+Aa-
    Zalo

    Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần

    ĐS&PL Trong quá trình thăm khám và điều trị cho các bệnh nhân đã khỏi Covid-19, các chuyên gia cho biết, đa số các bệnh nhân ám ảnh sợ không gian hẹp, ám ảnh sợ xã hội...

    Ghi nhận di chứng phổi, rối loạn tâm thần sau khi mắc Covid-19

    Chủ tịch UBND Tp.HCM Phan Văn Mãi vừa có quyết định tạm dừng hoạt động Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Tp.HCM, sau hơn 5 tháng thành lập. Đây là tín hiệu đáng mừng và cũng phản ánh thực tế khi số ca mắc mới và tử vong theo ngày tại Tp.HCM liên tục giảm sâu.

    Cụ thể, số ca mắc mới tại Tp.HCM dao động trên dưới 500 ca mỗi ngày, số ca tử vong là 20 ca - mức thấp nhất trong 175 ngày kể từ ngày 16/7/2021.

    Báo cáo của Sở Y tế Tp.HCM ngày 9/1 cho thấy, Tp.HCM vừa phát hiện thêm ca nhiễm biến thể Omicron mới là ca nhập cảnh và được cách ly ngay khi nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại thành phố lên 12 ca. Hiện, thành phố đang cách ly y tế 966 người nhập cảnh.

    Tuy số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày tại Tp.HCM giảm sâu, Tp.HCM cũng lần đầu xác định tình hình dịch Covid-19 đạt cấp độ 1, nhưng đây là số liệu đánh giá theo tuần và cấp độ này xét trên bình diện toàn thành phố nên cần thực hiện triệt để 5K, tiếp tục được giám sát chặt chẽ nhất là khi Tp.HCM ghi nhận di chứng tim phổi, rối loạn tâm thần ở những người sau khi mắc Covid- 19.

    Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 do UBND Tp.HCM tổ chức mới đây, Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM - ông Tăng Chí Thượng cho biết, thành phố bắt đầu ghi nhận một số người gặp vấn đề về sức khỏe sau khi mắc Covid-19.

    Theo ông Thượng, biểu hiện của nhiều người sau mắc Covid-19 khá đa dạng như mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần...

    "Ngành y tế xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2022. Ngành y tế đang cùng các chuyên gia xây dựng kế hoạch can thiệp với các mục tiêu, giải pháp cụ thể", ông Tăng Chí Thượng cho biết.

    Cũng theo Giám đốc Sở Y tế, trong năm 2022, ngành y tế tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng là phòng chống dịch Covid-19; không làm gián đoạn công tác chăm lo sức khỏe cho nhân dân, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tốt nhất.

    Nhiều F0 khỏi bệnh tìm đến bác sĩ tâm thần

    Chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt ứng dụng hỗ trợ tâm lý DR.PSY ngày 9/1, Ths.BS tâm thần Bùi Phương Thảo (Bệnh viện Tâm thần Ban Ngày Mai Hương) cho biết, tâm thần là một bệnh phổ biến trong cộng đồng. Ở Mỹ 50% số ca khám ở khoa khám bệnh là yêu cầu được khám tâm thần.

    Ở Việt Nam những năm gần đây do đời sống tinh thần người dân cao hơn, nhận thức nhiều hơn nên sức khỏe tâm thần cũng được quan tâm hơn.

    "Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, mỗi ngày chúng ta đều thấy tràn ngập những con số đong đếm được như ca mắc, ca nặng, ca tử vong... Nhưng còn một thứ vô hình- những hậu quả gián tiếp của đại dịch thì không thể thống kê. Đó là nhiều người rơi vào trạng thái stress, sang chấn tâm lý nặng nề, kéo dài, gây ra nhiều rối loạn tâm thần. Covid-19 đã làm trầm trọng thêm vấn đề sức khoẻ tâm thần, khiến các ca trầm cảm tăng lên", BS. Thảo chia sẻ.

    covid 19 da lam tram trong them cac van de ve suc khoe tam than dspl 1

    Sức khỏe tâm thần càng trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch Covid-19.

    Trong quá trình tư vấn, điều trị cho các bệnh nhân F0 đã khỏi bệnh, BS. Thảo cho hay, những bệnh nhân tìm gặp bác sĩ có nhiều dạng như: Ám ảnh sợ không gian hẹp, ám ảnh sợ xã hội, buồn chán, bi quan, tự ti, trí nhớ giảm sút...

    BS. Thảo nêu ví dụ: "Có nhiều trường hợp mắc hoảng sợ kịch phát, nếu họ không đi với người nhà họ sẽ phát hoảng và không làm chủ được bản thân...".

    BS. Thảo cũng cho hay, một khảo sát do Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 Tp. Thủ Đức từ tháng 9 cho thấy 53,3% bệnh nhân tại đây bị rối loạn lo âu, 16,7% stress và 20% trầm cảm. Đặc biệt những bệnh nhân nặng phải thở máy, tỉ lệ trầm cảm và rối loạn lo âu lên tới 66,7%. Khoảng 67% bệnh nhân mong muốn được tư vấn, điều trị tâm thần.

    "Lượng công việc của tôi và số bệnh nhân cần khám chữa bệnh trong 2 năm qua tăng lên rất nhiều. Đặc biệt, các nhóm bệnh lo âu, trầm cảm, nghiện game internet ở trẻ em, các rối loạn ám ảnh sợ,... DR.PSY ra đời lúc dịch bệnh căng thẳng nhất, đã tạo nên một "gia đình nhỏ" cho các bệnh nhân cần được giúp đỡ về tâm lý, tâm thần không thể đi khám trực tiếp mùa dịch", BS Thảo nói.

    Khi nào cần hỗ trợ của chuyên gia tâm lý?

    Trao đổi tại buổi họp báo, TS. Nguyễn Bá Đạt, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, không phải lúc nào chúng ta gặp rối loạn về mặt tâm lý hoặc các chứng bệnh tâm thần thì mới nên đi gặp các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, mà trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta để ý đến sức khỏe, cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không vui, không được hạnh phúc hoặc là không còn làm chủ được những hành vi, cách ứng xử và những cảm xúc thì khi đó nên đến gặp các cái nhà tâm lý làm công việc tham vấn, trị liệu tâm lý, tư vấn tâm lý để nhận sự hỗ trợ về mặt tâm lý.

    Trong khi đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý DR.PSY cho rằng, việc thăm khám và điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần mà không xem xét một cách tổng thể thì chẳng khác nào "thầy bói xem voi".

    Nói về quyết định hỗ trợ tâm lý cho mọi người, đặc biệt nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe tinh thần, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng nhớ lại về cuộc gọi lúc 12h đêm của 10 năm về trước.

    "Người bạn thân duy nhất của tôi có tên M. bị rối loạn giấc ngủ. Mặc dù, đã được đi thăm khám và kê đơn thuốc chống trầm cảm nhưng nguyên nhân gốc rễ đằng sau là những căng thẳng, áp lực từ học tập, gia đình vẫn còn và giày vò M. hàng ngày. Nhận ra khó khăn của M., tôi đã tư vấn cho gia đình bạn nên sử dụng kết hợp thuốc và trị liệu tâm lý. Tuy nhiên, tư vấn của tôi khi ấy là một cậu sinh viên năm cuối đại học đã không được chấp nhận.

    Một năm sau, vào lúc 12h đêm, người bạn ấy gọi điện cho tôi. Cuộc gọi đầy sự gấp gáp và bức bối, vì lúc ấy, với M. việc tự tử là cách duy nhất để kết thúc cuộc sống đầy áp lực, ngột ngạt này. Thật may là sau cuộc trò chuyện cùng tôi, ý muốn ấy của M. đã được xoa dịu. Sau cuộc gọi ấy, tôi cũng không dám hình dung nếu những người như M. không nhận sự hỗ trợ kịp thời thì mọi chuyện sẽ tệ đến mức nào. Và cũng bởi vậy, tôi nung nấu ý tưởng phải có một dịch vụ tâm lý có thể hỗ trợ ngay tức khắc thay vì phải chờ đặt lịch hay phải gặp trực tiếp", chuyên gia Nguyễn Ngọc Hoàng chia sẻ.

    Từ những chia sẻ đó, chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng mong muốn mọi người khi có dấu hiệu bất ổn về mặt tâm lý, sức khoẻ tâm thần đều có thể nhanh chóng kết nối với các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được hỗ trợ, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 kéo dài làm hạn chế sự gặp gỡ, giao lưu trực tiếp.

    Hơn 6.000 lượt cài đặt ứng dụng hỗ trợ tâm lý

    "Trong hai dự án cộng đồng lớn là "Dr.Psy cùng Việt Nam chiến thắng đại dịch" với dự án "Bình thường mới cùng Dr.Psy" đã có 6.200 lượt cài đặt ứng dụng, có khoảng 5.600 bệnh nhân được hỗ trợ miễn phí bởi 2 dự án và có 20 khách hàng được hỗ trợ trực tiếp tại văn phòng. Và sau khi được hỗ trợ về mặt tâm lý, các bệnh nhân đã vượt qua được cảm xúc tiêu cực", chuyên gia tâm lý Nguyễn Ngọc Hoàng cho biết thêm.

    Hoàng Bích - Thu Lan - Công Thư

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4(10)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/covid-19-da-lam-tram-trong-them-cac-van-de-ve-suc-khoe-tam-than-a526896.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan