Đà Nẵng buộc 2 nhà máy thép gây ô nhiễm tạm dừng hoạt động


Thứ 7, 17/12/2016 | 03:12


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Sau buổi đối thoại với người dân, lãnh đạo Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động đối với hai nhà máy thép gây ô nhiễm trên địa bàn.

(ĐSPL) - Sau buổi đối thoại với người dân, lãnh đạo Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động đối với hai nhà máy thép gây ô nhiễm trên địa bàn.

Ngày 16/12, lãnh đạo Đà Nẵng đã có buổi đối thoại với người dân tại hai thôn Vân Dương 1 và 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng và nhận nhiều ý kiến quanh việc hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường.

Theo nguồn tin trên báo Tri thức trực tuyếnVăn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo TP đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hai nhà máy thép của Công ty cổ phần Thép Dana Ý  (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) và Công ty cổ phần Thép Dana Úc (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng lãnh đạo hai nhà máy xây dựng phương án sản xuất, tập trung liên quan đến vấn đề công nghệ, đặc biệt là liên quan đến khói bụi, tiếng ồn...

Dân Đà Nẵng bao vây nhà máy thép gây ô nhiễm. Ảnh: Tri thức trực tuyến. 

Ngoài ra, lãnh đạo TP yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường thuê một đơn vị quan trắc độc lập về môi trường, có sự tham gia của người dân. Khi có kết quả quan trắc phải công bố công khai để người dân biết và chỉ khi đạt chuẩn, hai nhà máy mới được tiến hành sản xuất trở lại.

VietnamPlus đưa tin, theo phản ánh của người dân tại hai thôn Vân Dương 1 và 2, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, từ khi hai nhà máy sản xuất thép hoạt động tại đây, số người bệnh và chết trong thôn ngày càng tăng; đặc biệt trong số người chết, phần nhiều là do ung thư.

Khi chưa có nhà máy, một năm chỉ có vài người chết do tuổi già nhưng năm 2015 có đến 12 người chết, trong đó có 7 người bị ung thư.

Ngoài ra, các bệnh khác về phổi, hô hấp, bệnh ngoài da ngày càng phổ biến, nhất là trẻ em; cây cối hoa màu người dân trồng bị hư hỏng; gia súc, gia cầm, cả cá dưới đồng bị chết...

Trong khi đó, con em các gia đình của thôn lại khó xin việc ở nhà máy. Vì vậy, đời sống người dân ngày càng khó khăn.

Cũng theo người dân địa phương, thời gian gần đây, khu vực phía trước nhà máy đã cho đổ xỉ than, chất thải làm ngấm vào nguồn nước và do thời tiết mưa ẩm, khói bụi gây khó thở.

Bức xúc trước việc gây ô nhiễm môi trường của hai nhà máy thép trên làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, ngày 14/12, nhiều người dân của hai thôn Vân Dương 1 và 2 đã tổ chức chặn xe không cho vào một trong hai nhà máy này.

Đối thoại với lãnh đạo TP Đà Nẵng, người dân đề nghị di dời gấp hai nhà máy hoặc bố trí tái định cư cho nhân dân.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường thì có thể bị xử lý theo những hình thức như sau (theo quy định tại Điều 49 về “Xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường”, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014):

- Phạt tiền và buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

- Tạm thời đình chỉ hoạt động cho đến khi thực hiện xong biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết;

- Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi môi trường;

- Buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường;

- Cấm hoạt động;

- Xử lý bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp có thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường thì cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

(Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/da-nang-buoc-2-nha-may-thep-gay-o-nhiem-tam-dung-hoat-dong-a174515.html