Công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm vận thi công siêu dự án sân bay 11 tỷ USD tại Philippines


Thứ 3, 08/09/2020 | 08:11


Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point (SPIA) đang gây nhiều lo ngại tại Công tyuPhilippines bởi nhà thầu phụ trách là công ty Trung Quốc nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ.

Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point (SPIA) đang gây nhiều lo ngại tại Philippines bởi nhà thầu phụ trách là công ty Trung Quốc nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ. 

Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point được xây dựng tại khu căn cứ quân sự cũ của hải quân Mỹ tại tỉnh Cavite, gần thủ đổ Manila. Theo đó, chính quyền tỉnh này đã giao lại giai đoạn đầu của dự án cho Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) kết hợp với Công ty MacroAsia của Philippines phụ trách. 

Quy mô 1.400 ha, tiêu tốn 11 tỷ USD

Dự án Sân bay Quốc tế Sangley Point được đầu tư tổng cộng 550 tỷ peso (khoảng 11,3 tỷ USD) và sẽ chính thức mở cửa vào năm 2050. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án tiêu tốn khoảng 208,5 tỷ peso (4,29 tỷ USD) sẽ được hoàn thành và bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2022. Giai đoạn này bao gồm một đường băng cùng khả năng chứa và vận chuyển 25 triệu hành khách 1 năm. Trong các giai đoạn sau, dự kiến SPIA sẽ mở thêm 4 đường bay mới với sức chứa 130 triệu lượt khách 1 năm. 

Sân bay Quốc tế Sangley Point được xây dựng với tổng diện tích 1.400 ha. Ảnh: Manila Times

SPIA sẽ được xây dựng và cải tạo trên khu đất có diện tích 1.400 ha trên Vịnh Manila. Mục đích xây dựng SPIA là để giảm bớt công suất hoạt động và lượt khách tại Sân bay Quốc tế Ninoy Aquino tại Manila (Naia), nơi thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải.

Vị trí chiến lược

Khu vực sân bay Sangley Point có vị trí chiến lược quan trọng, là lối vào Vịnh Manila, thủ phủ của Philippines. Phó Đô đốc Hải quân Giovanni Carlo Bacordo cho biết: “Vịnh Manila là trung tâm đầu não của Philippines, nếu Malina sụp đổ thì cả đất nước sẽ sụp đổ”.

Bên cạnh đó, ông Bacordo khẳng định dù hải quân phản đối việc di rời khỏi Sangley Point nhưng họ vẫn ủng hộ dự án xây dựng sân bay SPIA. Ông cho biết hải quân sẽ tiếp tục ở lại để đảm bảo nhiệm vụ.

Dự án Sân bay Sangley đã được bắt đầu xây dựng từ năm 2018 với đường băng dài 2,4 km và đã đi vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6/2019. Tới tháng 2/2020, dự án SPIA chính thức được khánh thành và bàn giao cho các nhà thầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện.

Nguồn vốn đầu tư

Trang The Star đưa tin, phần lớn nguồn vốn đầu tư vào dự án SPIA sẽ đến từ ngân Trung Quốc. Theo đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ cung cấp 75%, tương đương với 413,25 tỷ peso trong tổng chi phí dự án. Theo đó, các khoản vay này sẽ có thời hạn 25 năm, bao gồm 10 năm ân hạn, với lãi suất 2-3% một năm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc cũng sẽ cung cấp 126,7 tỷ peso vốn cổ phần, tương đương 23% dự án.

Nhà thầu phụ trách bị Mỹ đưa vào danh sách đen

Dự án SPIA, một trong những dự án sân bay lớn nhất của Philippines hiện nay, đã được bàn giao cho nhà thầu Trung Quốc, Công ty Xây dựng Truyền thông (CCCC) và Công ty MacroAsia của Philippines đồng phụ trách.

Trước đó, 6 tập đoàn khác, bao gồm tập đoàn cơ sở hạ tầng Metro Pacific Investments Corp và Prime Asset Ventures của tỷ phủ Manuel Villar Jr cũng đã tham dự đấu thầu nhưng không thành công.

Nhiều tranh cãi đã nổ ra sau khi "ông lớn" Trung Quốc CCCC tiếp nhận dự án Sân bay Quốc tế Sangley Poinr. Ảnh: NNA Business News

Công ty CCCC được biết đến là “ông lớn” trong ngành xây dựng Trung Quốc và từng đứng ra phụ trách nhiều dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nhiều tranh cãi đã nổ ra sau khi CCCC nhận gói thầu này bởi trước đó, CCCC từng bị Ngân hàng Thế giới liệt vào danh sách đen do các cáo buộc tham nhũng và gian lận trong đấu thầu.

Nhiều người đã xem xét các tài liệu liên quan tới dự án và cho rằng công ty Trung Quốc đã nhận được sự ưu ái từ chính quyền Cavite ngay từ đầu. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh này đã bác bỏ những lập luận trên. 

Bên cạnh đó, “ông lớn” Trung Quốc mới đây còn bị Mỹ cấm vận do có liên quan tới hoạt động cải tổ Biển Đông. Nhiều mối lo ngại đã được đặt ra về vấn đề an ninh quốc gia Philippines khi có sự can thiệp của công ty Trung Quốc.

 Minh Hạnh (Theo Inquirer, The Star, Straits Times)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cong-ty-trung-quoc-bi-my-cam-van-thi-cong-sieu-du-an-san-bay-11-ty-usd-tai-philippines-a338116.html