+Aa-
    Zalo

    Cục Đăng kiểm đưa ra khuyến cáo người dân sau vụ xe Mazda 3 bị "phù phép" trùng số khung, số máy

    (ĐS&PL) - Để tránh gặp phải tình trạng phương tiện bị hàn lại số khung, số máy, lãnh đạo Cục Đăng kiểm khuyến cáo người dân không nên mua xe cũ trôi nổi trên thị trường và cần check "hộp đen" trên xe để xác minh số khung, số máy gốc của xe có trùng với số khung, số máy hiện tại hay không.

    Theo báo Thanh niên, sáng 8/7, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết có tình trạng đánh cắp số khung, số máy của xe này để đăng ký cho xe khác, hoặc tình trạng "mẹ bồng con" là giả giấy tờ cùng số khung, số máy nhưng đăng ký cho nhiều xe khác nhau. 

    Liên quan đến sự việc anh L.M.H (trú quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) mới đây tìm lại được chiếc xe Mazda3 bị mất cắp vào năm 2017 và được tòa án ra quyết định trả lại xe tháng 4. 

    Nhưng khi đi làm thủ tục đăng ký lại, anh bất ngờ khi biết số khung, số máy đã bị thay thế bằng chiếc xe khác. Cụ thể, Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.Hà Nội) phát hiện chiếc Mazda3 của anh H. đã bị cắt, hàn số khung, số máy và thay thế bằng số khung, số máy của một chiếc xe khác, vì thế đơn vị chưa thể tiếp nhận hồ sơ đăng ký lại của anh H.

    cuc dang kiem dua ra khuyen cao nguoi dan sau vu xe mazda3 bi chong xac
    Số khung số máy của phương tiện đã bị hàn lại rất tinh vi. Ảnh: VietNamnet.

    Điều đáng nói, trước đó chiếc xe này đã được mua đi bán lại nhiều lần, thay tên đổi chủ và đã từng được đăng kiểm thành công dưới các đời chủ cũ.

    Trước sự việc này, ông Tô An nhận định, các đối tượng trộm cắp đã "hóa xác" xe anh H. bằng cách sử dụng số khung, số máy của một chiếc xe từng bị hư hỏng nặng không khắc phục được để thay thế cho số khung, số máy gốc đã bị hàn, cắt đi. Sau đó tiến hành đi đăng ký lại cho chiếc xe Mazda3 của anh H. và tiêu thụ ra thị trường.

    Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, việc kiểm tra số khung, số máy là khâu bắt buộc trong quy trình 5 bước kiểm định xe cơ giới. Đăng kiểm viên sẽ quan sát số khung, số máy bằng mắt và đối chiếu xem có đúng với giấy đăng ký xe hay không. Với những xe có dấu hiệu cắt hàn, đục tẩy số khung, số máy, cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối kiểm định.

    Lý giải cho sự việc xảy ra trong trường hợp của anh H. này, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, các đối tượng trộm cắp sử dụng những thủ đoạn rất tinh vi là số khung, số máy được hàn nguyên tấm thép với các dãy ký tự theo đúng số đăng ký theo xe, sau đó ngụy trang bằng lớp sơn phủ.

    "Trường hợp này, để phát hiện có can thiệp hay không phải sử dụng hóa chất để tẩy rửa sơn phủ, mới lộ vết hàn. Nhưng theo quy định, đăng kiểm viên không được phép can thiệp như thế. Vì thế,  nên chiếc xe Mazda3 bị hàn cắt số khung, số máy thay bằng số khung, số máy mới vẫn qua được đăng kiểm", ông An nói và cho rằng trường hợp này cực kỳ hy hữu.

    Để hạn chế tối đa những sự việc tương tự có thể xảy ra, ông Tô An khuyến cáo người dân, không nên mua xe cũ trôi nổi trên thị trường, khi mua xe cũ cần xác minh rõ nguồn gốc. Theo đó, có thể mang chiếc xe tới hãng sản xuất nhờ check "hộp đen" trên xe để xác minh số khung, số máy gốc của xe có trùng với số khung, số máy hiện tại hay không.

    Đồng thời lãnh đạo Cục Đăng kiểm cũng đề xuất ý kiến: "Những chiếc xe bị hư hỏng nặng xác định là không thể khôi phục cần phải được cơ quan quản lý thu hồi giấy đăng ký, biển số xe và đưa dữ liệu lên hệ thống để cảnh báo. Chủ xe phải làm thủ tục để hủy bỏ giấy tờ, nếu không sẽ không được đăng ký xe mới".

    Trước đó, sự việc cũng được VietNamnet phản ánh, anh L.M.H đã tìm lại đc chiếc xe ô tô Mazda3 màu đỏ sau thời gian thất lạc gần 4 năm. Nhưng với lý lịch phức tạp cùng nhiều điểm vướng mắc khiến chiếc Mazda3 này vẫn chưa được Đội Đăng ký và quản lý phương tiện (thuộc Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội) tiếp nhận hồ sơ và giải quyết đăng ký lại, dù trước đó, chính đơn vị này đã cấp biển số 30G-027.73 cùng giấy tờ cho chiếc xe này, theo VietNamnet.

    Theo tìm hiểu của phóng viên từ những người am hiểu xe cũ, đối tượng lấy trộm chiếc xe có thể đã sử dụng thủ thuật "chồng xác". Đây là chiêu trò sử dụng giấy tờ hợp pháp của một phương tiện (thường là xe bị tai nạn, cháy nổ không thể khôi phục được), rồi gắn sang một chiếc xe khác không có giấy tờ. Các xe "chồng xác" cho nhau thường phải cùng nhãn hiệu, chủng loại và năm sản xuất.

    Các đối tượng sẽ thực hiện cắt, hàn hoặc đục lại số khung số máy của chiếc xe một cách rất tinh vi để "khớp nối" giữa xác xe và giấy tờ, sau đó làm thủ tục đăng ký lại. 

    Dù quy định tại Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã "nói không" với việc cấp lại đăng ký xe với trường hợp số khung số máy bị cắt, hàn. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn không ít chiếc xe "chồng xác" vẫn qua được cửa đăng ký và lưu thông, mua bán bình thường.

    Bảo An(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuc-dang-kiem-dua-ra-khuyen-cao-nguoi-dan-sau-vu-xe-mazda-3-bi-phu-phep-trung-so-khung-so-may-a582266.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan