+Aa-
    Zalo

    Cuốc rẫy, bẫy chuột, xây bể, đào được cả "bao tải tiền"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Họ là những nông dân nghèo "chân lấm tay bùn", bỗng dưng một ngày đổi đời nhờ đào được kho báu chôn sâu dưới lòng đất...

    (ĐSPL) - Họ là những nông dân nghèo "chân lấm tay bùn", bỗng dưng một ngày đổi đời nhờ đào được kho báu chôn sâu dưới lòng đất...

    Cuốc rẫy trồng ngô đào được 2 hũ bạc lớn


    Cho đến thời điểm hiện tại, ông Triệu Mềnh Nhàn (trú tại thôn Tham Troòng, bản Nậm Chắn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) vẫn còn đôi chút lo âu về chuyện may mắn đào được hũ bạc và nhanh chóng phát tài với số tiền lớn thu được từ việc bán số của cải ấy. 

    Ông Nhàn chia sẻ, gia đình lần đầu đào được hũ bạc khi đang cuốc rẫy ngô cách đây chừng hơn hai năm. “Khi đó vào khoảng tháng 2/2012, cả gia đình tôi đi cuốc nương trồng ngô. Sau khi nghỉ ngơi ăn trưa tại lán gần nương, mọi người bắt đầu quay trở lại với công việc. Thế nhưng vừa mới cuốc được vài nhát thì con dâu út của tôi hét lên vì phát hiện một đồng bạc hình tròn giống như lễ vật người Dao chúng tôi vẫn thường dùng mỗi khi có việc cưới xin hay đám xá. Thấy sự lạ quá, gia đình tôi vội xúm lại rồi tiếp tục đào sâu xuống phía dưới, hi vọng tìm được thêm. Quả nhiên, khi lớp đất nền được bới ra, một chiếc chum chứa rất nhiều đồng bạc hiện lên trước sự ngỡ ngàng của mọi người trong gia đình. Tôi còn nhớ rất rõ, trong hũ bạc, ngoài những đồng bạc tròn còn rất nhiều nén”, ông Nhàn kể.

    Đến đầu năm 2014, vận may lại một lần nữa mỉm cười với ông. “Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó trời vừa dứt trận mưa to, đất trên nương bị rửa trôi, xói mòn rất nhiều. Sau khi vun đất cho một số luống ngô bị tróc gốc, tôi chợt phát hiện một miếng bạc sáng lấp lánh”. Nhớ đến vận may trước kia, ông Nhàn không vội vàng kêu vợ con mà âm thầm vun đất lại. Tối hôm đó trong bữa cơm, ông Nhàn mới khẽ giọng kể lại phát hiện lúc ban ngày cho vợ con nghe. Liền sau đó, bố con ông xách đèn pin, cuốc xẻng lặng lẽ rời nhà trong đêm. Cuộc đào bới diễn ra suốt đêm hôm đó. Mãi đến gần sáng, khi bố con ông đã mệt mỏi rã rời thì hũ bạc mới được phát lộ. Dưới ánh nắng ban mai, ông Nhàn và các con sung sướng khi phát hiện cả một chum bạc nén và vô số đồ trang sức cổ xưa. Quá phấn hởi vì lại nhận được “lộc trời” lần hai nên ngay trong ngày hôm đó, gia đình ông Nhàn đã tổ chức mổ lợn khao cả bản.

    Sau khi hai lần trúng được bạc, gia đình ông Triệu Mềnh Nhàn thực sự đổi đời. Theo lời ông Nhàn kể lại thì với hũ bạc đầu tiên đào được, ông mang bán được gần 100 triệu đồng. Nhờ số tiền lớn ấy, ông Nhàn mua được chiếc xe máy đi lại và đầu tư chiếc máy tuốt lúa phục vụ bà con. Trước khi trúng “lộc trời”, gia đình ông Nhàn thuộc diện nghèo khó nhất vùng. Nhưng kể từ khi trúng bạc rồi sắm sửa máy tuốt lúa, ông thực sự trở thành “đại gia” của vùng đất Tham Troòng này.

    Ông sắm sửa đầy đủ nội thất gia đình và còn mua thêm máy phát điện với công suất lớn.
    Vận may đến liên tiếp càng nhân lên sự giàu có cho gia đình ông Nhàn. Theo một số người họ hàng tiết lộ thì với hũ bạc thứ hai (đi kèm nhiều đồ cổ giá trị), ông Nhàn bán được hơn 500 triệu đồng. Số tiền ấy ở vùng miền núi này thực sự là một gia tài khổng lồ.

    Đi bẫy chuột, gặp kho báu của người cổ trong rừng


    Chuyện anh  Phùng Giùn Tòng ( xã Đức Xuân, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) vô tình tìm được một chiếc chiêng đồng cổ đã từng trở thành tâm điểm khiến dư luận bàn tán. Nhưng đến gần đây, khi chàng nông dân chân chất này tiếp tục phát hiện cả một hang núi đầy ắp đồ cổ thì câu chuyện mới thực sự gây chấn động.

    Theo lời anh Tòng kể lại thì hơn 20 năm trước, anh tình cờ nhìn thấy một chiếc chiêng đồng cổ bị phủ lấp trong một lần vào rừng chặt Vầu để làm bẫy chuột. Quá vui mừng, anh gạt lớp lá cây, hì hục đào chiếc chiêng đồng mang về nhà.

    Không giấu của quý một mình, anh mang đến hỏi già làng thì được biết đây là chiêng quý người Dao đỏ trăm năm trước vẫn dùng trong các đám cưới. Tin anh Tòng nhặt được đồ cổ nhanh chóng lan xa. Không biết từ đâu, dân buôn đồ cổ lũ lượt đổ về ngã giá để mua chiếc chuông đồng cổ. Thế nhưng Tòng nhất quyết không bán mà để lại cho bà con cả làng cùng chiêm ngưỡng.

    Thời gian trôi đi, chuyện anh Tòng đào được chiêng cổ cũng dần lắng xuống. Quay trở lại với nếp sống thường nhật, anh Tòng lại chăm chỉ làm nương rẫy, chăn nuôi lợn gà. Thi thoảng, anh lại lên rừng chặt Vầu làm bẫy chuột nhưng không bao giờ nghĩ đến việc đào bới hay tiếp tục tìm đồ cổ. Bởi thế, người đàn ông này cũng không ngờ vận may lại một lần nữa lại “gõ cửa” mình.

    Chuyện là cuối năm 2013, một người hàng xóm của anh vô tình đào được hàng chục kg bạc nén trong một lần đi làm rẫy. Với số bạc lớn ấy, gia đình người hàng xóm đã mang bán được hàng trăm triệu đồng, cuộc sống từ nghèo khó trở nên sung túc. Mừng cho gia đình hàng xóm, anh Tòng chợt nghĩ đến địa điểm phát hiện chiếc chiêng đồng cổ năm nào. Anh tự nhủ: “Hay mình quay lại đó. Biết đâu, mình lại chẳng nhặt được bạc hay đồ cổ giá trị khác”.

    Nghĩ là làm, một buổi sớm anh Tòng thức dậy rồi lặng lẽ vác dao, cuốc vào rừng Vầu. “Qua hàng chục năm không ai lui tới, khu vực trước kia tôi nhặt được chiêng quý đã trở nên rậm rạp, cây dại mọc lút đầu. Phải quan sát một lúc lâu, tôi mới định vị được địa điểm đào chiêng năm xưa rồi bắt đầu phát cỏ dại, cây bụi và tìm kiếm xung quanh”.

    Công việc “mò kim đáy biển” ấy được anh cặm cụi thực hiện từ sáng cho đến tận khi mặt trời đứng bóng mà không mang lại kết quả. Vạt đất trống từ vị trí đào chiêng trước kia đã rộng đến gần chục mét vuông. Nhưng ngoài những hòn đá ngổn ngang, anh Tòng chưa nhìn thấy gì bất thường. Do trời đã tối, anh đành ngậm ngùi vác đồ đạc trở về nhà nghỉ ngơi, định bụng hôm sau sẽ quay lại tiếp tục công việc.

    Tinh mơ hôm sau, Tòng lại vào rừng Vầu. “Không hiểu sao hôm ấy, tôi có cảm giác rất kỳ lạ. Những bước chân như thể có ai thôi thúc khiến tôi băng băng vượt qua những vạt rừng rậm rạp để vào bãi đất trống hôm trước vừa phát quang”, anh Tòng kể.

    Lần này, anh tiếp tục công việc đến gần trưa thì chợt thấy một đàn dơi bay từ trên vách núi bay xuống một bụi cây cách mình chừng vài mét rồi khuất dạng. Với kinh nghiệm của một người nhiều năm đi rừng, anh Tòng nghi ngờ bên dưới bụi cây có thể có hang động nên lập tức phát quang một lối tiến lại. Khi đến gần, Tòng vô cùng mừng rỡ khi biết suy luận của mình đã chính xác.

    “Lúc đó, tôi nhìn thấy một chiếc búa đinh nằm chỏng chơ giữa hai phiến đá cách nhau chừng 1 mét. Cầm đèn pin rọi vào bên trong, tôi thấy lòng hang động không rộng lắm, từ cửa hang vào đến hết bên trong chỉ chừng vài mét. Thế nhưng dưới nền hang, ai đó đã chất đầy đồ cổ. Quá ngỡ ngàng trước phát hiện này, tôi thầm nghĩ: “Có lẽ trời thương nên mới giữ “kho báu” suốt hơn 20 năm chờ tôi đến lấy”, anh Tòng nhớ lại.

    Sau khi kiểm tra cẩn thận, anh Tòng thấy khối lượng đổ cổ trong hang quá lớn, sức một người không thể khiêng về hết. Bởi thế, anh đã gọi điện thông báo cho người thân trong gia đình cùng đến vận chuyển. Suốt cả buổi chiều hôm đó, 8 người trong gia đình Tòng phải cật lực làm việc mới “dọn dẹp” hết số cổ vật trong hang.

    Thông tin anh Tòng đào được đồ cổ lập tức lan nhanh khắp làng trên xóm dưới. Hàng trăm người dân địa phương và các vùng lân cận kéo đến gia đình anh xem đông như trẩy hội. Thậm chí, những người ở nơi xa như Hà Nội cũng tìm về để được “mục sở thị” “kho báu” hiếm có này.

    Đào móng nhà được cổ vật


    Đang đào móng để xây nhà, vợ chồng anh Đặng Trung Quyết (31 tuổi) và chị Phạm Thị Thủy (26 tuổi) trú tại xóm 6, xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An) đã bất ngờ phát hiện gần 70 bát, đĩa cổ thời xưa nằm dưới lòng đất sâu khoảng 1m. Những đồ vật này có hoa văn, họa tiết và chữ hán nôm trang trí rất đẹp với nước men màu xanh, dù được chôn dưới đất đã lâu nhưng vẫn bóng đẹp.

    Ban đầu, anh Quyết nghĩ chỉ có vài ba chiếc, tuy nhiên, càng đào rộng ra lại càng phát hiện rất nhiều bát, đĩa khác nằm chồng lên nhau theo từng lớp. Sau khi xác định đây là cổ vật, anh Quyết cùng gia đình cẩn thận lấy lên. Sau khi hoàn thành tổng số bát đĩa mà nhà anh thu được lên đến 69 chiếc bát và đĩa.

    Sau khi anh Quyết đào được đồ cổ, rất nhiều người đến để chiêm ngưỡng và hỏi mua, tuy nhiên gia đình anh không bán. Theo nhiều người suy đoán, đây là những đũa bát dùng trong gia đình bình thường chư không phải vật dụng của vua chúa thời xưa.

    Xây bể phát hiện nửa tạ tiền cổ


    Anh Lương Mạnh Hải (SN 1976, ngụ thôn Lảnh Trì, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) trong lúc đảo đất xây bể đã phát hiện hơn nửa tạ tiền cổ.

    Anh Hải cho biết anh cùng nhóm thợ đào đất trước khu vườn nhà mình để xây bể chứa nước. Khi nhóm thợ đào phải một hũ sành cách mặt đất gần 1 m, hũ này vỡ ra anh và nhóm thợ đã thấy cả ngàn đồng tiền xu cổ trong hũ tràn ra ngoài.

    Số tiền cổ trong chiếc hũ nặng hơn 50 kg. Toàn bộ số tiền có hình tròn, lỗ vuông, đường kính 2,4 cm, dày 0,1 cm, mặt tiền có chữ Hán. Sau khi tìm hiều, anh Hải nhận định đây là tiền Trung Quốc được đúc từ thời Bắc Tống (năm 960 - 1227).

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    [mecloud]r46nNvuz7j[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-ray-bay-chuot-xay-be-dao-duoc-ca-bao-tai-tien-a106630.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.