+Aa-
    Zalo

    Công ty CP Du lịch Dịch vụ Hội An (HOT): Đối diện nguy cơ hủy niêm yết, nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào?

    • DSPL
    ĐS&PL Nếu BCTC kiểm toán 2022 vẫn tiếp tục thua lỗ, Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (Mã HOSE: HOT) sẽ đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc.

    Kết quả kinh doanh “ảm đạm”, 3 năm liền thua lỗ

    Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (Mã HOSE: HOT) được thành lập từ năm 1990, trên cơ sở hợp nhất hai công ty Dịch vụ Ăn uống và công ty Du lịch Hội An với mã số thuế 4000102418. Địa chỉ trụ sở đặt tại số 10 Trần Hưng Đạo, phường Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Vào ngày 1/2/2023, Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE) đã ban hành công văn 92/SGDHCM-NY về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của HOT.

    Từ khi đại dịch bùng phát, công ty thua lỗ nặng nề, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, năm gần nhất mà công ty có lãi đã từ 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 12,11 tỷ đồng, chỉ chiếm 7,9% so với doanh thu 152,56 tỷ đồng.

    3

    Bước sang năm 2020, doanh thu công ty giảm mạnh xuống 33,03 tỷ đồng, chỉ bằng 21,65% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu xuống mức âm 22,95 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu HOT tiếp tục giảm, đạt mức 25,26 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vẫn ở mức âm 20,87 tỷ đồng.

    Nhìn vào BCTC riêng quý IV/2022, doanh thu thuần đạt 9,4 tỷ đồng, hơn 1 tỷ đồng so với cùng kì năm trước. Nhưng do giá vốn bán hàng cũng tăng nên công ty vẫn lỗ hơn 4 tỷ đồng. Theo đó, lũy kế đến ngày 31/12/2022, doanh thu của HOT đạt mức 34,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức âm 18,84 tỷ đồng.

    Trước kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 3 năm gần đây, đặc biệt nếu BCTC kiểm toán 2022 vẫn tiếp tục thua lỗ, HOT sẽ đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu bắt buộc. Quy định ở Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã nêu rõ, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết trong trường hợp “kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét”.

    Giải thích cho vấn đề trên, HOT cho rằng hoạt động kinh doanh của ngành du lịch nói chung và của công ty nói riêng đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Ngoài ra còn có nhiều khó khăn khác như thị trường chưa thực sự ổn định trở lại, tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, nhân sự thiếu hụt…

    Bên cạnh tình hình kinh tế “ảm đạm”, khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của HOT cũng là một dấu hỏi. Theo bảng cân đối kế toán tính đến 31/12/2022, tài sản ngắn hạn của công ty là 4,5 tỷ đồng, trong đó có 1,6 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền. Tổng nợ phải trả là 29,67 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn ở mức 29,63 tỷ đồng, chiếm tới 99,86%. Hệ số thanh toán tức thời của công ty là 0,05.

    Trước đó, hệ số thanh toán tức thời của HOT vào năm 2020, 2021 lần lượt là 0,8 và 0,4. Thông thường, chỉ số này ở mức 0,1 sẽ thể hiện khả năng duy trì lượng tiền mặt của doanh nghiệp tương đối ổn định để có thể chi trả những khoản vay ngắn hạn. Tuy nhiên cho đến cuối 2022, con số 0,05 đã cho thấy khả năng thanh toán không tốt của công ty này.

    Nhà đầu tư bị ảnh hưởng thế nào?

    Theo nhận định của giới chuyên môn, việc bị buộc phải hủy niêm yết cổ phiếu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu. Thông thường giá cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ tụt giảm không phanh, mất đi tính thanh khoản dù vẫn có thể được giao dịch trên sàn Upcom.

    Khi cổ phiếu bị hủy niêm yết khỏi sàn HOSE và HNX mã cổ phiếu đó sẽ biến mất khỏi bảng giá của các công ty chứng khoán nhưng quyền sở hữu của nhà đầu tư vẫn được đảm bảo.

    Tuy nhiên, cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn, rủi ro. Đầu tiên, dễ nhận biết là trong hoạt động giao dịch, nhà đầu tư không thể thao tác online trên các thiết bị điện tử mà phải liên hệ trực tiếp với người mua.

    Sau đó, thông qua đàm phán, thương lượng, giao dịch mới được thực hiện. Cổ phiếu bị hủy niêm yết sẽ có tính thanh khoản thấp, giá thấp, do đó, việc tìm được người mua sẽ không dễ.

    Đáng chú ý, đối với các cổ phiếu bị hủy niêm yết, việc vào UPCoM cũng không phải dễ. Cụ thể, theo quy định, công ty có cổ phiếu bị hủy sẽ phải đăng ký giao dịch trong vòng 7 ngày.

    Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào rời sàn HOSE và HNX cũng được UPCoM lập tức chào đón. Ngoài ra, trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục vi phạm về hoạt động công bố thông tin hoặc các quy định khác, giao dịch cổ phiếu ở UPCoM cũng có thể bị hạn chế.

    Khoản 2 Điều 120 của Nghị định 155/2020 nêu rõ: “Cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định tại Điều 133 Nghị định này.”

    Khoản 2 Điều 133 quy định: “Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hủy bỏ niêm yết có hiệu lực, Sở giao dịch chứng khoán có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của công ty bị hủy bỏ niêm yết.”

    Ngọc Bảo - Thanh Phong

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-cp-du-lich-dich-vu-hoi-an-hot-doi-dien-nguy-co-huy-niem-yet-nha-dau-tu-bi-anh-huong-the-nao-a567418.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan