+Aa-
    Zalo

    Cuộc đời bi kịch của những "gái hư" nổi tiếng chung tình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mang danh "gái hư" nhưng những người phụ nữ này lại dành trọn trái tim chung tình cho người đàn ông họ đã đem lòng yêu thương.

    (ĐSPL) - Mang danh "gái hư" nhưng những người phụ nữ này lại dành trọn trái tim chung tình cho người đàn ông họ đã đem lòng yêu thương.

    Án nước ngoài

    Lý Hương Quân là kỹ nữ nổi tiếng trong Hương Lâu trên sông Tần Hoài, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Mới 16 tuổi nhưng Lý Hương Quân đã "nổi như cồn" nhờ nhan sắc tuyệt trần của mình. Dù được nhiều quan lại giàu có theo đuổi nhưng nàng danh kỹ này lại một lòng chung tình với chàng thư sinh nghèo tên Hầu Phương Vực.

    Tương truyền, lúc nào Lý Hương Quân cũng mang bên mình một chiếc quạt lụa trên có vẽ hình hoa đào. Điều đặc biệt là chiếc quạt được vẽ bằng chính máu của Lý Hương Quân, ghi dấu mối tình ai diễm giữa nàng và người tình Hầu Phương Vực.

    Lý Hương Quân có dáng người xinh tươi nhỏ nhắn, mềm mại lung linh, đầu mày cuối mắt diễm lệ. Từ nhỏ, nàng lại được dạy bảo kỹ lưỡng, phong thái nho nhã nên ai cũng thương mến. Khách đến Hương Lâu chủ yếu là văn nhân tao nhã và quan lại chính trực, trong số đó có Hầu Phương Vực. Ngay lần đầu gặp nàng, chỉ một ánh mắt, chàng thư sinh đã xiêu lòng Hương Quân. Qua vài lời trò chuyện, họ càng thấy tâm đầu ý hợp, tưởng như đã quen biết nhau từ trước. Khi ấy Hầu Phương Vực 20 tuổi, một thanh niên phong lưu lỗi lạc, còn Lý Hương Quân là ngọc nữ lầu xanh xinh đẹp, đa tài.

    Theo lệ của Hương Lâu, khách muốn kỹ nữ nào phục vụ riêng mình thì phải đóng một số tiền lớn. Nhưng Hầu Phương Vực không lo được khoản tiền này. May mắn thay, chàng đã được một người giúp đỡ. Một thời gian sau, khi biết người cho tiền mình thực chất là Nguyễn Đại Việt - một tên quan vô lại bị thất sủng đang tìm cách lấy lòng mình, Hầu Phương Vực đã tìm mọi cách trả lại tiền. Thấy vậy, Lý Hương Quân đã bán hết nữ trang, vay mượn để giúp người yêu.

    Dù được nhiều quan lại giàu có theo đuổi nhưng nàng Hương Quân lại một lòng chung tình với chàng thư sinh nghèo tên Hầu Phương Vực. Ảnh minh họa.

    Bị trả lại tiền, Nguyễn Đại Việt vô cùng tức giận liền tìm cách trả thù khiến Hầu Phương Vực phải đi lánh nạn ở nơi xa. Kể từ đó, dù hàng trăm người giàu có, chức tước ngày ngày đem tiền bạc đến cầu hôn nhưng Lý Hương Quân một mực đóng cửa chờ người yêu.

    Để trả thù, Nguyễn Đại Việt xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Biết không cưỡng lại được, khi quân lính kéo đến, Hương Quân đã nhảy lầu tự tử, phản đối cuộc hôn nhân nhục nhã này. Thấy vậy, đại quan sợ hãi không dám lấy nàng về làm vợ nữa. Không từ bỏ ý định trả thù, Nguyễn Đại Việt đành chờ Hương Quân lành vết thương rồi đem nàng dâng vào cung cho hoàng đế. Đến khi quân Thanh đánh vào, nàng mới chạy thoát khỏi cung điện và được người thầy dạy nhạc khi xưa che chở. Cảm động trước sự chung tình của người con gái đang chết dần vì bệnh tật, người thầy đã cất công đi tìm Hầu Phương Vực cho nàng. Nhưng khi dẫn được chàng đến nơi thì mỹ nữ tài sắc đã trút hơi thở cuối cùng, chỉ để lại cho người yêu một búi tóc đặt trên chiếc quạt - kỷ vật khi yêu của hai người.

    Cũng nổi danh ở Từ Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc thời nhà Đường) nhưng Quan Phán Phán lại được một viên tướng tên là Trương Âm lấy làm thiếp. Suốt cuộc đời mình, nàng đã dành trọn sự chung tình với chồng.

    Chuyện kể rằng một lần, khi Bạch Cư Dị - một nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ, đi ngang qua Từ Châu đã được Trương Âm mời đãi tiệc. Trong bữa tiệc, Trương Âm có mời người vợ xinh đẹp và tài năng của mình ra múa hát. Ngưỡng mộ dung mạo xinh đẹp và tài năng của Quan Phán Phán, Bạch Cư Dị đã viết hẳn một bài thơ tặng nàng.

    Cuộc đời bi kịch của người kỹ nữ tài sắc này bắt đầu vào khoảng 2 năm sau, khi chồng nàng mắc bệnh mà qua đời. Sự ra đi của Trương Âm đã khiến cho gia thế họ Trương sa sút thê thảm nhưng không vì thế mà Quan Phán Phán trở mặt. Trái lại, nàng vẫn trân trọng những ân tình mà nhà họ Trương đã dành cho mình nên chuyển tới sinh sống tại một căn phòng cũ kỹ của Yến Tử lầu, quyết thủ tiết với Trương Âm. Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, Quan Phán Phán sống trong cảnh người phụ nữ góa bụa.

    Sau này, khi được tin người kỹ nữ xinh đẹp vẫn thủ tiết với chồng, Bạch Cư Dị không tán thành hành động này mà cho rằng, thà nàng chọn cái chết theo chồng còn hơn bởi như thế sẽ được tiếng là liệt nữ, đời sau sẽ ca ngợi tấm lòng cao cả của nàng. Rồi ông làm một bài thơ chế giễu Quan Phán Phán, khuyên nàng nên tự sát theo chồng cũ. Bài thơ đã chạm đến nỗi đau mà nàng chôn giấu hơn chục năm nay. Nàng khóc lớn và nói rằng sở dĩ biết bao năm qua nàng không đi theo chồng là bởi sợ người ngoài hiểu nhầm Trương Âm bắt thê thiếp phải chết theo mình. Và nếu nàng chết như vậy thì không thể hiện sự trung trinh với chồng mà còn làm danh tiếng Trương Âm bị bôi nhọ. Cảm thấy quá uất ức, Quan Phán Phán đã tuyệt thực, 10 ngày sau thì nàng qua đời.

    Luật ta:  Kích động người khác tự sát là tội hình sự

    Thương thay hai người đẹp nghiêng nước nghiêng thành, chỉ vì hai chữ chung tình mà người chết vì bệnh tật (do suy nghĩ quá nhiều), người phải tuyệt thực mà chết. Tuy nhiên, nếu không phải do người khác hãm hại hoặc xúc xiểm thì hai người đẹp đó cũng không phải chết tức tưởi như vậy.

    Với nàng Hương Quân, để trả thù Hầu Phương Vực, Nguyễn Đại Việt đã xúi một vị đại quan lấy Hương Quân về làm thiếp. Để phản đối cuộc hôn nhân này, Hương Quân đã nhảy lầu tự tử. Quyết trả thù bằng được, sau đó Nguyễn Đại Việt đã đưa nàng dâng vào cung cho hoàng đế.

    Hành vi này của Nguyễn Đại Việt có đủ dấu hiệu cấu thành tội cưỡng ép kết hôn theo Điều 146 BLHS. Cưỡng ép kết hôn là việc dùng mọi thủ đoạn bắt buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ. Hành vi cưỡng ép kết hôn được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác.

    Tuy nhiên, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi người vi phạm đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Bị coi là "đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm" nếu trước đó người nào đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê trong một điều luật nói trên, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện chính hành vi đó. Giả sử sau khi cưỡng ép Hương Quân phải làm thiếp vị quan bất thành, Nguyễn Đại Việt đã bị xử phạt hành chính về hành vi cưỡng ép kết hôn nhưng sau đó Đại Việt lại tiếp tục đưa Hương Quân vào triều để dâng lên hoàng đế. Điều này bị coi là đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm và trong trường hợp đó, Đại Việt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 146. 

     Đây là loại tội phạm được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích (đây là dấu hiệu bắt buộc) của người vi phạm là mong muốn hậu quả xảy ra. Hình phạt dành cho tội này là phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

    Bạch Cư Dị là một nhà thơ nổi tiếng và ông còn nổi tiếng hơn nữa khi đã gián tiếp giết nàng Quan Phán Phán bằng một bài thơ. Khi thấy nàng thủ tiết với chồng, thay vì ca ngợi sự chung tình của nàng, ông lại chế giễu nàng, khuyên nàng nên... tự sát theo chồng cũ. Bài thơ đã chạm đến nỗi đau mà Quan Phán Phán chôn giấu hơn chục năm nay. Trong suy nghĩ của nàng, sở dĩ biết bao năm qua nàng không đi theo chồng là bởi sợ người ngoài hiểu nhầm Trương Âm bắt thê thiếp phải chết theo mình. Và nếu nàng chết như vậy thì không thể hiện sự trung trinh với chồng mà còn làm danh tiếng Trương Âm bị bôi nhọ. Nhưng vì bài thơ của Bạch Cư Dị, Quan Phán Phán quá uất ức mà tuyệt thực. Hậu quả là 10 ngày sau, nàng qua đời.

    Điều 101 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tội xúi giục người khác tự sát là hành vi của một người có những lời nói nhằm kích động, dụ dỗ, khuyến khích, thúc đẩy người khác tự sát. Tội phạm xâm phạm gián tiếp tính mạng của người khác.

     Ở đây, Bạch Cư Dị đã dùng bài thơ để chế giễu sự thủ tiết của Quan Phán Phán, đồng thời ông này còn khuyên góa phụ bất hạnh chết theo chồng. Bài thơ và lời lẽ của Bạch Cư Dị đã kích động, dụ dỗ, thúc đẩy Quan Phán Phán tự đoạt tính mạng của mình. Lỗi của nhà thơ nổi tiếng trong vụ này là lỗi cố ý. Hậu quả là làm Quan Phán Phán phải tuyệt thực mà chết...

    Chỉ cần người bị xúi giục có hành vi tự sát là tội phạm đã hoàn  thành.

    Luật cũng quy định rõ người nào xúi giục làm người khác tự sát hoặc giúp người khác tự sát, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

    Như vậy, nếu theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhà thơ Bạch Cư Dị sẽ bị phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 3 năm.

    MỘC MIÊN

    Vụ tiêm nhầm vaccine tại Quảng Trị: 15 năm tù cho 4 bị cáo

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-doi-bi-kich-cua-nhung-gai-hu-noi-tieng-chung-tinh-a89046.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan