+Aa-
    Zalo

    Cước vận tải rục rịch giảm giá

    • DSPL
    ĐS&PL Sở GTVT TP Hà Nội cho biết đã có 15 DN đến nộp hồ sơ điều chỉnh giảm giá cước, với mức giảm từ 200 - 800đ/km.

    Xung quanh việc giảm giá cước vận tải, tính đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp (DN) trên cả nước có động thái giảm giá cước, đặc biệt mới đây, sở GTVT TP Hà Nội cho biết đã có 15 DN đến nộp hồ sơ điều chỉnh giảm giá cước, với mức giảm từ 200 - 800đ/km.

    Tuy nhiên tính từ thời điểm đầu năm đến nay giá xăng liên tục giảm và dư luận luôn đặt ra câu hỏi: Tại sao giá cước vận tải bây giờ vẫn án binh bất động, nếu có giảm thì cũng giảm theo kiểu nhỏ giọt.

    Từ đầu năm đến nay đã có 13 lần điều chỉnh giá xăng; 19 lần điều chỉnh giá dầu. Trong đó có tới 8 lần giảm giá xăng; 15 lần giảm giá dầu. Đặc biệt, ngày 7/11 vừa qua, giá xăng giảm rất sâu, tới gần 1.000 đồng/lít. Nhưng  giá cước vận tải vẫn “bất động”. Dư luận cho rằng, DN vận tải đang cố tình không muốn điều chỉnh giá, và người tiêu dùng đang chịu thiệt.

    Ông Bùi Việt Hoài – Phó Tổng Giám đốc Vinalines cho biết: Giá cước của chúng tôi thường thường theo cung cầu, chứ thực ra nhiều khi nói giá nguyên liệu tăng vù vù nhưng giá cước vẫn giảm. Vì nó phải phụ thuộc vào cung cầu trên thị trường. Nhưng rõ ràng nhìn vào bức tranh tổng thể các DN của Vinalines đã giảm tương đối nhiều.

    Cước vận tải rục rịch giảm giá

    Ảnh minh họa. 

    Còn theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, việc tăng hoặc giảm giá cước phụ thuộc vào thị trường giá xăng dầu ổn định. Nhưng giá xăng trong nước tăng, giảm thất thường đã gây khó cho các DN vận tải. Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng đều cho biết đã có công văn gửi tới các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn yêu cầu kê khai lại giá cước sao cho phù hợp, và nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tiến hành. Tuy nhiên nhiều vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các DN vận tải cố định xung quanh vấn đề này.

    Đại diện sở GTVT Hà Nội cho hay: Hiện nay chúng tôi được biết các đơn vị vận tải trên địa bàn TP Hà Nội đang kê khai và có xu hướng giảm. Đặc biệt các đơn vị taxi đang kê khai giá cước. Được biết là các đơn vị cũng đang có xu hướng giảm.

    Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho rằng: Ta đấu tranh với họ về giá nguyên liệu giảm nhưng họ lại giải thích với mình về các chi phí giá thành khác thì mình rất khó xác định. Cũng không loại trừ cái việc khi giảm giá nguyên liệu các doanh nghiệp này vì lợi nhuận mà chưa quan tâm đến lợi ích người dân.

    “Chúng tôi cũng đã nhiều lần gửi văn bản lên nhà nước đề nghị là quản lý giá nguyên liệu này không có ổn định được 1 năm thì 6 tháng, hết sức công khai minh bạch. Đến giờ này giá nguyên liệu tăng, đến giờ này giá nguyên liệu giảm thì vận tải phải điều chỉnh theo”.- Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nói.

    Hiện Bộ GTVT đã có công văn gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành ngay trong tháng 11 để tổ chức kiểm tra, rà soát một số đơn vị kinh doanh vận tải lớn trên địa bàn. Trong đó, chú trọng yêu cầu kê khai và tính toán giá cước vận tải phù hợp với việc điều chỉnh của giá nhiên liệu đầu vào để giảm giá cước vận tải. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị phải kê khai và thực hiện giá cước phù hợp với giá điều chỉnh giảm nhiên liệu nhằm chấn chỉnh công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ô tô.

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-van-tai-ruc-rich-giam-gia-a69871.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan