+Aa-
    Zalo

    Càng ít nhà thầu, tỷ lệ tiết kiệm càng thấp

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đấu thầu qua mạng có một năm thành công rực rỡ khi số lượng và giá trị gói thầu đều vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao, nhưng tỷ lệ tiết kiệm dường như chưa đạt như mong muốn. Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất thuộc về những gói thầu chỉ có một nhà thầu.

    Đấu thầu qua mạng có một năm thành công rực rỡ khi số lượng và giá trị gói thầu đều vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao, nhưng tỷ lệ tiết kiệm dường như chưa đạt như mong muốn. Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất thuộc về những gói thầu chỉ có một nhà thầu.

    Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

    Năm 2020 ghi nhận sự tăng tốc vượt bậc của đấu thầu qua mạng. Kết thúc năm 2019, tỷ lệ số lượng gói thầu qua mạng mới chỉ đạt 34,2%, tỷ lệ giá trị gói thầu là 20,8%. Tới ngày 20.11.2020, số liệu của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (thuộc Cục Quản lý đấu thầu) cho thấy tỷ lệ áp dụng đấu thầu qua mạng đã đạt 85,8% về số lượng gói thầu (83,9 nghìn gói thầu) và 52,9% về tổng giá trị gói thầu (256 nghìn tỷ đồng).

    Đấu thầu qua mạng có một năm thành công rực rỡ Nguồn: ITN
    Đấu thầu qua mạng có một năm thành công rực rỡ
    Nguồn: ITN

    Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đơn vị đi đầu áp dụng đấu thầu qua mạng. Năm 2020, tỷ lệ gói thầu qua mạng của nhiều đơn vị thuộc EVN đạt 90 - 100%. Đại diện EVN cho biết, đấu thầu qua mạng giúp giảm chi phí và góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. 8 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ tiết kiệm nhờ đấu thầu qua mạng của EVN lên tới 10,94%.

    Ở góc độ địa phương, Bình Phước thuộc tốp đầu cả nước về áp dụng đấu thầu qua mạng. 9 tháng năm nay, tỷ lệ số lượng gói thầu qua mạng của Bình Phước đạt 93,6%, tỷ lệ giá trị gói thầu đạt 84,3%. Đại diện Công ty TNHH Tư vấn Xây dựng Phát triển Bình Phước cho biết, trước đây tham gia đấu thầu phải mất rất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, thủ tục. Từ khi áp dụng đấu thầu qua mạng, được sự hướng dẫn của các ngành chức năng, doanh nghiệp đã tiếp cận nhanh chóng và sử dụng thuần thục. Đầu thầu qua mạng tiết kiệm 5 - 7 ngày so với đấu thầu truyền thống và bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng.

    Càng nhiều nhà thầu, tỷ lệ tiết kiệm càng cao

    Trái ngược với tỷ lệ gói thầu qua mạng tăng nhanh cả về số lượng và giá trị, tỷ lệ tiết kiệm chung trong đấu thầu (tức chênh lệch giữa giá gói thầu và giá trúng thầu) có xu hướng giảm dần. Theo số liệu của Cục Quản lý đấu thầu, năm 2016 tỷ lệ tiết kiệm là 9%, đến năm 2017 còn 8,2%, năm 2018 đạt 7,15% và năm 2019 tụt xuống 5,26%. Điều này có nghĩa mục tiêu giảm thất thoát nguồn vốn nhà nước chưa đạt được như mong muốn.

    Đáng chú ý, tỷ lệ tiết kiệm thấp thường rơi vào những gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự. Ví dụ, số liệu 9 tháng năm 2020 cho thấy có 38% gói thầu chỉ có một nhà thầu tham dự và tỷ lệ tiết kiệm đạt thấp nhất với 2,24%; 18% gói thầu có 2 nhà thầu, tỷ lệ tiết kiệm nhích lên 5,56%; 9% gói thầu có 3 nhà thầu tham dự, tỷ lệ tiết kiệm vọt lên 10,57%; tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 15,93% thuộc về những gói thầu có nhiều hơn 3 nhà thầu tham dự, chiếm 35%.  

    Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiết kiệm giảm có thể rơi vào 2 trường hợp. Một là công tác thiết kế và lập dự toán được các chủ đầu tư thực hiện rất tốt, dự toán đưa ra đã rất sát giá thị trường, nên dù có đấu thầu cũng không thể giảm nhiều. Hai là có gì đó khuất tất trong quá trình đấu thầu và xét chọn thầu. Trong đó, khả năng thứ 2 được cho là “có lý” hơn! Trên thực tế, thời gian qua vẫn có những bên mời thầu, chủ đầu tư tìm cách “làm khó” nhà thầu nhằm hạn chế sự tham gia của họ. Điển hình là một số bên mời thầu khi công khai hồ sơ mời thầu và các tài liệu liên quan lại “quên” đăng tải những nội dung quan trọng như thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công mà nếu thiếu nó, nhà thầu khó hoàn thiện hồ sơ dự thầu; hoặc bên mời thầu đưa ra những tiêu chí hạn chế nhà thầu...

    Các chuyên gia cho rằng, để giảm những hiện tượng “lạ” trong đấu thầu, giải pháp tốt nhất là để cho xã hội có cơ hội tham gia vào hoạt động giám sát này. Muốn vậy, mọi thông tin liên quan đến các dự án phải được công khai.

    Theo hướng đi này, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định từ ngày 1.2.2020, các bên mời thầu phải công khai các văn bản liên quan đến hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia dù gói thầu không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng. Thêm một bước tiến nữa, từ ngày 9.12, Hệ thống đấu thầu qua mạng quốc gia triển khai chức năng đính kèm Hồ sơ thiết kế (trường hợp bắt buộc) trong quá trình đăng tải Thông báo mời thầu lĩnh vực xây lắp, bao gồm cả gói thầu qua mạng và không qua mạng.

    Khi mọi chuyện được công khai và minh bạch như vậy, hy vọng những khuất tất trong đấu thầu sẽ mất dần đất sống.

    Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cang-it-nha-thau-ty-le-tiet-kiem-cang-thap-a504462.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.