+Aa-
    Zalo

    Cuộc đua vào ghế Thủ tướng Nhật Bản: Trọng trách nặng nề của người kế nhiệm ông Abe là gì?

    • DSPL
    ĐS&PL Sau quyết định từ chức đầy bất ngờ của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Nhật Bản đang gấp rút bước vào cuộc đua tìm ra nhà lãnh đạo mới.

    Sau quyết định từ chức đầy bất ngờ của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo, Nhật Bản đang gấp rút bước vào cuộc đua tìm ra nhà lãnh đạo mới.

    Hôm 28/8, trong cuộc họp báo tại văn phòng thủ tướng, ông Abe Shinzo đã thông báo từ chức vì lý do sức khỏe. Quyết định đầy bất ngờ trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới Nhật Bản, hiện giờ Tokyo sẽ phải gấp rút tìm ra một nhà lãnh đạo mới, giúp chèo lái đất nước vượt qua khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và lấp chỗ trống mà ông Abe đã để lại. 

    Thủ tướng Abe Shinzo từ chức vào chiều ngày 28/8. Ảnh: Kyodo News

    Những gương mặt nổi bật có thể kế nhiệm Thủ tướng Abe bao gồm: Cựu Bộ trưởng Quốc Phòng Ishiba Shigeru, cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio, cả 2 quan chức đều đã bày tỏ mong muốn tranh cử thủ tướng sau khi thông tin ông Abe từ chức. Trong khi đó, Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide, phụ tá thân cận của ông Abe, đã từ chối chia sẻ mối quan tâm đối với cuộc đua thành Thủ tướng Nhật Bản. 

    Về phần cựu Thủ tướng Abe Shinzo, ông từ chối tiết lộ người mà ông đặt kỳ vọng sẽ thay ông lãnh đạo Nhật Bản. Theo đó, ông Abe chỉ kêu gọi đảng Lao động Tự do (LDP) hãy lựa chọn công tâm và nhanh chóng. 

    Nguyên tắc bầu cử 

    Được biết, LDP sẽ lựa chọn lãnh đạo thông qua bỏ phiếu. Điều kiện để tham gia tranh cử là ứng viên phải nhận được ít nhát 20 đề cử từ các thành viên trong đảng. Thông thường, ứng viên sẽ có khoảng 12 ngày để vận động bầu cử, ai nhận được nhiều lá phiếu nhất trên tổng số 788 lượt bình chọn của các cử tri sẽ trở thành tân Thủ tướng. Trong đó, các thành viên Quốc hội chiếm 394 phiếu và thành viên các cấp bậc khác chiếm 394 lượt bầu cử còn lại.

    Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các lá phiếu của các cử tri trên toàn quốc sẽ phải gửi qua đường bưu điện, một cách thức tốn khá nhiều thời gian. Đặt trong bối cảnh Nhật Bản cần gấp rút tìm ra một nhà lãnh đạo mới như hiện tại, quy mô cuộc bầu cử trong đảng LDP đã được thu hẹp lại với sự tham gia của thành viên Quốc hội và 3 đại biểu từ 47 chi hội tỉnh với tổng số 535 phiếu bầu.

    Theo Tổng thư ký đảng LDP Nikai Toshihiro, người được ông Abe giao phó trách nhiệm trên, cuộc bầu cử dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/9. 

    Trách nhiệm của tân Thủ tướng

    Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới sẽ tiếp tục đảm nhận vị trí mà cựu Thủ tướng Abe Shinzo để lại đến ngày 21/9/2021. Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ "kế thừa" phần công việc đang bị bỏ dở liên quan tới phục hồi nên kinh tế gặp khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19. Kể từ khi làn sóng dịch bệnh này bùng phát tại Nhật Bản, các hoạt động mua sắm của người dân đã giảm thiểu rõ rệt, bên cạnh đó, ngành du lịch cũng thiệt hại nặng nề do đóng cửa đối với du khách quốc tế. 

    Bên cạnh đó, tân Thủ tướng phải tiếp tục các kế hoạch chuẩn bị cho Thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo trong năm 2021 đang phải trì hoãn do COVID-19. 

    Về mặt ngoại giao, Nhật Bản hiện đang gặp các vấn đề liên quan tới mối quan hệ rạn nứt với Hàn Quốc, tranh chấp lãnh thổ với Nga, đảm bảo sự trở về của công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 1980 và đối phó với Trung Quốc.

    Ngoài ra, mối quan hệ Nhật Bản với Mỹ hiện nay cũng khó có thể nói trước bởi cuộc đua Tổng thống đang diễn ra vô cùng gay cấn, cả 2 ứng viên là Tổng thống Mỹ Donald Trump và đại diện đảng Dân chủ Joe Biden đều có khả năng đắc cử. 

    Trước đó, Thủ tướng Abe đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Donald Trump nhưng sự rút lui của ông sẽ khiến tân Thủ tướng phải tìm kiếm một sự liên hệ mới với Mỹ.

    Tiềm năng của những ứng viên 

    Nhiều quan chức Nhật Bản cho rằng, cuộc bầu cử này sẽ là lợi thế đối với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru (63 tuổi). Trước đó, ông Ishiba từng thua trước ông Abe trong cuộc bầu cử năm 2018. Tuy nhiên, hiện tại ông lại nhận được số lượt ủng hộ cao nhất từ người dân khi được hỏi về việc ai có khả năng trở thành lãnh đạo mới của Nhật Bản. 

    Được biết, ông Ishiba hiện đang lãnh đạo một trong những phe phái nhỏ trong LDP với 19 nhà lập pháp. Để có thể trở thành tân Thủ tướng, ông Ishiba sẽ cần lôi kéo và thuyết phục được những người còn lại trong đảng bầu cử cho mình. Tuy nhiên, chuyên gia Harris Tobias nhận định, ông Ishiba khó có thể đạt được điều này trong một thời gian ngắn.

    Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide, người đứng đầu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Kishida Fumio và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ishiba Shigeru. Ảnh: Kyodo News

    Trong khi đó, đứng đầu chính sách của Đảng Dân chủ Tự do Kishida Fumio (63 tuổi) cũng được đánh giá là một nhân vật có tiềm năng. Ông Kishida, người đứng đầu một nhóm hạng trung với 47 thành viên, phe phái tự do trong LDP, từ lâu đã được coi là "người thừa kế" của ông Abe Shinzo. 

    Tuy nhiên, vấn đề của ông Kishida nằm ở việc thu hút sự chú ý từ dư luận. Một số người, trong đó có cả những thành viên thân cận, đều phải thừa nhận ông Kishida thiếu "sức hút" chính trị. Điều này khó có thể thu hút sự ủng hộ và bầu chọn của các nhà lập pháp trong LDP trong một thời gian ngắn. 

    Mới đây, hôm 30/8, tờ Kyodo News đã cho biết ý định đứng ra tranh cử của  Chánh văn phòng Nội các Suga Yoshihide (71 tuổi). Ông Suga từng là một trong những phụ tá thân cận của ông Abe Shinzo kể từ khi tái đắc cử vị trí lãnh đạo đảng LDP vào năm 2012. Theo đó, ông Suga sẽ công khai ý định này vào ngày 1/9. 

    Các chuyên gia nhận định, dù ông Suga không thuộc bất kỳ phe phái nào, điều khiến ông có ít lá phiếu đảm bảo hơn so với các đối thủ còn lại, nhưng Chánh văn phòng Nội các lại sở hữu thế mạnh là các thành tích lớn. Ông Suga từng có 8 năm làm việc với vai trò một quan chức cấp cao trong chính phủ. 

    Dù vậy, ông Suga Yoshihide cũng vấp phải không ít chỉ trích từ dư luận khi khuyến khích người dân đi du lịch bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông cũng gặp không ít rắc rối bởi mối quan hệ với cựu Bộ trưởng Tư pháp Kawai Katsuyuki, người bị cáo buộc gian lận khi cùng vợ mua phiếu bầu. 

    Ngoài ra, người phụ trách chiến dịch tranh cử đảng LDP Shimomura Hakubun, thuộc phe phái đông thành viên nhất với 97 nhà lập pháp, cũng bày tỏ mong muốn tham gia cuộc đua vào ghế Thủ tướng. Trong khi 2 cựu quan chức cấp cao là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Inada Tomomi và cựu Bộ trưởng Nội vụ Noda Seiko cho biết đang cân nhắc ý định tương tự.

    Các ứng cử viên tiềm năng khác bao gồm Bộ trưởng Ngoại giao Motegi Toshimitsu (64 tuổi) và Bộ trưởng Quốc phòng Kono Taro (57 tuổi). Dù vậy, cả hai đều chưa công bố kế hoạch tranh cử. Hai vị lãnh đạo đều được đào tạo tại Mỹ và thông thạo tiếng Anh, đây sẽ là một thế mạnh đặc biệt trong việc nâng cao vị thế Nhật Bản trên trường quốc tế.

    Được đánh giá là một ứng viên sáng giá, song Bộ trưởng Tài chính Aso Taro cho biết không có ý định tranh cử và sẽ ủng hộ quyết định của phe phái với 54 thành viên của mình trong bất kỳ lựa chọn nào. 

    Minh Hạnh(Theo Kyodo News)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-dua-vao-ghe-thu-tuong-nhat-ban-trong-trach-nang-ne-cua-nguoi-ke-nhiem-ong-abe-la-gi-a337154.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan