+Aa-
    Zalo

    Cúm A (H7N9) diễn biến phức tạp, Bộ Y tế họp khẩn

    • DSPL
    ĐS&PL Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn về dịch cúm gia cầm lây truyền từ gia cầm sang người, trong đó trọng tâm là cúm A (H7N9).

    Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn về dịch cúm gia cầm lây truyền từ gia cầm sang người, trong đó trọng tâm là cúm A (H7N9).

    Chiều tối ngày 20/2, Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn  về dịch cúm gia cầm lây truyền từ gia cầm sang người.

    Phát biểu tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng bộ Y tế cho biết, trong thời gian gần đây, cúm A (H7N9) đang diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành của Trung Quốc với số mắc tăng cao đột biến, tỷ lệ tử vong cao (khoảng 40%), trong đó tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây là nơi có giao lưu thương mại, du lịch nhiều với nước ta.

    Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, đây là lần thứ 5 kể từ năm 2013 tới nay thế giới có dịch và lần này nhận định diễn biến phức tạp hơn cả về mặt địa lý cũng như số người mắc tăng nhanh, tỉ lệ tử vong cao.

    Ngay sau khi có thông tin về đợt dịch thứ 5, bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh tăng cường các biện pháp ứng phó, tập trung vào việc kiểm soát chống nhập lậu gia cầm.

    GS.TS Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế.

    Cục Y tế dự phòng có văn bản gửi sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện ngày 17/2 về nghiêm cấm việc vận chuyển buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới... Tăng cường giám sát việc lưu hành, phát hiện sự xâm nhập cúm gia cầm.

    Phát biểu trong cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT cũng đưa ra thông tin: Trong 2 tháng đầu năm 2017 ở nước ta đã xảy ra 3 ổ dịch cúm gia cầm A (H5N1) trong đó, hai ổ dịch tại xã Vĩnh Phú Đông, huyên Phước Long, tỉnh Bạc Liêu và xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    “Ngay trong ngày 20/2, tại xã Trực Thuận, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã xuất hiện ổ dịch cúm A (H5N1) trên 3 hộ và tiêu hủy 4.600 con gia cầm. Cũng trong ngày 20/2, UBND huyện Trực Ninh đã ra công bố dịch”, đại diện Bộ NN&PTNT nói.

    Ngoài ra, hiện nay cả nước có 02 ổ dịch lở mồm long móng típ O xảy ra tại xã Đức Lập, huyện Đức Thọ và phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

    Cũng trong cuộc họp PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) cho biết thêm, tích lũy từ tháng 3/2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 1.183 trường hợp mắc dịch này. Các trường hợp mắc hầu hết có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống tại các chợ buôn bán gia cầm hoặc với môi trường bị ô nhiễm do gia cầm nhiễm bệnh; hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền dễ dàng từ người sang người.

    Đồng thời, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1/2017 đã xảy ra một số ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Cam Pu Chia) là tỉnh có chung đường biên giới với nước ta.

    “Ở Việt Nam không có cúm A (H7N9, H5N8, H5N1) ở người trong khi vẫn ghi nhận một số ổ dịch cúm A (H5N1) trên gia cầm. Cúm mùa lưu hành 3 chủng: H3N2 chiếm 44,4%; cúm B chiếm 43,4%; cúm A (H1N1) chiếm 12,2%”, PGS. TS Trần Đắc Phu chia sẻ.

    Các biện pháp ngăn ngừa dịch cúm gia cầm

    Để chủ động ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây truyền sang người, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Công an, Bộ đội biên phòng tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

    Toàn cảnh cuộc họp khẩn của Bọ Y tế liên quan đến dịch cúm gia cầm.

    Đồng thời, Sở NN&PTNN phải tăng cường giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.

    Đối với các Sở Y tế, tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; triển khai các biện pháp truyền thông cho hành khách xuất, nhập cảnh đi/đến vùng có dịch về các biện pháp phòng chống. Đơn vị này cũng phải tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng, lưu ý đối với các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết cần được lấy mẫu bệnh phẩm gửi về các viện Vệ sinh dịch tễ/viện Pasteur để xét nghiệm và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị, phòng chống dịch. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm sang người và xử lý ổ dịch khi có dịch xảy ra.

    Bộ Y tế cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh thành phố, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường; chỉ ăn thịt gia cầm và các sản phẩm gia cầm đã được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khuyến cáo người dân đi/đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong.

    Cũng theo Bộ y tế, lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài chính có kế hoạch cấp sớm kinh phí phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế và các đơn vị tham gia công tác phòng, chống dịch ngay từ đầu năm để triển khai các hoạt động tăng cường giám sát, phòng, chống dịch chủ động; bố trí kinh phí dự phòng phục vụ công tác phòng chống dịch, sẵn sàng cấp bổ sung trong trường hợp xảy ra các ổ dịch cúm trên gia cầm, lây sang người và trên diện rộng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cum-a-h7n9-dien-bien-phuc-tap-bo-y-te-hop-khan-a181609.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan