+Aa-
    Zalo

    Đà Nẵng chuẩn bị máy bơm di động công suất lớn đối phó với nguy cơ ngập lụt trong tuần tới

    (ĐS&PL) - Theo dự báo, đợt mưa lớn từ ngày 13 – 17/11 tại TP.Đà Nẵng có khả năng gây ngập diện rộng khu vực thấp trũng và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn. UBND TP đã có công văn chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất và chống ngập.

    Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ ngày 13 - 17/11 tại TP.Đà Nẵng khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa tại các quận, huyện phổ biến 250 - 450mm, có nơi trên 600mm.

    Đợt mưa lớn này có khả năng gây ngập diện rộng khu vực thấp trũng và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn.

    Từ ngày 13/11 đến 18/11, trên các sông thuộc TP.Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ.

    da nang chuan bi may bom di dong cong suat lon doi pho voi nguy co ngap lut trong vai ngay toi
    TP.Đà Nẵng trải qua nhiều đợt ngập lụt chỉ trong vòng 2 tháng.

    Theo báo Pháp luật TP.HCM, ngày 12/11, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã có công văn chỉ đạo tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất và chống ngập.

    Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ngập úng đô thị. Sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân. Sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn.

    Vận động người dân kê tài sản, khơi thông, không làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước. Sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị, xử lý theo phương châm “bốn tại chỗ”.

    Đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự TP, Công an TP hỗ trợ điều động lực lượng, phương tiện đến các vị trí trọng điểm, xung yếu để hỗ trợ sơ tán và cứu hộ, cứu nạn tại các điểm: khu vực đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt (quận Liên Chiểu); khu vực Khe Cạn, đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê); khu vực đường Nguyễn Nhàn (quận cẩm Lệ), khu vực cuối đường Trưng Nữ Vương (hồ Ba Sen Vàng, quận Hải Châu) và các điểm xung yếu, nguy cơ ngập khác trên địa bàn...

    Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan chỉ đạo tuyên truyền và triển khai phương án phòng, chống ngập úng đô thị, khơi thông tuyến thoát nước. Chỉ đạo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải tập trung lực lượng, phương tiện tại các khu vực ngập trọng điểm, vận hành hợp lý các hồ điều tiết và trạm bơm chống ngập.

    Chuẩn bị các máy bơm di động công suất lớn tại các điểm có nguy cơ ngập sâu để vận hành chống ngập kịp thời. Chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị kiểm tra, rà soát và bảo đảm an toàn cho các công trình hạ tầng đô thị trên địa bàn TP.

    Sở GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, UBND các quận, huyện,... trên địa bàn theo dõi diễn biến của thời tiết, mưa lũ để chủ động quyết định cho học sinh nghỉ học, nhất là tại các vùng trũng thấp, ngập lũ, nguy cơ sạt lở đất, đá.

    Trước đó, chiều 13/10, trận mưa lớn trút xuống Đà Nẵng khiến hàng loạt tuyến phố trên địa bàn Đà Nẵng ngập sâu, có nơi gần 1m, hàng loạt xe bị chết máy, nhà dân bị nước tràn vào.

    Trận ngập xảy đúng thời điểm giờ tan ca làm việc khiến người dân khổ sở tìm lối về nhà khi nhiều nơi bị “phong tỏa” bởi nước lớn. Ở vực rốn lũ Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), nước ngập sâu, có nơi hơn 1m, chính quyền phải khẩn trương sơ tán người dân trong đêm. Nhiều tài sản không kịp di dời bị chìm trong nước.

    Mới đây, trận mưa kéo dài khoảng 2 tiếng xảy ra ngày 7/11, cũng khiến nhiều ở khu vực quận Liên Chiểu ngập cục bộ, riêng khu dân cư Mẹ Suốt chỉ trong 2 tháng họ phải chạy lũ 3 lần.

    Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, nguyên nhân gây tình trạng ngập lụt tại trên địa bàn thành phố gồm cả khách quan và chủ quan.

    Các trận mưa có cường độ lớn ngày càng nhiều, vượt năng lực của hệ thống thoát nước hiện có. Bất cập nữa là số điểm cục bộ có tiết diện, cao độ cống chưa hợp lý như khẩu độ nhỏ, cống hạ lưu nhỏ hơn thượng lưu. Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật ngầm còn chồng chéo khi hệ thống cấp điện, cấp nước, cáp quang... lắp đặt chạy ngang qua cửa thu nước làm giảm khả năng thoát nước.

    Không những vậy, tình trạng lấn chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước như đổ đất đá, rác thải xuống mương cống, hồ điều hòa gây tắc nghẽn dòng chảy, xe tải trọng nặng chạy lên vỉa hè gây hư hỏng các cấu kiện của hệ thống thoát nước..., theo báo Vietnamnet.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/da-nang-chuan-bi-may-bom-di-dong-cong-suat-lon-doi-pho-voi-nguy-co-ngap-lut-trong-tuan-toi-a599179.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan