáo hoạt động huy động vốn của Công ty VietNam Capital

    Trước đó, hàng chục người dân tại Đà Nẵng đã tố cáo hoạt động huy động vốn của Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền tiết kiệm.

    Theo báo Người lao động, rất đông người tố cáo là công nhân lao động, hưu trí,…tham gia góp vốn với hình thức "Giấy chứng nhận tiết kiệm". Đến hạn rút tiền, người dân cầm sổ đến công ty nhưng không được giải quyết. Lãnh đạo công ty nhiều lần thoái thác, thậm chí chặn số điện thoại, miễn tiếp khách.

    Người phản ánh đều được công ty viết phiếu thu và cấp sổ ghi "Giấy chứng nhận tiết kiệm". Giấy chứng nhận có số hiệu riêng biệt. Lãi suất từ 9,5% - 12,5%/năm cùng thời gian đáo hạn. Sổ do ông Trương Quốc Thái, Giám đốc Công ty cổ phần tài chính VietNam Capital (VietNam Capital) ký tên đóng dấu.

    Cụ thể, có hơn 40 khách hàng của VietNam Capital được cấp hàng trăm Giấy chứng nhận tiết kiệm đến hạn nhưng vẫn chưa được chi trả. Số tiền gửi tiết kiệm ít nhất vài trăm triệu. Nhiều trường hợp gửi gần 10 sổ tiết kiệm với số tiền gửi từ 2-5 tỷ đồng.

    Đáng chú ý, Công ty cổ phần tài chính VietNamCapital lập các văn phòng gần ngân hàng rồi thiết kế logo, không gian văn phòng tương tự ngân hàng để người dân nhầm tưởng. Để huy động tiền gửi, giám đốc công ty này còn đến nhà khách hàng ăn uống, nhậu nhẹt để gây niềm tin, nhằm huy động thêm tiền gởi tiết kiệm từ hàng xóm và người thân của khách hàng.

    Phản ánh đến báo Sài Gòn giải phóng, chị H.T.H. (quận Liên Chiểu) cho biết, tháng 10, chị đến chi nhánh công ty tại 155 Điện Biên Phủ để rút tiền đúng thời hạn thì văn phòng đóng cửa, gọi điện không liên lạc được.

    “Tôi đã tới tất cả 5 chi nhánh văn phòng giao dịch tại TP Đà Nẵng nhưng đều đóng cửa. Đây là số tiền tôi dành dụm để lo cho các con ăn học, nhưng đến hạn rồi mà vẫn không liên lạc được phía công ty để rút tiền. Lúc gửi thì họ tư vấn, giấy tờ rất đàng hoàng nên tôi mới tin tưởng nhưng không ngờ lại như vậy”, chị H. lo lắng.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-cam-do-nhan-tien-gui-tiet-kiem-cua-nguoi-dan-nhnn-chi-nhanh-da-nang-ra-khuyen-cao-a604239.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan