+Aa-
    Zalo

    Cuộc hôn nhân miễn cưỡng của phò mã trạng nguyên duy nhất ở Trung Quốc

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Đỗ Trạng nguyên, cưới công chúa, trở thành phò mã từ ngàn đời nay được coi là kết cục hoàn hảo nhất của những người sĩ tử.

    (ĐSPL) - Đỗ Trạng nguyên, cưới công chúa, trở thành phò mã từ ngàn đời nay được coi là kết cục hoàn hảo nhất của những người sĩ tử. Rất nhiều câu chuyện cổ tích, các vở ca kịch từ dân gian tới bác học đều có chung một mô-típ này. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng trạng nguyên trở thành phò mã không nhiều như người ta vẫn tưởng tượng…

    Bạn đã bao giờ từng hỏi, trong lịch sử Trung Quốc, một quốc gia có bề dày khoa bảng nhất trong khu vực Đông Á từng có bao nhiêu phò mã trạng nguyên chưa? Câu trả lời thực tế nằm ngoài mọi dự liệu dù là điên khùng nhất của bạn. Kể từ khi Trung Quốc hình thành chế độ khoa cử dưới triều nhà Tùy (cuối thế kỷ thứ 6, đầu thế kỷ thứ 7) cho tới khi chế độ khoa cử chấm dứt với triều Thanh vào đầu thế kỷ 20. Lịch sử Trung Quốc chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất là phò mã trạng nguyên. Đáng nói hơn, vị trạng nguyên này cũng bị ép làm phò mã chứ không phải là tự nguyện hay cảm thấy sung sướng gì khi trở thành con rể hoàng đế.

    Đây hẳn là một điều rất lạ. Bởi lẽ, như đã nói, trong suy nghĩ của nhiều người, việc trở thành phò mã được coi là một vinh hạnh mà người ta tin rằng, tổ tiên ắt phải tích phúc 8 đời mới có được. Vậy vì sao những sĩ tử giỏi nhất thiên hạ, những người sau này trở thành trụ cột của triều đình lại không muốn trở thành phò mã được? Bí mật của nghịch lý này có lẽ nằm chính trong câu chuyện bi hài của vị phò mã trạng nguyên đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Trung Hoa – Trịnh Hạo.

    Trịnh Hạo là người đỗ trạng nguyên của khoa thi Nhâm Tuất được tổ chức vào năm Hội Xương thứ 2 thời nhà Đường, tức năm 842. Trịnh Hạo vốn xuất thân trong một gia đình thuộc dạng danh gia vọng tộc. Ông nội Trịnh Hạo từng làm tể tướng (tương đương với chức thủ tướng ngày nay), cha Hạo cũng từng giữ chức thượng thư bộ binh (tương đương với chức bộ trưởng bộ quốc phòng). Với một gia thế lừng lẫy, lại thêm là người đứng đầu bảng vàng, Trịnh Hạo nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của quan tể tướng đương triều Bạch Mẫn Trung, người được vua Đường Tuyên Tông giao nhiệm vụ tìm một người chồng xứng đôi vừa lứa cho Vạn Thọ Công chúa, con gái mình.

    Tạo hình hoàng đế Đường Tuyên Tông trong lịch sử. Ảnh minh họa.

    Tháng 11 năm Đại Trung thứ 2, tức năm 848, Đường Tuyên Tông quyết định tuyển phò mã cho con gái cưng của mình là Vạn Thọ Công chúa. Người được giao nhiệm vụ trọng đại này là quan tể tướng Bạch Mẫn Trung. Tìm khắp lượt các quan đại thần trẻ tuổi cho tới các công tử quý tộc ở kinh thành, Bạch Mẫn Trung không thấy ai xứng đáng hơn trạng nguyên Trịnh Hạo. Vì vậy, không cần do dự, Bạch tiến cử Trịnh Hạo với Tuyên Tông. Tuyên Tông nghe Bạch Mẫn Trung tiến cử cũng rất ưng ý với Trịnh Hạo. Tuy nhiên, không may là lúc đó, Trịnh Hạo vừa xin nghỉ phép đi Sở Châu (nay là Hoài An, tỉnh Giang Tô) để lấy người phụ nữ đã từng thề non hẹn biển từ lâu.

    Tuy nhiên, hoàng đế và Bạch Mẫn Trung thì không muốn để “con cá to” họ Trịnh vuột khỏi mẻ lưới của mình. Với danh nghĩa hoàng đế, Đường Tuyên Tông đã gửi một đạo chiếu chỉ về tận Sở Châu, buộc Trịnh Hạo phải quay về kinh thành phụng mệnh. Ngay khi Trịnh về tới kinh đô, đám cưới của Vạn Thọ Công chúa và Trịnh Hạo lập tức được tổ chức.

    Việc phải bỏ người phụ nữ mình yêu thương từ lâu để trở thành chồng của Vạn Thọ Công chúa là việc nằm ngoài mọi dự liệu của vị trạng nguyên họ Trịnh. Hơn thế, cuộc hôn nhân với Vạn Thọ Công chúa với Trịnh Hạo gần như là một sự ép uổng khiến Trịnh cảm thấy cực kì oan ức. Không có gì lạ là cuộc hôn nhân giữa Trịnh Hạo và Vạn Thọ Công chúa về sau không mấy hạnh phúc.Tuy nhiên, trong sự phẫn uất vì bị ép uổng, vị phò mã trạng nguyên cũng không thể trút giận Tuyên Tông cũng như Vạn Thọ Công chúa.

    Với Tuyên Tông, Trịnh Hạo đương nhiên không dám oán hận. Lịch sử cũng chép rằng, tình cảm giữa Trịnh Hạo và bố vợ Tuyên Tông khá tốt và Tuyên Tông cũng rất coi trọng chàng rể trạng nguyên của mình. Thực tế, Tuyên Tông chỉ hơn Trịnh Hạo 7 tuổi, lại là ông vua thích văn chương thơ phú, cực kỳ coi trọng khoa cử. Do vậy, việc Tuyên Tông coi trọng một chàng rể xuất thân từ khoa cử như Trịnh Hạo là chuyện không khó hiểu. Người ta nói rằng, Tuyên Tông và Trịnh Hạo thường xuyên đàm đạo văn chương, nghiên cứu khoa cử. Trong thời kỳ Tuyên Tông trị vì, Trịnh Hạo từng làm quan chủ khảo của một kỳ thi. Ngoài ra, sau khi Tuyên Tông qua đời, Trịnh Hạo vô cùng thương xót, thường xuyên nằm mơ thấy cùng Tuyên Tông ngâm thơ, đàm đạo và không lâu sau thì cũng qua đời. Từ đây có thể thấy, mặc dù bị ép uổng, song Trịnh Hạo không hề có chút oán giận đối với Tuyên Tông.

    Đối với Vạn Thọ Công chúa, dù không thích, song có lẽ Trịnh Hạo cũng không dám trút giận lên người vợ xuất thân cao quý của mình. Các công chúa triều Đường nổi tiếng là ghê gớm, ít có phò mã nào dám chống đối. Trịnh Hạo cũng không phải là do bản thân Vạn Thọ Công chúa lựa chọn, nói theo cách nào đó cũng là bị ép uổng nên Trịnh Hạo cũng không có lý gì trút giận lên Vạn Thọ Công chúa.

    Do vậy, người duy nhất mà Trịnh Hạo có thể trút sự oán giận và oan ức của mình chính là tể tướng Bạch Mẫn Trung. Sử sách chép rằng, kể từ sau khi bị ép cưới công chúa, Trịnh Hạo hận Bạch Mẫn Trung tới tận xương tủy thường xuyên tìm cách nói xấu tể tướng trước mặt Tuyên Tông. Sử chép, một lần, khi Bạch Tể tướng sắp được đi phiên trấn đã lo lắng nói với Tuyên Tông rằng: “Trịnh Cảnh vốn không muốn lấy công chúa nên hận thần đến tận xương. Khi thần còn ở Trung Thư Tỉnh, Trịnh Cảnh không làm gì được, Nhưng nếu thần ra khỏi kinh thành, y nhất định sẽ hãm hại thần”. Tuyên Tông nghe nói vậy thì cười nói: “Chuyện này ta đã biết từ lâu rồi, khanh cứ yên tâm!”.

    Từ câu chuyện của Trinh Hạo có thể thấy các trạng nguyên hoàn toàn không muốn lấy cũng như coi việc trở thành phò mã là vinh quang. Đầu tiên là các công chúa khi tuyển phò mã thường lấy tư cách là một người bề trên. Trong một xã hội phong kiến nam quyền, phải lấy một người phụ nữ ở đẳng cấp trên hẳn mình là điều không ai muốn. Thử tưởng tượng sau khi kết hôn, mọi hành động của phò mã đều phải nhìn trước ngó sau vì sợ làm phật ý cô vợ công cháu của mình thì còn gì là trụ cột gia đình, là tự do của đàn ông nữa? Đây là lý do khiến lịch sử rất hiếm trường hợp trạng nguyên trở thành phò mã.

    Một nguyên nhân khác bắt nguồn từ tục tảo hôn thời phong kiến của Trung Quốc. Thời bấy giờ, các công chúa khoảng 15 tuổi đã bắt đầu có thể xuất giá tòng phu. Tuy nhiên, tuyệt đại đa số các sĩ tử để có thể đậu trạng nguyên đều là khi tóc đã điểm sương, đầu đã bạc. Khi đó, các trạng nguyên đều là những người có vợ từ lâu nên không còn nhiều cơ hội cho các công chúa nữa.

    PHONG NGUYỆT

    Bài đã được đăng trên tờ Hôn nhân và Pháp luật – một chuyên trang của báo Đời sống và Pháp luật

    Xem thêm video Clip: Vợ rớt nước mắt không cho chồng nhắc đến cái chết 

    [mecloud]Fpi3hR13u3 [/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-hon-nhan-mien-cuong-cua-pho-ma-trang-nguyen-duy-nhat-o-trung-quoc-a97844.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.