+Aa-
    Zalo

    Đặc sản thịt thú rừng mất giá vì lo sợ nhiễm Ebola

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dịch bệnh xuất huyết Ebola đang trở thành nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Khi có thông tin về virus gây bệnh, nhiều người đã không dám ăn thịt động vật hoang dã. Các loại thực phẩm đắt đỏ này bỗng dưng bị mất giá.

    (ĐSPL) - Dịch bệnh xuất huyết Ebola đang trở thành nỗi ám ảnh trên toàn thế giới. Khi có thông tin về virus gây bệnh, nhiều người đã không dám ăn thịt động vật hoang dã. Các loại thực phẩm đắt đỏ này bỗng dưng bị mất giá.

    Chết vì ăn thịt động vật hoang dã

    Ngày 26/8, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố nguyên nhân gây bệnh Ebola là do ăn phải động vật hoang dã có nhiễm virus Ebola. Đó là các loại động vật có vú (khỉ, tinh tinh...). Ca bệnh đầu tiên được phát hiện là một phụ nữ mang thai, có chồng là thợ săn. Người chồng đã bị bệnh và chết sau khi chế biến thịt thú rừng. Sau đó chị có triệu chứng tiêu chảy, nôn, tiểu ra máu. Khi đi khám, bác sỹ kết luận chị vợ bị nhiễm Ebola. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị tử vong và được mai táng tại địa phương. Tuy nhiên, theo phong tục tập quán của người địa phương thì không cho phép chôn người chết cùng với thai nhi. Chính vì vậy phải mổ tách thai nhi ra khỏi xác người chết. Các y bác sỹ thực hiện ca mổ cũng bị phơi nhiễm và tử vong sau đó.

    Các nhà nghiên cứu bệnh nhiệt đới, sinh thái học châu Âu và châu Phi đã tiến hành điều tra tại Liberia, Leone, Nigeria. Theo đó, mầm bệnh được xác định nguồn gốc của bệnh dịch Ebola là từ một cậu bé 2 tuổi tử vong ở Guinea. Cậu bé này đã bị dơi cắn và nhiễm Ebola. Sau khi bắt con dơi và các loại sinh vật ở làng Meliandonua, nơi xuất hiện dịch bệnh để nghiên cứu thì phát hiện dơi là vật trung gian để lây nhiễm Ebola.

    Theo ghi nhận ở rất nhiều trường hợp khác trên khắp châu Phi thì, đa số các trường hợp mắc bệnh là do tiếp xúc với các loại động vật hoang dã như: Khỉ đột, dơi ăn quả, khỉ, tinh tinh, linh dương rừng, nhím. Động vật hoang dã đã trở thành vật chủ trung gian truyền bệnh Ebola.

    Tại Việt Nam, mặc dù chưa phát hiện ca nhiễm bệnh nào nhưng Việt Nam là một trong các nước đa dạng về sinh học, nguồn động vật hoang dã tương đối sẵn. Thời gian vừa qua, tình trạng săn bắn, sử dụng một cách bừa bãi động vật hoang dã đã trở nên báo động. Điều đáng lo ngại là người Việt Nam có thói quen ăn những món khoái khẩu như nộm và tiết canh. Do đó, các nhà khoa học đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo để phòng tránh bệnh Ebola.

    Trong một cuộc hội thảo, PGS.TS.BS Bùi Vũ Huy - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng: Nguồn gốc gây bệnh được cho là từ dơi ăn quả và linh trưởng. Động vật hoang đã bị bệnh rất dễ lây nhiễm sang người, bởi vì khi chúng ta ăn thịt hoặc tiếp xúc với chúng, virus sẽ thẩm thấu qua những vết xước cơ thể người để xâm nhập gây bệnh. ông Huy cũng khuyến cáo, nước ta nằm trong khu vực nhiệt đới nên rất thuận lợi cho các bệnh nhiễm trùng lây lan cao và khuyên mọi người không nên tiếp xúc với thịt thú rừng.

    Thịt thú rừng mất giá vì lo sợ nhiễm Ebola

    Ăn thịt thú rừng có thể bị mắc bệnh Ebola.

    Thịt thú rừng mất giá

    Tại Việt Nam, mặc dù chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm bệnh Ebola, thế nhưng những thông tin về nguồn gốc của bệnh dịch Ebola xuất phát từ thịt thú rừng đã khiến cho nhiều đồ tể "sách đỏ" lo sợ.

    Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng đã dần tẩy chay các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã. Chị Lê Thị Lan, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay: "Chị là người rất thích các món ăn từ thịt nhím. Gia đình chị vẫn thường đến nhà hàng để thưởng thức. Thế nhưng từ khi xem ti vi thấy kết luận về dịch bệnh Ebola xuất phát từ động vật hoang dã nên chị cũng thấy sợ. Mặc dù Việt Nam vẫn chưa thấy trường hợp nào mắc bệnh nhưng nếu không cẩn thận biết đâu mình lại là người đầu tiên. Tốt nhất là không ăn cho lành", chị Lan tỏ ra lo lắng.

    Theo khảo sát của chúng tôi, một số nhà hàng chuyên về các loại thực phẩm chế biến từ động vật tươi sống trên địa bàn Hà Nội cũng bỗng nhiên ít khách.

    Anh N.V.T, chủ nhà hàng T.K ở quận Long Biên, Hà Nội cho biết: "Từ trước đến nay, nhà hàng chúng tôi vẫn nhập các loại động vật tươi sống, được nuôi ở các trung tâm trong cả nước. Tuy nhiên, khi có kết quả về nguyên nhân gây bệnh Ebola, nhà hàng bỗng nhiên vắng khách hẳn. Thời điểm trước, mỗi ngày quán đón hàng trăm khách, nay con số đó đã giảm đi một nửa. Để duy trì hoạt động, chúng tôi buộc phải có nhiều chương trình giảm giá, trấn an khách hàng. Cụ thể như món tiết canh, chúng tôi đều phải cho vào nấu chín chứ không dám cho khách ăn sống. Hơn nữa, chúng tôi rất để ý đến nguồn cung cấp thực phẩm, phải được kiểm dịch, có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm", ông chủ này tỏ ra rất lo lắng về tình trạng làm ăn bết bát của nhà hàng.

    Ông chủ chuyên cung cấp các loại thịt núi rừng cũng đang lo lắng vì các loại sản phẩm này bị mất giá. Trước đây giá của các loại này bán rất cao như: Lợn mán: 120.000đ/kg; Lợn rừng: 290.000đ/kg; Cầy hương: 1.390.000đ/kg; Nhím: 220.000đ/kg; Ron: 1.340.000đ/kg. Tuy nhiên khi có thông tin động vật nhiễm Ebola thì nhiều người đã ngoảnh mặt với chúng. Để bán được, chúng tôi đã phải chấp nhận lời lãi mỏng, thậm chí có mặt hàng giảm giá xuống 20 - 40\%.

    Ông Tuấn ở Bắc Giang là chủ một trung tâm chăn nuôi giống các loại động vật - núi rừng như cầy hương, kỳ nhông, nhím, dúi và các loại chim rừng. Được biết, cơ sở này là nơi cung cấp nguồn thịt động vật tươi sống cho các nhà hàng lớn, nhỏ ở Hà Nội.

    "Thông tin về dịch bệnh Ebola lây nhiễm từ động vật hoang dã đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh của trung tâm. Mặc dù các loại sản phẩm của chúng tôi đã được kiểm dịch nhưng vẫn không thể tránh khỏi tác động của cơ chế thị trường. Các chủ hàng đã ép giá vì lý do nhiều người lo ngại về dịch bệnh, quán vắng khách, không làm ăn được nên yêu cầu chúng tôi phải giảm giá thì họ mới mua. Trong khi đó, các loại động vật trên khi nuôi đủ lớn thì phải bán đi để có thể nuôi lứa khác, nếu không thì có mà bán cả trang trại đi trả nợ", ông Tuấn nói.

    Khuyến cáo không nên ăn thịt động vật hoang dã

    Động vật hoang dã là mầm mống gây các loại bệnh nguy hiểm như SARS, cúm H5N1, AIDS, Ebola. Chính vì vậy, Trưởng đại diện tổ chức Động vật Châu á - AAF tại Việt Nam cảnh báo: "Chúng ta tiếp xúc với động vật hoang dã là tạo điều kiện cho virus Ebola lây sang con người. Vì vậy, chúng ta không nên ăn động vật hoang dã và tiếp xúc động vật hoang dã".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dac-san-thit-thu-rung-mat-gia-vi-lo-so-nhiem-ebola-a49516.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.