Cụ ông chết bất đắc kỳ tử khi đang “đấu võ mồm” với nhà hàng xóm?


Chủ nhật, 12/10/2014 | 01:03


Cho rằng nhà hàng xóm trong lúc xây nhà đã lấn sang phần đất nhà mình, cụ Tôn Thất Tùng đã nhiều lần sang nhà hàng xóm nói chuyện phải trái.

Cho rằng nhà hàng xóm trong lúc xây nhà đã lấn sang phần đất nhà mình, cụ Tôn Thất Tùng (70 tuổi, ngụ đường Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã nhiều lần sang nhà hàng xóm nói chuyện phải trái. Trong lúc lời qua tiếng lại ông Tùng lăn ra đất đột tử.

Cụ ông chết bất đắc kỳ tử khi đang “đấu võ mồm” với nhà hàng xóm?

Đột tử hay bị đánh chết?

Đám tang diễn ra trong buồn tẻ, ảm đạm. Không hoa tươi. Không kèn trống. Không tiếng khóc than. Người đến viếng cũng thưa thớt. Gia đình nghèo, căn nhà nhỏ của ông lão quá chật chội, không thể làm đám tang. Người thân đành đưa thi thể sang nhà thờ họ tổ chức tang lễ.

Em gái ông Tùng kể, gia đình anh trai bà vốn có hiềm khích với nhà hàng xóm từ lâu. Hai nhà sát vách, ngăn cách bởi bờ tường rào nhỏ. Từ khi hàng xóm xây nhà, đập luôn tường rào, ông lão phật ý, cho rằng hàng xóm xây nhà lấn đất, xích mích càng trầm trọng. Vào buổi chiều ngày 19/9 vừa qua, khi ông lão đang cãi cự với đám thợ hồ, bỗng ngã lăn ngất xỉu rồi tắt thở.

Cơ quan chức năng nhanh chóng có mặt, phong tỏa hiện trường, khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân cái chết. Rất nhiều người dân hiếu kỳ đến xem, đến hơn 7h tối mới giải tỏa.

Em gái nạn nhân nghi ngờ cái chết nhiều uẩn khúc: “Nếu chỉ đánh “võ mồm”, sao anh tui lại ngã, đầu lại có nhiều vết thương? Trong khi có hàng xóm kể lại, lúc xảy ra cãi cọ, đã nghe “nhà kia” tuyên bố, “có đánh chết người, thì tau chịu””.

Mặc dù vậy, lúc cơ quan chức năng yêu cầu mổ tử thi, gia đình nạn nhân đã từ chối. Họ viết giấy cam kết không có bất kỳ khiếu nại gì. “Anh tui sống một đời cơ cực. Chết cũng trong ấm ức. Mắt cứ trợn ngược, vuốt bao nhiêu lần vẫn không chịu nhắm. Giờ phải chịu cảnh mổ xẻ đau đớn thêm tội nghiệp. Hơn nữa, những người kia cũng chỉ là kẻ làm thuê làm mướn, nghèo khổ như nhau. Có khiếu kiện, không chỉ tội mình, mà họ cũng lao đao”, người em nói.

Người chết thuộc diện khó khăn, không con cái. Thời trẻ, người chồng làm thuê làm mướn. Vợ chạy chợ, buôn bán tảo tần. Mớ rau, bó cải mỗi phiên chợ sớm chỉ giúp ông bà có cái ăn, cái mặt. Lúc về già, không còn sức, hai vợ chồng chỉ biết dựa vào lòng hảo tâm của mọi người, ai cho gì ăn nấy. Nghèo, đến chỗ đất để chôn cũng không có. Chiếc áo quan cũng do người thân gom góp mỗi người một ít mới mua được.

Mất trụ cột gia đình

Bà Đỗ Thị Xuân (63 tuổi, vợ người chết) ngậm ngùi kể, vợ chồng bà lận đận đường con cái. Sau khi cưới đã lâu vẫn không có con, ông bà quyết định xin con về nuôi. Ước mong có tiếng trẻ con bi bô nói cười, cho cửa nhà ấm áp, sau này lớn tuổi, cũng có người tới lui thủ thỉ bớt quạnh hiu. Nhưng xin con năm lần bảy lượt đều không thành.

Hiện tại, ông bà có người con gái nuôi được đặt cái tên rất đẹp là Tôn Nữ Cẩm Phương. Cô gái này dù đã bước qua tuổi 27, nhưng không biết đi, chỉ biết cười, chỉ nói vài ba tiếng bập bẹ. Hồi nhận Phương về nuôi, cô bé chỉ mới lọt lòng mẹ hai tiếng, trắng trẻo, bụ bẫm, đôi mắt to tròn.

Thấy con mãi không biết lật, biết bò, vợ chồng bà ngày đêm lo lắng, đến tháng thứ bảy ôm con đến bác sĩ. Nghe thông báo đứa trẻ bị bại não bẩm sinh, đất dưới chân bà như sụp đổ. Thương con, bao nhiêu tiền dành dụm, bà mang ra chạy chữa cho đứa con nuôi hẩm hiu. Hai năm liền thuốc thang, tiền bạc đội nón đi hết, bệnh tình không thuyên giảm, mới chấp nhận số phận.

Đứa bé giờ đã lớn phổng phao, nhưng chỉ nằm một chỗ, chỉ biết ăn rồi ngủ, không đi lại được. Mỗi ngày, bà lại chật vật bồng con từ giường ngủ ra trước nhà ngồi chơi, đến bữa đút cho ăn. Ngay cả vệ sinh cá nhân, bà cũng phải làm giúp con.

Cụ ông chết bất đắc kỳ tử khi đang “đấu võ mồm” với nhà hàng xóm?
Hiện trường nơi ông Tùng lăn ra đất mất mạng.

“Hồi ấy, có lần tui bệnh, không chăm sóc nó được, cũng định đưa nó vào trại trẻ mồ côi để có người chăm sóc. Nhưng nó cứ níu tay tui, mếu máo. Nghe con bập bẹ nói được mấy tiếng “con ở với ba mạ”, tui ứa nước mắt. Thương quá không chịu được nên cứ nuôi. Nhà nghèo, rau cháo cũng qua bữa”. Thấy bà nghèo, nhiều nhà hội từ thiện, nhà chùa cũng có ý đón Phương đi. Tuy không có công sinh, nhưng lại có công dưỡng, bà thương đứa con tật nguyền, không nỡ lòng rời xa.

Đêm đầu tiên cha nuôi mất, con gái cứ nằm trước nhà, dỗ dành kiểu chi cũng không đi ngủ. “Nó bảo ngồi đợi ba. Ba đi chơi giờ mà chưa chịu về”. Nghe con gái nuôi bập bẹ nói tiếng được tiếng mất, nước mắt bà lặng lẽ chảy dài trên má.

Nhiều năm nay, vợ chồng bà với đứa con tật nguyền sống nhờ vào gánh hàng rau trước nhà. Mỗi sáng, vợ chồng bà dậy từ sớm. Ông chở bà sang chợ đầu mối lấy rau về bán. Chợ tuy xa nhà, nhưng lấy tận gốc với giá rẻ, giúp bà kiếm thêm được vài đồng. Sáng nào ông cũng gắng gượng dậy sớm chở bà đi vì bà không biết đi xe. Giờ ông mất, coi như hai mẹ con bà mất đi chỗ dựa. “Ông ấy mất rồi, giờ hai mẹ con chỉ biết nương tựa vô nhau mà sống. Tui chỉ mong mình có sức khỏe, để còn chăm sóc nó. Nhưng không biết sau này, phải xoay sở cái ăn ra răng?”, bà bần thần.
Chẳng biết cô gái tật nguyền có hiểu hết câu chuyện mẹ nuôi đang kể. Chỉ thấy cô cứ ngồi gục mặt, vẻ buồn thiu nhìn sang bên kia đường. Bên ấy, đám tang của cha nuôi đang diễn ra trong quạnh qũe. Người mẹ thủ thỉ: “Sáng nay tui mới giải thích, nên nó đã biết ba không còn. Sáng chừ hắn cứ ngồi như rứa. Ngày ông ấy còn sống, ông thương hắn ghê lắm. Nên dù ngây ngây ngô ngô, nhưng ba mất, hắn cũng biết buồn”.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cu-ong-chet-bat-dac-ky-tu-khi-dang-dau-vo-mom-voi-nha-hang-xom-a55020.html