+Aa-
    Zalo

    Cuộc di dời “vô tiền khoáng hậu” của nhà máy thép ngàn tỉ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hoạt động trong khu vực được quy hoạch thì gây ô nhiễm, “bức tử” người dân. Số phận một nhà máy thép ngàn tỉ ở Quảng Nam đang được đưa ra xem xét.

    (ĐSPL) - Hoạt động trong khu vực được quy hoạch thì gây ô nhiễm, “bức tử” người dân. Hai lần xin chuyển đến địa điểm mới nhưng đều vấp phải sự phản đối quyết liệt của người địa phương. Số phận một nhà máy thép ngàn tỉ ở Quảng Nam đang được đưa ra xem xét một cách nghiêm túc nhất. Xung quanh đó là nhiều ý kiến trái chiều về được - mất giữa kinh tế và môi trường…

    Đau đầu vì thép

    Thời gian qua, dư luận 2 tỉnh, thành Quảng Nam, Đà Nẵng rộ lên thông tin UBND tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương cho phép đầu tư xây dựng nhà máy thép luyện cán thép Việt Pháp (thuộc công ty TNHH Thép Việt Pháp) tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang.

    Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, tại Thông báo số 420/TB-UBND do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký ngày 23/9, đã thỏa thuận địa điểm lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy luyện cán thép Việt Pháp tại thôn Hoa. Cũng tại thông báo này, công ty TNHH Việt Pháp sẽ được chọn địa điểm lập dự án với diện tích khoảng 17ha. Được biết, dự án nhà máy thép trên có vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Theo báo cáo từ chính đơn vị này, quy mô sản lượng của nhà máy đạt 180.000 tấn/năm.

    Chuyện mở một nhà máy sẽ không có gì đáng bàn, nhưng với người dân sở tại, điều họ quan tâm không chỉ là dự án làm lợi bao nhiêu cho tỉnh, cho dân mà hoạt động sản xuất đó tác động đến môi trường như thế nào, nhất là khi nhà máy lại ở đúng ngay đầu nguồn của hàng loạt sông, suối đổ về xuôi như Vu Gia (đoạn qua Nam Giang gọi à sông Cái – PV), sông Bung. Từ các dòng này sẽ đổ về nhiều sông suối khác ở trung du và nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu dân thuộc Bắc Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Trường Ảnh, Giám đốc công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng cho hay, ông đã “sốc” khi nghe được thông tin trên. “Nói chung ai nghe xong cũng giật mình, cũng lo ắng”, ông Ảnh bày tỏ.

    Đáng nói hơn, dù tỉnh Quảng Nam có chủ rương đồng ý, nhưng nhiều đơn vị của tỉnh này lại... phản đối. Trao đổi với PV, lãnh đạo sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Nam cho hay, quan điểm của Sở là không thống nhất cho phép dự án nhà máy thép trên đặt tại thị rấn Thạnh Mỹ. Phân tích rõ hơn, Sở này cho biết, đã có văn bản gửi UBND tỉnh xem xét lại vấn đề trên.

    Khi nghe PV hỏi về dự án, nhiều người dân Thạnh Mỹ cũng lắc đầu, sợ ô nhiễm. Trả lời PV, ông Ka Pu Tân, Chủ tịch UBND thị trấn cho hay, vừa qua, chính quyền đã tổ chức họp 17 hộ dân tại tổ 3, thôn Hoa. Đại đa số người dân đều phản đối việc đặt nhà máy thép ở địa phương này.

    Bên cạnh những ý kiến phản đối, cũng có một số người đồng tình với chủ trương trên. Theo họ, Nam Giang nói chung và thị trấn Thạnh Mỹ nói riêng còn nghèo nàn, lạc hậu so với mặt bằng chung của tỉnh. Nếu một nhà máy công nghiệp hiện đại, quy mô ngàn tỉ xuất hiện sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người dân bản địa.

    Nhà máy thép hiện đại hay trò chơi “đá bóng” lò xả thải

    Trong khi chính quyền và người dân địa phương đang đau đầu bởi bài toán môi trường – kinh tế, PV tiếp tục tìm hiểu thêm và được biết thực tế, nhà máy thép Việt Pháp không phải mới xuất hiện ở Quảng Nam. Dự án này thực chất chỉ là di dời từ khu công nghiệp Thương Tín 1, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn.

    Nhiều năm qua, người dân phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) đã dựng lều phản đối vì nhà máy thép Việt Pháp gây ô nhiễm. Ảnh: Người lao động.

    Nhìn vào thực tế hoạt động của nhà máy thép này tại Thương Tín 1 rất đáng lo ngại. Không chỉ góp phần “bức tử” đời sống người dân bằng khí thải độc hại, nhà máy này còn có mức đóng góp cho chính quyền sở tại bằng mức thuế vô cùng “khiêm tốn”. Số liệu PV có được từ cục Thuế tỉnh Quảng Nam chỉ rõ, năm 2014, số thuế đơn vị này đã nộp là 3 triệu đồng và năm 2015 tăng lên đến hơn... 12 triệu đồng!?

    Theo tìm hiểu của PV, muốn nhà máy Việt Pháp “dứt tình” với khu công nghiệp Thương Tín 1 thì mới đây, công ty TNHH Việt Pháp đã đệ trình xin hỗ trợ hơn 120 tỉ đồng. PV đã liên hệ ghi nhận thêm thông tin từ lãnh đạo doanh nghiệp này. Tuy nhiên, một nhân viên cho hay, những ngày qua có rất nhiều báo đài liên lạc đến, nhưng lãnh đạo bận đi công tác nên chưa thu xếp được.

    Ông Phan Việt Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, mới đây, trong cuộc họp ngày 4/10, vấn đề di dời nhà máy thép trên đã được đưa ra bàn thảo và sẽ có họp báo trong thời gian tới đây. Cũng theo vị này, tỉnh mới cho chủ trương khảo sát chứ chưa có quyết định chính thức.

    Trong khi đó, ông Võ Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam thông tin, HĐND tỉnh chưa nhận được ý kiến hay văn bản nào từ UBND về vấn đề trên. “Với dự án lớn như thế này, ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh thì bắt buộc phải được HĐND thẩm định rồi mới quyết định đồng ý hay không”, ông Hồng nói rõ.

    NHÂM THÂN

    Xem thêm video:

    [mecloud]R0rCMJqaOn[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-di-doi-vo-tien-khoang-hau-cua-nha-may-thep-ngan-ti-a165709.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.