+Aa-
    Zalo

    Cuộc sống tách biệt hàng chục năm của 3 người phụ nữ nghèo

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong căn nhà không có điện, không vật dụng hiện đại, thậm chí, không có cả nhà vệ sinh, 3 người phụ nữ lớn tuổi tự chăm sóc nhau, sống tách biệt với XH.

    (ĐSPL) - Trong căn nhà không có điện, buổi tối chỉ thắp đèn dầu để ăn rồi tắt cho tiết kiệm, không hề có một vật dụng hiện đại, thậm chí, không có cả nhà vệ sinh, 3 người phụ nữ lớn tuổi vò võ tự chăm sóc nhau, sống tách biệt với xã hội như một thế giới riêng ngay giữa thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
    Lúc đầu, nghe về hoàn cảnh của 3 chị em bà Phan Thị Vận (SN 1954), trú tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), chúng tôi vẫn không thể tin cho đến khi có mặt tận nơi và chứng kiến tận mắt.
    Đường dẫn vào ngôi nhà của 3 chị em bà Vận là lùm cây rậm rạp. Loay hoay mãi chúng tôi cũng không tìm thấy cổng vào, cho đến khi một hàng xóm chỉ vào lối nhỏ giữa hai bụi cây gai.
    “Sau khi bố mẹ qua đời, 3 chị em họ bắt đầu sống biệt lập như vậy. Một phần cũng do nơi ở, một phần cũng do tính họ ngại giao tiếp, nên hàng xóm hỏi thăm một vài lần rồi cũng thôi. Từ lâu rồi tôi cũng không thấy họ hàng đến nữa, thế nên bà Vận rào luôn cổng không qua lại với ai”, bà Nguyễn Thị Liên (77 tuổi), người chỉ đường cho chúng tôi nói.
    Cổng vào nhà của 3 chị em được chắn với bụi cây gai
    Bước vào bên trong, chúng tôi cảm tưởng như đây là ngôi nhà cấp 4 bỏ hoang khi mạng nhện giăng khắp nơi. Trong nhà không có điện, không có vật dụng gì đáng giá. Nền nhà ngổn ngang chăn chiếu rách nát. Xô bể chậu mẻ. Được biết, để có ánh sáng sinh hoạt vào buổi tối, chị em bà Vận phải dùng đèn dầu.
    Đồ đạc trong nhà ngổn ngang
    Ngượng ngùng vì căn nhà nóng bức, bà Vận bảo chúng tôi ra ngoài thềm ngồi cho mát và bắt đầu câu chuyện buồn của 3 chị em. Cha bà là cụ Phan Đình Trà từng làm Chủ tịch UBND xã Đức Thuận (nay là phường Đức Thuận), nhưng do hồi xưa đất nước còn nghèo nên tiền lương cũng không đủ nuôi vợ con.
    Gia đình bà vốn có 6 anh chị em (3 trai, 3 gái), cuối cùng do bệnh tật và nghèo đói, lần lượt hai người anh và cậu em út qua đời khi còn nhỏ. Người cha trong một lần đi làm ruộng do vấp phải răng bừa rồi qua đời khi vết thương bị nhiễm trùng. Từ ngày cha mất, mọi công việc trong nhà đều dồn hết vào đôi vai gầy của người mẹ. Cuộc sống vốn nghèo khó, nay sức khỏe người mẹ lại càng yếu hơn, công việc nặng không thể làm được nên gia đình càng lúc càng nghèo thêm.
    Cái nghèo đi với cái khó, sau đó gia đình liên tiếp gặp nạn khi cô em gái Phan Thị Tam (SN 1961) đi gánh nước bị ngã gãy một chân, còn người em gái thứ hai là Phan Thị Vân (SN 1959) cũng bị ngã bong gân ở đầu gối chân. Do gia cảnh nghèo đói, tiền bạc không có nên bà Vận không thể đưa hai em gái của mình đi chữa bệnh. Rồi thời gian trôi qua, đôi chân của hai người em gái của bà không thể đi lại được.
    Bà Vân nằm liệt giường, mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc hoàn toàn vào người chị gái
    Năm 1974, bà Vận lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm, bà xuất ngũ trở về nhà với những vết thương và dị tật chiến tranh để lại. Về nhà, bà Vận cùng mẹ cố gắng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trên mấy sào ruộng khoán để chăm lo cho hai em. Nhưng rồi, cái đói cái nghèo vẫn cứ thế mà bủa vây lấy gia đình họ.
    “Sau khi mẹ mất, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc vào 3 sào ruộng, tôi muốn trở về với chồng cũ của tôi hồi TNXP, nhưng các em gái đều tật nguyền không lao động được, tôi mà đi luôn thì họ biết bấu víu vào ai. Thế là tôi ở lại chăm sóc các em, cũng được 40 năm rồi, 3 chị em chúng tôi rau cháo nuôi nhau”, bà Vận nói trong nghẹn ngào.
    Năm 2004, trước tình cảnh éo le của gia đình bà Vận, UBND xã Đức Thuận đã hỗ trợ xây một căn nhà tình thương để 3 người phụ nữ này có nơi ăn, chốn ở. Cũng từ đây, ba chị em bà Vận được hưởng chế độ hỗ trợ người tàn tật. Mỗi tháng, người em gái Phan Thị Vân bị tàn tật nặng được hỗ trợ 675.000 đồng, em út Phan Thị Tam được hỗ trợ 405.000 đồng, còn bà Vận nuôi hai em được hỗ trợ 180.000 đồng.
    Ngôi nhà tình thương do chính quyền xã xây dựng từ năm 2004
    Từ ngày có thêm tiền hỗ trợ, ba chị em bà Vận mới có thêm đôi đồng mua gạo nấu ăn qua ngày. Nhưng rồi những đồng tiền trợ cấp ấy lại chẳng thấm tháp vào đâu bởi cứ dăm bữa nửa tháng, bệnh tuổi già hành hạ, khiến cuộc sống 3 chị thêm khó khăn. Hàng ngày, bà Vận chỉ ra khỏi nhà mỗi lúc đi lên rừng kiếm củi về nấu và những lúc bà đi qua chợ mua ít thức ăn cho các em.
    Có những tháng mưa dầm, củi không đi lấy được, ba chị em bà Vận chỉ lủi thủi trong nhà, nấu cơm lên rồi chan nước mắm ăn cho qua bữa. Bà Vận nói thêm: Ăn khổ chỉ toàn rau và nước mắm lâu rồi cũng thành quen, giờ mua cá thịt hay đồ tanh gì về ăn thì ăn xong lại bị đau bụng.
    Bà Vận kể lại câu chuyện của 3 chị em
    “Tôi từng đi thanh niên xung phong, giờ đau nhức ở lưng nhưng do giấy tờ mất hết nên không được hưởng chế độ gì. Cuộc sống như vậy nên tôi cũng chẳng biết kêu than ai cả, hiện tôi chỉ mong 3 chị em có đủ gạo sống qua ngày là hạnh phúc rồi”, bà Vận chia sẻ.
    Ông Hồ Sỹ Hoạt, Tổ trưởng tổ dân phố Thuận Hồng, thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Hoàn cảnh 3 chị em bà Vận đặc biệt khó khăn, lâu nay mọi người trong xóm đều biết. Do tuổi cao sức yếu nên không ai có thể lao động được nữa. Nhà cửa tuy được phường xây dựng nhưng chưa hoàn thiện, đến nhà vệ sinh cũng chưa có, vì thế rất mong các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ để 3 người phụ nữ này có được cuộc sống tốt hơn nữa”.

    Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đồng hành Nhịp Cầu Hồng Đức xin gửi về:

    Bà Phan Thị Vận

    Tổ dân phố Thuận Hồng, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh

    -  Báo Đời sống và Pháp luật tại Miền Trung

    Số 03, Đại lộ Lê Nin, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

    ĐT: 0388903176; Fax: 038.8601010;

    Số tài khoản: 0191012468008, Ngân hàng Bảo Việt Nghệ An; Chủ tài khoản: Báo Đời sống& Pháp luật tại Miền Trung.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-song-tach-biet-hang-chuc-nam-cua-3-nguoi-phu-nu-ngheo-a94783.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.