Cuộc sống nhiều biến động của tỷ phú Jack Ma trong vòng 2 năm

Bích Thảo

Từng được biết đến là doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma lại sống ẩn dật và rất ít xuất hiện trước công chúng trong vòng 2 năm qua. Hiện có thông tin cho rằng ông đang sống ở thành phố Tokyo (Nhật Bản).

Ngày 29/11, tờ Financial Times dẫn một số nguồn tin cho biết Jack Ma, người sáng lập sàn thương mại điện tử Alibaba và từng là lãnh đạo doanh nghiệp giàu nhất Trung Quốc, đã sống ở Tokyo (Nhật Bản) được gần 6 tháng.

Theo đó, ông Jack Ma sống tại Nhật Bản trong vòng nhiều tháng qua cùng với gia đình. Trong quãng thời gian này, ông từng vài lần đi tắm suối nước nóng và trượt tuyết ở vùng ngoại ô Tokyo, ngoài ra cũng có các chuyến đi định kỳ đến Mỹ và Israel.

Hoạt động xã hội tại Tokyo của ông Jack Ma chủ yếu xoay quanh một số câu lạc bộ tư nhân, bao gồm một câu lạc bộ ở quận Ginza và một câu lạc bộ ở quận tài chính Marunouchi đối diện Hoàng cung Nhật Bản. Trong đó, câu lạc bộ tại Ginza vốn là điểm đến ưa thích của giới đại gia Trung Quốc sinh sống tại Tokyo.

Một số nguồn tin khác tiết lộ, ông Jack Ma dùng thời gian ở Nhật Bản để tìm hiểu, mở rộng hướng kinh doanh ra bên ngoài lĩnh vực thương mại điện tử. Vị tỷ phú cũng đã chuyển giao nhiều vai trò lãnh đạo tại hai tập đoàn do ông sáng lập là Alibaba và Ant Group chuyên về thanh toán trực tuyến cho các thế hệ lãnh đạo mới.

Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc

Tỷ phú Jack Ma sinh năm 1964 trong một gia đình nghèo tại Hàng Châu, Trung Quốc. Ông theo học Đại học Hàng Châu và khởi đầu với công việc dạy tiếng Anh, trước khi tham gia phát triển Internet và website vào giữa thập niên 1990.

Sau thời gian ngắn làm việc tại Bộ Ngoại thương và Hợp tác kinh tế Trung Quốc, ông Jack Ma nghỉ việc và thành lập Alibaba vào năm 1999 với 17 thành viên khác. Tập đoàn này sau đó phát triển thành một trong những nhà bán lẻ và sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới, trang Investors Observer thông tin.

Trong thập kỷ tiếp theo, châu Âu và Mỹ lao đao vì khủng hoảng tài chính năm 2008. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tràn đầy lạc quan, nhất là các công ty công nghệ hàng đầu. Cuộc cách mạng điện thoại thông minh khiến người dùng của họ gia tăng theo cấp số nhân.

Alibaba đứng ở trung tâm của quá trình thay đổi ngoạn mục đó. Gã khổng lồ thương mại điện tử thu hút tầng lớp trung lưu đang mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc.

Vào tháng 9/2014, Alibaba huy động được hơn 25 tỷ USD khi bắt đầu giao dịch trên Sàn Chứng khoán New York, giúp tài sản ròng của ông Jack Ma đạt gần 22 tỷ và trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

"Điều tôi đang nghĩ đến là làm thế nào chúng ta có thể biến Alibaba trở thành nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ toàn cầu”,

ông Ma nói với nhà báo Mỹ Charlie Rose tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi năm 2015.

Biến cố ập đến

Jack Ma gần như ít xuất hiện trước công chúng từ khi ông chỉ trích các thể chế tài chính của Trung Quốc và kêu gọi để cho các công ty tham gia thị trường tín dụng vào năm 2020.

Kể từ đó, cả hai tập đoàn do ông thành lập, Ant Group và Alibaba, đều phải đối mặt với một loạt trở ngại. Ant Group bị ngăn cản kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD trong khi Alibaba bị phạt vì cáo buộc độc quyền hồi năm ngoái với mức tiền kỷ lục 2,8 tỷ USD.

Tỷ phú Jack Ma không xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào sau bài phát biểu lần cuối vào tháng 10/2020, Đài CNBC của Mỹ bất ngờ dẫn nguồn tin khẳng định nhà sáng lập Alibaba không phải mất tích. Nhà phân tích thị trường Jeffrey Halley của hãng Oanda tranh luận rằng “không có chứng cứ cho thấy ông Jack Ma bị bắt, và chẳng có lý do nào để bắt ông ấy cả”.

Thay vào đó, ông Halley cho rằng tỷ phú Trung Quốc tự chọn cách ẩn dật và không có hành động gì trong khi chờ những người làm việc cho ông dàn xếp mọi chuyện với giới hữu trách Trung Quốc để đạt được kết quả ổn thỏa nhất.

Ông Jack Ma chơi golf ở gần Praha, Cộng hòa Séc hồi tháng 7.

Đến tháng 4/2021, Cơ quan Quản lý Thị trường Quốc gia Trung Quốc (SAMR) công bố mức phạt khổng lồ đối với Alibaba với cáo buộc tập đoàn thương mại điện tử đã lạm dụng vị thế thống trị thị trường nội địa để tìm cách độc quyền kinh doanh.

Tháng 9/2021, theo Wall Street Journal, ứng dụng 1 tỷ người dùng thuộc Ant Group sẽ phải chia tách mảng kinh doanh cho vay lợi nhuận cao. Theo kế hoạch, Ant cũng phải chuyển dữ liệu người dùng cho một liên doanh chấm điểm tín dụng do nhà nước góp vốn. Những dữ liệu người dùng này vốn được Ant sử dụng để làm cơ sở cho các quyết định cho vay.

Tháng 4/2022, Reuters đưa tin Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) đang đóng vai trò chính trong cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Ant Group và các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc.

Đến tháng 7, Tổng cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước (SAMR) của Trung Quốc công bố danh sách 28 thương vụ vi phạm quy định, trong đó có 5 vụ liên quan đến tập đoàn Alibaba, bao gồm vụ mua cổ phần công ty con, nền tảng phát trực tuyến Youku Tudou, vào năm 2021.

Trong diễn biến mới đây, Reuters hôm 22/11 dẫn các nguồn thạo tin cho hay giới chức Trung Quốc dự định phạt Ant Group hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, quyết định phạt có thể giúp mở đường cho Ant Group có được giấy phép tập đoàn tài chính mà công ty chờ đợi từ lâu để tìm đường phát triển trở lại và dần dần hồi sinh kế hoạch lên sàn.

DOISONGPHAPLUAT.COM |