+Aa-
    Zalo

    Cuộc tình xa lạ của nhạc sĩ Trần Hoàn, 53 năm hôn nhân, 15 năm xa cách, yêu thương vẫn đong đầy

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhạc sĩ Trần Hoàn luôn coi mình là nhạc sĩ không chuyên, nhưng gia tài âm nhạc ông để lại không hề ít, trong số đó rất nhiều ca khúc đã nằm lòng nhiều thế hệ yêu nhạc.

    Nhạc sĩ Trần Hoàn luôn coi mình là nhạc sĩ không chuyên, nhưng gia tài âm nhạc ông để lại không hề ít, trong số đó rất nhiều ca khúc đã nằm lòng nhiều thế hệ yêu nhạc. Trong số các sáng tác của mình, ông có 4 ca khúc dành cho người vợ nhất mực thủy chung của mình, bà Nguyễn Thanh Hồng. Làm vợ chồng 53 năm nhưng có đến 15 năm xa nhau, thế nên những cánh thư hồng, những giai điệu yêu thương đã trở thành cầu nối để họ thể hiện tình yêu và cả sự trân quý dành cho nhau.

    Lời tỏ tình liều lĩnh

    Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, quê Quảng Trị. Ông là con của một công chức nhỏ thời Pháp thuộc, mẹ ông hát dân ca miền Trung, hát ví dặm rất hay.

    Thế nên, ông được sống cùng những làn điệu ấy từ khi còn là một cậu bé và chính những câu hát, những lời hò ấy đã nuôi dưỡng tình yêu dành cho âm nhạc ở ông.

    Năm 1945, ông có sáng tác đầu tay. Trong những ngày đầu sục sôi không khí Cách mạng tháng Tám, ông đã sáng tác các ca khúc hừng hực khí thế như Học sinh vui tươi, Trên đường về, Hồn nước... đã ra đời. Trong một cuộc thi âm nhạc cấp địa phương, bài Hồn nước được trao giải và giải thưởng này trở thành đồng lực khiến ông thêm quyết tâm gắn bó với âm nhạc, nguyện suốt đời cống hiến cho đất nước. Khi còn trẻ, chàng trai Tăng Hích đặc biệt thích ca khúc Thiên thai của Văn Cao, trong bài đó ông thích nhất là câu “đào nguyên xưa Lưu Nguyễn quên trần hoàn”, thế nên ông lấy nghệ danh của mình là Trần Hoàn.

    Nhạc sĩ Trần Hoàn và người bạn đời thời trẻ. 

    Sau Cách mạng tháng Tám, ông vào chiến khu Quảng Bình rồi trở thành người phụ trách Đội tuyên truyền văn nghệ, địa bàn hoạt động của Trần Hoàn trải dài khắp Bắc Trung bộ (khu 4). Tại đây, ông đã gặp người phụ nữ của đời mình. Khi ấy, trong giờ giải lao, các chàng chiến sĩ trẻ đang đánh cờ, reo hò ầm ĩ, nhưng rồi tất cả im bặt khi mẹ Thiệng bước vào. Họ im không phải vì sợ mẹ Thiệng mà do cô gái xinh đẹp phía sau mẹ. Cô gái ấy có mái tóc đen bóng, xõa ngang vai, đôi mắt bạo dạn, chiếc răng khểnh và nụ cười duyên. Cô chỉ mặc chiếc áo nâu mộc mạc nhưng nhan sắc rạng rỡ của cô dường như làm mọi thứ xung quanh sáng bừng khiến các chàng trai không thể rời mắt. Cô gái ấy chính là huyện ủy viên huyện Thanh Chương (Nghệ An). Từ khoảnh khắc ấy, cô huyện ủy viên hoa khôi đã in sâu vào tiềm thức của chàng nghệ sĩ trẻ Trần Hoàn.

    Tuy nhiên, vì những e dè mà một thời gian sau nhạc sĩ Trần Hoàn mời dám tỏ tình với người đẹp. Cách tỏ tình của ông cũng rất đặc biệt, có thể coi là liều lĩnh. “Hồng, em có nhận lời làm vợ anh không?” được ông ghi ở mặt sau tờ thông báo của sở Thông tin. Sau khi đọc dòng chữ tỏ tình lạ lùng ấy, bà đỏ mặt nhưng nhanh chóng trả lời:“Không, anh ạ!”. “Vì sao?”. “Vì... anh là một nghệ sĩ!”.

    Chia xa

    Con gái vốn vậy, “nói không là có”. Cô huyện ủy viên xinh đẹp thực ra đã cảm mến, xao xuyến người cán bộ đẹp trai, đa tài Trần Hoàn. Năm bà Hồng 19 tuổi, đám cưới của họ được tổ chức. Đó là một đám cưới giản dị nhưng đầy ắp yêu thương. Đêm tân hôn, họ cùng nhau ngồi bên song cửa, nhìn ra phía trước sân có mấy tàu cau khô, xa xa là bãi mía... và nhạc sĩ Trần Hoàn đã viết tặng vợ bài hát đầu tiên, ca khúc Hoàng hôn đêm trăng. Tuy nhiên, vì chiến tranh mà cuộc sống vợ chồng son của ông bà chỉ kéo dài được vài tuần, vì nhạc sĩ Trần Hoàn phải chuyển ra Bắc, phụ trách hoạt động văn nghệ trong lòng địch vùng tả ngạn sông Hồng.

    Trong giờ phút lưu luyến chuẩn bị chia tay người vợ hiền, ông đã tặng vợ bài Lời người ra đi. Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi/Nghe dặn lời:Rằng chiến đấu đừng sờn lòng/Rằng sóng gió đừng sờn lòng/Đừng nề gian khổ.../Súng còn vang, dân lầm than, đây chiến trường thề quyết xông pha... Những ca từ sắt son, kiện định ấy đã trở thành bài hát được nhiều thanh niên khắc cốt, ghi tâm khi tạm biệt người yêu ra chiến trường. Lời người ra đi là ca khúc mang lại danh tiếng cho nhiều ca sĩ, trong đó Bảo Yến là người thể hiện bài hát này thành công nhất. Từ ngày cưới đến hết chiến tranh, ông bà ít được ở gần nhau, vì ông thường phải đi công tác xa: Chiến khu III, chiến trường Bình Trị Thiên- Huế... Khi ấy, nỗi nhớ vợ chuyển thành lời bài hát Tình ca mùa xuân.

    Ngày anh đi, cách xa khuây sao được nỗi nhớ/ Thương nhau dù cách trở vẫn trọn đời tin nhau... /Mùi hương nào rất quen nghe như làn môi ấm,... là những nói yêu thương từ con tim đang thổn thức của người chồng dành cho vợ. Qua những ca từ đong đầy ấy người ta hiểu ông yêu vợ đến nhường nào. Năm năm sau ngày cưới, vợ chồng mới được gặp lại. Sau khi tốt nghiệp trung cấp Sư phạm, bà Hồng về công tác ở Hải Phòng.

    Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng về Hải Phòng để chuẩn bị giải phóng thành phố. Mười năm ở Hải Phòng thật êm đềm,hạnh phúc và bốn đứa con của họ lần lượt ra đời.

    Tình yêu còn mãi

    Nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời ngày 23/11/2003 tại Hà Nội. Trong 53 năm bên nhau, họ đã xa nhau đến 15 năm, chỉ bên nhau thực sự trong 38 năm vì hoàn cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, sự xa cách ấy chẳng khiến tình cảm của họ bớt nồng nàn, yêu thương mà ngược lại, họ trở nên gắn kết hơn qua những cánh thư nồng. Trongmột bức thư nhạc sĩ Trần Hoàn viết cho vợ có đoạn:“Có người bảo rằng, tình yêu thấm thía nhất là lúc mới lấy nhau hay là khi đang chưa cưới. Anh, anh lại thấy khác, tự kiểm điểm từ lúc cưới em đến giờ là anh buồnnhất. Cầm tay em trong giờ tiễn biệt mà không muốn nói nên lời. Dặn dò em là làm theo đúng nhiệm vụ nhưng thật sự lúc đó anh không muốn dặn dò. Anh không ngờ tình cảm của anh nó to rộng và bát ngát và không chứa trong hình thức nghệ thuật nào từ trước đến giờ sẵn có...”.

    Vợ nhạc sĩ tâm sự, 38 năm ấy từ những ngày tháng gian khó, vất vả cho đến những ngày tháng an nhàn, bình yên chưa giây phút nào tình yêu giữa họ nhạt phai. Kể cả khi ông đã đi vào cõi miên viễn thì bà vẫn tin chắc rằng “không giây phút nào tình yêu của họ phai nhạt”. Bởi, bà chưa lúc nào cảm thấy ông đã vĩnh viễn ra đi mà luôn thấy ông vẫn hiện diện bên cạnh. Tìnhyêu của ông vẫn sưởi ấm trái tim bà.

    Bà Hồng cho ra mắt cuốn hồi ký về tình yêu và sự nghiệp của nhạc sĩ Trần Hoàn là cách để bà nói tiếng yêu trọn vẹn dành cho chồng. Cuốn sách có hai phần, một phần về tình yêu và một phần về sự nghiệp. Sự nghiệp có những thống kê các sáng tác của nhạc sĩ Trần Hoàn và hoàn cảnh ra đời các ca khúc nổi tiếng của ông. Trong nhiều năm, bà Hồng đã làm một công việc âm thầm mà vĩ đại là tập hợp lại tất cả các sáng tác của chồng. Khoảng 600 ca khúc bà tặng lại cho trung tâm lưu trữ quốc gia III, nhưng bấy nhiêu vẫn chưa phải là con số đầy đủ. Nhìn vào những cuốn sổ bà viết tay ghi chép lại các sáng tác của nhạc sĩ mới thấy, công lao cảm động của người vợ hết lòng vì sự nghiệp của chồng.

    Trong 600 ca khúc của nhạc sĩ Trần Hoàn, ông chỉ viết tặng vợ ông 4 ca khúc: Hoàng hôn đêm trăng, Lời người ra đi, Đợi anh về và Vỗ bến Lam chiều. Bài Vỗ bến Lam chiều tuy phổ từ thơ của Thúy Bắc nhưng lạilà những câu chữ thể hiện đầy đủ điều ông muốn gửi gắm đến người vợ thân yêu của mình: Mẹ sinh em bên dòng sông Lam, tóc hoen nắng gió, mặn mòi gió biển, bụi đỏ bám sao mà yêu mến thế! Vắt vẻo cầu tre lời hẹn níu bờ xa, dù chiến tranh phải xa, lòng không hề xa vắng...”. Với bà Hồng, 53 năm hôn nhân và 4 bài là đã đủ cho tình yêu của họ.

    LÊ ANH
    Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 31
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-tinh-xa-la-cua-nhac-si-tran-hoan-53-nam-hon-nhan-15-nam-xa-cach-yeu-thuong-van-dong-day-a238817.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan