+Aa-
    Zalo

    Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe: Người ‘định hình’ chính trị cho cả một thế hệ

    • DSPL
    ĐS&PL Trong suốt thời gian dài tại vị, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ghi dấu ấn đặc biệt không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

    Ông Shinzo Abe: Người ‘định hình’ chính trị cho cả một thế hệ

    Minh Hạnh

    Trong suốt thời gian dài tại vị, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ghi dấu ấn đặc biệt không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế.

    Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã qua đời ở tuổi 67 vào chiều 8/7 (giờ địa phương) sau khi bị bắn trong buổi vận động tranh cử tại thành phố Nara, phía Tây đất nước, sáng cùng ngày.

    Cụ thể, các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Nara đã thông báo tin buồn vào lúc 17h03 ngày 8/7. Họ cho biết, ông Abe đã nhập viện trong tình trạng ngừng tim phổi, hôn mê sâu. Các bác sĩ xác nhận nguyên nhân tử vong được xác định là do mất máu quá nhiều.

    Ông Shinzo Abe đã phục vụ hai nhiệm kỳ riêng biệt với tư cách là nhà lãnh đạo Nhật Bản của đảng Lao động Tự do (LDP). Nhiệm kỳ đầu tiên là từ năm 2006 đến năm 2007 và sau đó là từ năm 2012 đến năm 2020. Nhiệm kỳ thứ hai của ông đã đưa ông thành vị thủ tướng có thời gian tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản

    Ông Abe đã thúc đẩy chi tiêu quốc phòng và thúc đẩy sự thay đổi mạnh mẽ nhất đối với chính sách quân sự của Nhật Bản trong 70 năm.

    Năm 2015, chính phủ của ông Shinzo Abe đã thông qua việc sửa đổi lại hiến pháp hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản. Cụ thể, lần đầu nước này cho phép quân đội Nhật Bản tham chiến ở nước ngoài một cách có điều kiện kể từ Thế chiến thứ hai.

    Ông Abe cho rằng sự thay đổi tại thời điểm đó là cần thiết để đáp ứng với một môi trường an ninh thách thức hơn, với một Trung Quốc quyết đoán hơn và các vụ thử tên lửa thường xuyên ở Triều Tiên.

    Sau khi rời nhiệm sở vào năm 2020, ông Abe vẫn là người đứng đầu phe lớn nhất của đảng LDP cầm quyền và vẫn có ảnh hưởng trong đảng. Ông đã tiếp tục vận động cho một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn.

    Được biết, ông Shinzo Abe sinh ngày 21/9/1954 trong một gia tộc chính trị nổi tiếng. Cả ông nội và chú ruột của ông Abe đều từng đảm nhiệm chức thủ tướng Nhật Bản, còn cha ông từng giữ vị trí tổng thư ký đảng LDP.

    Ông từng theo học ngành chính trị tại Đại học Seiki của Tokyo và Đại học Nam California. Trước đây, ông Abe từng bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, đảm nhận vị trí của Kobe Steel vào năm 1979. Ba năm sau, ông trở thành trợ lý cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

    Ông Abe lần đầu tiên được bầu vào Hạ viện Nhật Bản năm 1993, ở tuổi 38 và giữ một số vị trí trong nội các trong suốt những năm 2000. Đến năm 2003, ông trở thành tổng thư ký của LDP. Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch đảng và trở thành thủ tướng Nhật Bản.

    Nhiệm kỳ đầu tiên của ông đã gặp nhiều khó khăn bởi những tranh cãi và sức khỏe ngày càng xấu đi. Ông đã từ chức lãnh đạo đảng và thủ tướng vào năm 2007. Sự kết thúc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Shinzo Abe đã mở ra một thời kỳ không mấy êm đềm của chính trường Nhật Bản, trong đó có tới 5 chính trị gia khác nhau lần lượt đảm nhận chức thủ tướng trong 5 năm. Phải đến khi ông Abe tái xuất và trở lại vị trí thủ tướng trong năm 2012, tình hình mới dần ổn định trở lại. Ông đã đảm nhận vai trò lãnh đạo Nhật Bản trong suốt thời gian từ năm 2012 đến năm 2020, sau đó ông từ chức vì vấn đề sức khoẻ.

    Là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của lịch sử Nhật Bản, cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong suốt sự nghiệp của mình.

    Ông Shinzo Abe là một nhân vật nổi bật trên chính trường thế giới. Ông đã vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington - đồng minh lâu năm của Tokyo - và cố gắng xây dựng mối quan hệ cá nhân với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông cũng từng tới New York để gặp cựu Tổng thống của Đảng Cộng Barack Obama khi ông còn đương nhiệm.

    Trong cuộc gặp "không chính thức" vào năm 2016, cuộc gặp đầu tiên của ông Trump với các nhà lãnh đạo thế giới nào trên cương vị tổng thống Mỹ, ông Abe đã ca ngợi liên minh Mỹ-Nhật và nói rằng ông muốn "xây dựng lòng tin" với vị Tổng thống mới. Ông ủng hộ mạnh mẽ đường lối cứng rắn ban đầu của ông Trump đối với Triều Tiên, nói rằng điều này phù hợp với xu hướng chính sách của ông.

    Tuy nhiên, khi mối quan hệ của Washington với Bình Nhưỡng bắt đầu có sự tiến triển về mặt ngoại giao, cùng với việc cả ông Trump và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (khi ấy còn tại vị) ủng hộ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, Thủ tướng Abe dường như đã đứng ngoài cuộc.

    Dù không có cuộc gặp nào được lên lịch giữa ông Abe và ông Kim nhưng vào tháng 9/2019, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định ông có mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Abe muốn bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên và xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, nhưng ưu tiên hàng đầu của ông vẫn là những gia đình công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970 và 80.

    Trong nhiệm kỳ của ông Abe, quan hệ giữa Nhật Bản với Hàn Quốc trở nên xấu đi. Hai nước vướng vào một cuộc tranh chấp lớn, trong đó các giao dịch thương mại và tình báo quân sự đã bị hủy bỏ, một phần hậu quả của Chiến tranh Thế giới thứ hai và quá trình thực dân hóa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên.

    Ngoài ra, ông Abe đã tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh và tổ chức cuộc điện đàm lịch sử với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2018. Đồng thời, ông cũng cố gắng đoàn kết các đồng minh Thái Bình Dương.

    Ông Shinzo Abe đã nhậm chức thủ tướng trong thời điểm kinh tế Nhật Bản có nhiều bất ổn. Tuy nhiên, ông đã sớm khởi động lại nền kinh tế Nhật Bản sau nhiều thập kỷ trì trệ. Ngay sau khi tái đắc cử thủ tướng vào năm 2012, ông Abe đã bắt đầu một thử nghiệm lớn được gọi là "Abenomics."

    Chương tình này gồm 3 mục đích - kích thích tiền tệ, tăng chi tiêu của chính phủ và cải cách cơ cấu.

    Các đồng minh của ông Abe ca ngợi "Abenomics" là kế hoạch giúp phục hồi nền kinh tế đất nước và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Nhưng sau một khởi đầu mạnh mẽ, kế hoạch này lại có phần "chùn bước" vào năm 2015.

    Thời điểm này, ông Abe đã bắn thêm "ba mũi tên mới" được thiết kế để thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội.

    Ngoài sự phục hồi kinh tế, ông Abe cũng có thành tựu trong việc ổn định đất nước sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị. Vào tháng 10/2019, Nhật hoàng Naruhito đã kế vị cha mình, mở ra thời kỳ mới mang tên Reiwa.

    Khi công bố về thời kỳ mới của đất nước, ông Abe từng phát biểu: “Giống như những bông hoa của cây mận nở một cách kiêu hãnh vào mùa xuân sau mùa đông lạnh giá, chúng tôi mong muốn người dân Nhật Bản sẽ nở rộ như những bông hoa riêng biệt với một tương lai đầy hứa hẹn. Vì mong muốn này, chúng tôi đã quyết định chọn tên triều đại mới là 'Reiwa'”.

    Một trong những dấu ấn lớn trong nước của ông Abe là đảm bảo thành công của Thế vận hội Tokyo 2020. Trước đó, ông Abe đã làm nức lòng người hâm mộ trò chơi điện tử trên toàn thế giới khi hóa trang thành biểu tượng Super Mario trong lễ bế mạc Thế vận hội Rio năm 2016, khi giới thiệu Tokyo là thành phố tiếp theo đăng cai Olympic.

    Trong một hình ảnh được chia sẻ rộng rãi nhất, cựu Thủ tướng Abe, đội một chiếc mũ lưỡi trai màu đỏ quá khổ, hoá trang thành nhân vật Mario, xuất hiện từ một cái ống màu xanh lá cây, với âm thanh của trò chơi điện tử Super Mario vang lên trên sân vận động Maracanã. Sự xuất hiện đầy sáng tạo này đã khiến nhiều người hào hứng và đón đợi Thế vận hội 2020.

    Tuy nhiên, một Thế vận hội Tokyo được nhiều người mong đợi cuối cùng đã bị hủy hoại bởi đại dịch COVID-19, khiến sự kiện phải bị hoãn lại đến năm 2021.

    Việc không muốn trì hoãn Thế vận hội ban đầu một phần được cho là do phản ứng chậm chạp của Nhật Bản đối với đại dịch COVID-19, xảy ra vào đầu năm 2020. Ông Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vài tháng sau khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Chính quyền của ông cũng bị chỉ trích vì tỷ lệ xét nghiệm thấp và thiếu thiết bị y tế chuyên khoa để đối phó với số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.

    Mọi hy vọng đạt được dấu ấn kinh tế và những thành tích khác của ông cũng đã tiêu tan vì sự búng phát của COVID-19, đẩy Nhật Bản vào thời kỳ suy thoái.

    Dù nhiệm kỳ thủ tướng còn nhiều điều chưa hoàn thiện nhưng ông Shinzo Abe vẫn là một nhà lãnh đạo kỳ cựu, một chính trị gia nổi tiếng và được nhiều người kính trọng. Sự ra đi của vị cựu lãnh đạo Nhật Bản đã khiến không chỉ người dân trong nước thương xót mà còn khiến cả thế giới tiếc nuối. Tuy nhiên, tên của ông Abe sẽ còn được nhắc tới như một người ‘định hình’ chính trị cho cả một thế hệ.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuu-thu-tuong-nhat-ban-shinzo-abe-nguoi-dinh-hinh-chinh-tri-cho-ca-mot-the-he-a543977.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan