+Aa-
    Zalo

    Công ty đa cấp “vươn vòi” đi lừa đảo dân nghèo như thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tại Lạng Sơn, ngoài chi nhánh ở thành phố Lạng Sơn, TNMU còn đang tích cực xây dựng các chi nhánh nhỏ tại các huyện trong toàn tỉnh. Chúng đã biến dân nghèo thàn

    (ĐSPL) - Công ty Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) hiện “phủ sóng” lên tận các làng bản miền núi phía Bắc. Tại Lạng Sơn, ngoài chi nhánh ở thành phố Lạng Sơn, TNMU còn đang tích cực xây dựng các chi nhánh nhỏ tại các huyện trong toàn tỉnh. Chúng đã biến dân nghèo thành kẻ lừa đảo.

    >> Những "tảng băng chìm" trong kinh doanh đa cấp

    >> “Bùa đa cấp” và thảm kịch mang tên “mua danh”

    Chiêu “độc” biến dân nghèo thành kẻ lừa đảo

    Theo tìm hiểu của Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, ngoài một chi nhánh ở thành phố Lạng Sơn, công ty này đang mở thêm các chi nhánh nhỏ tại một số huyện. Công ty cho các “chuyên viên kinh doanh” đến các làng quê để lôi kéo người dân địa phương tham gia mạng lưới với đủ thủ đoạn tinh vi.

    Phóng viên đã đến huyện Lộc Bình, huyện nổi cộm nhất về vấn nạn kinh doanh đa cấp. Được biết, “cơn bão đa cấp” đang len lỏi vào khắp các hang cùng, ngõ hẻm của huyện miền núi này.

    Đối tượng mà chúng nhắm đến là những người dân có trình độ văn hóa thấp, người có “máu kinh doanh” để lôi kéo họ tham gia mạng lưới. Xã Ái Quốc là nơi có nhiều hộ dân tham gia kinh doanh đa cấp nhất huyện Lộc Bình.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Tiến Thanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã báo cáo Công an huyện Lộc Bình đến để giải quyết sự việc. Các đồng chí đã đến từng nhà để tuyên truyền cho người dân biết các chiêu thức lừa đảo của công ty đa cấp TNMU để tránh bị lôi kéo. Một số người dân đã tỉnh ngộ và nhận ra những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, không tham gia nhưng cũng có nhiều người, vì “nhìn, nghe” thấy lợi quá, vẫn bỏ qua cảnh báo của cơ quan chức năng nên bị lừa”.

    Công ty đa cấp “vươn vòi” đi lừa đảo dân nghèo như thế nào?
    Ông Triệu Tiến Thanh – Chủ tịch UBND xã Ái Quốc: Rất nhiều người dân địa phương đã tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp lừa đảo của công ty TNMU.

    Công ty TNMU thường sử dụng những chiêu thức bán máy lọc nước ozone với giá 7 triệu đồng. Người của công ty TNMU đến từng bản, làng để làm quen, mời họ tham quan chi nhánh công ty, thậm chí mời đến công ty mẹ tại Hà Nội.

    Họ chào bán sản phẩm tại chỗ, còn những người có “máu kinh doanh” sẽ được công ty TNMU đào tạo thành “chân rết” kiếm tiền cho họ. Họ dẫn những “chân rết” này đến công ty để nghe thuyết trình. Họ tạo nghi thức tiếp đón người dân quê một cách rất sang trọng.

    Những người đứng đợi ở ngoài cổng sẽ đến bắt tay, chào hỏi và nói chuyện rất cởi mở. Người dân phải đổi chứng minh thư nhân dân lấy thẻ VIP để vào bên trong công ty. Khách hàng sẽ được nghe các thuyết trình viên nói về việc kiếm tiền.

    Sau đó, họ đưa ra một chiếc máy ozone với tính năng bảo vệ sức khỏe và “vẽ” về chiến lược kinh doanh từ những chiếc máy lọc nước này. Sau mỗi câu nói của thuyết trình viên, đám đông liên tục hô: “Đúng rồi!”.

    Với chiêu trò dùng hiệu ứng đám đông để trấn áp tư tưởng, họ đã “vẽ” ra lợi nhuận mà người tham gia sẽ được hưởng khi có nhiều cấp dưới. Theo đó, khách hàng phải mua một máy lọc nước ozone mà công ty TNMU bán với giá 7 triệu đồng. Nếu đủ tiền sẽ được ký hợp đồng, còn thiếu tiền, công ty sẽ bảo khách hàng nên rủ người khác đến để lấy tiền “hoa hồng”. Khi nào có đủ 7 triệu đồng thì mới được ký hợp đồng.

    Nhằm tạo được niềm tin với nhiều người dân địa phương, công ty TNMU đã dùng mọi biện pháp để “khuếch trương tên tuổi”. Những thành viên đã lôi kéo được nhiều người sẽ nhanh chóng được “thăng chức” và được công ty tạo điều kiện cho đi tham quan du lịch và nghỉ dưỡng ở những nơi sang trọng bậc nhất trong nước.

    Chị Trịnh Thị Nhung (xóm Song Tài, xã Ái Quốc) là một trong những người đã được công ty TNMU đưa đi tham quan du lịch tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Sau đó, chị Nhung được dẫn đến công ty mẹ ở Hà Nội để nhận “tiền hoa hồng”.

    Bán trâu, bò để... bị lừa!

    Anh Đặng Hữu Liên, trưởng thôn Khuổi Lợi cho biết: “Thôn Khuổi Lợi là nơi có nhiều người tham gia kinh doanh đa cấp nhất trong tất cả các thôn, bản trên địa bàn toàn xã. Một số hộ mất tiền đã kịp thời tỉnh ngộ, còn đa số, họ vẫn u mê với những hứa hẹn “khủng” từ phía công ty”.

    Người dân địa phương sau khi mua những sản phẩm này về dùng được một thời gian thì bị hỏng. Tuy nhiên, khi mang đến công ty để đổi thì không được, vì hợp đồng ký kết đã được “lách luật” bằng chiêu bài khuyến mại.

    Cuối cùng, người dân vẫn phải chịu thiệt. Lúc này, các “chuyên viên kinh doanh” của công ty TNMU tiếp tục dụ dỗ người bị lừa này đi lừa người khác để nhận được số tiền môi giới tương đương, thậm chí cao hơn số tiền đã bị công ty lừa.

    Đó là ông Triệu Sinh Phú, ông Phú bán một con trâu trị giá hơn 20 triệu đồng để mua nhiều mã sản phẩm. Ông Phú hy vọng rằng, sau khi mua những mã sản phẩm này, ông không phải làm ruộng nữa mà đợi có vốn sẽ chuyển sang kinh doanh.

    Một trường hợp nữa là ông Triệu Tiến Thành đã bán một cặp trâu được khoảng 30 triệu đồng. Với số tiền ấy, ông Thành đã nói dối mọi người là đem tiền trả ngân hàng, nhưng thực chất là để ký hợp đồng tham gia mạng lưới công ty đa cấp TNMU.

    Những người dân nghèo, nhận thức kém bị lừa đã đành, đằng này, ngay cả tri thức, cán bộ và nhà giáo “có chữ” ở địa phương cũng trở thành nạn nhân của đa cấp.

    Đó là ông Đặng Văn Thành, thôn Khuổi Hang, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc. Ông Thành bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo và tham gia mạng lưới đa cấp. Ông Thành đã dồn hết số tiền tích cóp cả đời để mua nhiều mã sản phẩm. Thấy công việc nhàn nhã, vừa có sản phẩm để dùng, vừa được đi tham quan, lại có nhiều tiền nên ông đã dấn thân vào công việc kinh doanh đa cấp. Từ chỗ mua từng mã sản phẩm, ông “ôm” hơn cả chục mã, số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Số tiền bỏ ra thì nhiều nhưng thu lại chẳng được bao.

    Lúc này, ông mới nhận ra mình bị lừa, nhưng đã “đâm lao thì phải theo lao”, ông đành phải đi lừa anh em, họ hàng để hưởng “tiền hoa hồng”, mong muốn gỡ gạc lại vốn. Một nạn nhân khác là ông Đặng Văn Thành, giáo viên cũng bị lừa gần trăm triệu đồng. Sau khi bị lừa, ông giáo này tiếp tục đi lừa cán bộ xã tham gia. Theo những người địa phương thì, còn rất nhiều các trường hợp khác bị lừa với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, nhưng không hiểu lý do gì mà họ không dám lên tiếng.

    Trường hợp hai vợ chồng ông Đặng Thắng Trình và bà Dương Thị Mũi (thôn Khuổi Lợi) cùng dắt nhau vào bẫy lừa. Được biết, ông Liên là nạn nhân của con rể tên Triệu Văn Lâm (thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác).

    Ông Liên cho biết: “Hiện, thôn Khuổi Lợi đã xác định được chính xác 6 đối tượng tham gia bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, đó chỉ là những con số đã được xác định cụ thể, còn rất nhiều người tình nghi nhưng chưa phát hiện. Hơn nữa, bà con thường lén lút tham gia, nếu có phát hiện, họ cũng không nhận.

    Vấn nạn đa cấp đã làm cho tình cảm anh em “máu mủ ruột già” và tình làng, nghĩa xóm bị sứt mẻ. Đã có trường hợp, bố vợ về lừa con rể tham gia và hứa sẽ có khoản thù lao hoa hồng. Con rể đã theo bố vợ vào mạng lưới lừa đảo ấy, sau một năm vẫn không thấy lãi mà chỉ thấy số tiền mất ngày càng nhiều, trong cơn giận, người con rể đã chửi bố vợ: “Ông còn tham gia cái công ty lừa đó sẽ có ngày bị chém đứt đầu”.

    Chính quyền địa phương vẫn coi là chuyện nhỏ (!?)

    Trao đổi về vụ việc này, ông Hoàng Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho rằng, vụ việc mới phát hiện và công an đang trong quá trình theo dõi. Vụ việc vẫn chưa nghiêm trọng nên chưa xử lý.

    Khi chúng tôi truyền tải thông tin này đến ông Vinh và nói, đã có đầy đủ bằng chứng, danh sách người dân bị lừa, vị lãnh đạo này mới phát ngôn: “Đây là anh trao đổi vậy thôi, chú đừng đưa những lời của anh lên báo”. Liệu có chuyện “động trời” mà rất nhiều người dân địa phương bị lừa đảo nghiêm trọng như vậy mà cán bộ huyện không nắm được tình hình?

    Công ty TNMU “lách luật” để lừa đảo?

    Theo quy định pháp luật về kinh doanh, bán hàng đa cấp tại Điều 7 Nghị định 110/2005/NĐ–CP của Chính phủ thì, những hành vi bị cấm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, như sau: Không cam kết cho người tham gia trả lại hàng hóa và nhận khoản tiền đã chuyển cho doanh nghiệp theo quy định tại Điều 11 Nghị định này. Cản trở người tham gia trả lại hàng hóa phát sinh từ việc chấm dứt hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp”. Công ty TNMU thừa hiểu điều đó, họ đã tìm cách để “lách luật”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-da-cap-vuon-voi-di-lua-dao-dan-ngheo-nhu-the-nao-a27077.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan